Vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng

Được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 34 đội viên đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, QĐND Việt Nam từng bước xây dựng, trưởng thành và lớn mạnh. 80 năm vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng, qua mỗi giai đoạn cách mạng, Quân đội ta luôn tự đổi mới, hoàn thiện mình để xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng'.

Dưới lá cờ vinh quang của Đảng, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Minh Nguyễn

Dưới lá cờ vinh quang của Đảng, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Minh Nguyễn

Cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) - tiền thân của QĐND Việt Nam đã được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Trong Chỉ thị thành lập đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh ghi rõ: "Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Đội VNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam". Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội VNTTGPQ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, lập nên những chiến công hiển hách.

Ngay sau ngày thành lập, 17 giờ, ngày 25/12/1944, Đội VNTTGPQ đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng hôm sau (26/12/1944) lại đột nhập Đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam.

Những chặng đường lịch sử đã qua cho thấy, mỗi giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, QĐND Việt Nam ngày một trưởng thành và lớn mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của Bác Hồ và nhân dân. Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã triển khai chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.

Qua các cuộc vận động "luyện quân lập công", "rèn cán chỉnh quân" trong năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, quân ta không ngừng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta tiếp tục giành các chiến thắng quan trọng như Chiến dịch Biên giới (năm 1950), giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước XHCN, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới. Chiến thắng biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn tự hào về truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam. Ảnh: Duy Phạm

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn tự hào về truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam. Ảnh: Duy Phạm

Tiếp đó, chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời, là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang dưới lá cờ vinh quang của Đảng.

Đến năm 1960, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng Quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quân đội ta tiếp tục trưởng thành, cùng nhân dân đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cùng với chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).

Trước diễn biến mau lẹ của cách mạng, Bộ Chính trị đã quyết định tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", ngày 26/4/1975, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng. Đến 10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, Quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Bối cảnh tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, toàn quân lại cùng nhau ra sức nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" trong mọi tình huống.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ một lòng sắt son theo Đảng, theo tiếng gọi non sông xông pha lửa đạn trên khắp chiến trường cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công chói lọi.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vung-buoc-duoi-la-co-vinh-quang-cua-dang-post485998.html