'Vùng cam' Hà Nội ứng phó thế nào khi ca nhiễm tăng cao?

Nếu như 2 tuần trước đây chỉ có quận Đống Đa và Hai Bà Trưng thuộc cấp độ 3 (màu cam) trong phòng chống dịch thì đến nay, hầu hết các quận trung tâm của Hà Nội đều thuộc 'vùng cam'. Vậy, các địa bàn 'vùng cam' ở Hà Nội đang ứng phó thế nào khi số ca nhiễm tăng cao.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới tăng nhanh, dự báo có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc trong những ngày tới.

Ngoài 2 quận “vùng cam” cũ là Hai Bà Trưng, Đống Đa, 6 quận “vùng cam” mới là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ đang tập trung siết chặt lại các hoạt động phòng chống dịch, hạn chế hội họp đông người, đóng cửa vườn hoa công viên, các hộ kinh doanh chỉ được bán mang về và dừng hoạt đông sau 21h hành ngày.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thống kê cũng cho thấy, đến ngày 29/12, Hà Nội đang điều trị cho 25.217 bệnh nhân mắc cOVID-19, trong đó, 5.195 người đang được điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện, trên 15.000 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 60%). Để giúp các trường hợp F0 yên tâm điều trị tại nhà, các quận huyện, xã phường đã thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời tư vấn, thăm khám, chữa trị; các hội, đoàn hỗ trợ mua bán lương thực thực phẩm cho các F1, F0 đang thực hiện cách ly.

Bà Trần Thị Hoa, tham gia hỗ trợ gia đình cách ly tại nhà phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ. Nếu gia đình có nhu cầu trong mua bán các vật dụng thiết yếu chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để bà con yên tâm chữa trị, cách ly".

Ứng phó với thực trạng ca nhiễm tăng cao, Hà Nội đang tập trung cho tuyến y tế cơ sở, trong đó có việc thiết lập 508 trạm y tế lưu động tại các xã phường để linh hoạt, kịp thời chưa trị. Tại “điểm nóng” Hoàng Mai, nơi trong những ngày qua liên tục ghi nhận trên 200 ca dương tính mỗi ngày đã thành lập 14 trạm y tế lưu động, với công suất tiếp nhận 150 giường bệnh và một cơ sở thu dung 200 giường. Đồng thời phát huy hiệu quả của đội thanh niên tình nguyện, đội phản ứng nhanh hỗ trợ bệnh nhân F0 nhằm giảm tải cho trạm y tế phường.

Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết, trạm y tế lưu động trên địa bàn không chỉ giúp người bệnh yên tâm điều trị gần nhà, mà quan trọng hơn kết quả điều trị đã được chứng minh, với nhiều trường hợp khỏi bệnh về nhà: "Để phù hợp với tình hình thực tế thì phường phân loại F0. Nếu bệnh nhân có điều kiện cách điều trị tại nhà thì phường ra quyết định cách ly tại nhà. Nếu không đủ điều kiện thì chúng tôi thực hiện điều trị tại cơ sở thu dung và đến nây đã có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh"./.

Huy Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/vung-cam-ha-noi-ung-pho-the-nao-khi-ca-nhiem-tang-cao-post915196.vov