Vùng cao đổi thay từ kinh tế rừng

Những năm gần đây, được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án, diện tích rừng sản xuất trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai ngày càng được mở rộng. Kinh tế rừng mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho bà con nông dân nơi đây.

Anh Phùng Văn Lành (bên trái), dân tộc Mông, ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, Võ Nhai, trồng 6ha rừng keo, mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Anh Phùng Văn Lành (bên trái), dân tộc Mông, ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, Võ Nhai, trồng 6ha rừng keo, mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Năm 2001, khi mới gần 20 tuổi, anh Phùng Văn Lành người dân tộc Mông ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, tách khỏi cuộc sống chung với bố mẹ đẻ để ra ở riêng với người vợ mới cưới. Khi đó, tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ là 3 sào ruộng và vài sào đất nương trồng ngô. Với chừng ấy tư liệu sản xuất, cuộc sống gia đình anh Lành thường xuyên rơi vào hoàn cảnh bấp bênh khi lần lượt 3 đứa con chào đời.

Quyết tâm thay đổi cuộc sống, hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Lành xin bố mẹ cho phát quang đồi, trồng rừng sản xuất. Nhận thấy, cây keo phù hợp với đồi đất nên anh Lành liên tục mở rộng diện tích và chỉ sau đó 4 năm đã trồng được tới 6ha. Thêm 2 năm nữa, anh có nguồn thu đầu tiên từ rừng keo tới trên 50 triệu đồng. Không chỉ phát triển rừng sản xuất, anh Lành còn dành một phần diện tích để trồng hơn 500 gốc cam sành, cam Vinh và ngô cao sản.

Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm tôi có thu nhập hơn 80 triệu đồng. Riêng năm 2023, tôi thu được trên 60 triệu đồng từ bán gỗ keo và củi keo.

Tương tự anh Lành, từ năm 2010 tới nay, gia đình ông Triệu Sinh Phượng, người dân tộc Dao xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, được Nhà nước hỗ trợ trồng khoảng 20ha rừng sản xuất. Trung bình mỗi năm ông có nguồn thu trên 300 triệu đồng từ cây keo. "Nhờ phát triển kinh tế rừng, gia đình tôi đã xây được nhà khang trang, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại như: Ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ…" - ông Phượng chia sẻ.

Võ Nhai là huyện vùng cao có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, với trên 84.500ha, trong đó đất lâm nghiệp có trên 67.000ha. Trung bình mỗi năm huyện trồng mới gần 800ha rừng tập trung các loại theo thiết kế. Trong đó, riêng năm 2021, toàn huyện trồng được gần 1.300ha rừng tập trung; năm 2022 gần 600ha và năm 2023 là trên 900ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện hiện đạt trên 70%, cao hơn trên 20% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh.

Trong 5 năm gần đây, sản lượng gỗ khai thác hằng năm đều tăng mạnh và đạt bình quân khoảng gần 30.000m3/năm, thu về gần 20 tỷ đồng lợi nhuận cho nông dân.

Phát triển rừng sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi đời sống người dân vùng cao Võ Nhai. Trong đó, tiêu biểu như các xã: Phú Thượng, Liên Minh, Bình Long, Vũ Chấn… Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, chia sẻ: Xã có tới gần 2.300ha đất rừng sản xuất. Những năm gần đây, bà con nhân dân trong xã đã quan tâm phát triển mạnh diện tích rừng. Trung bình mỗi năm, Liên Minh trồng được 90-180ha rừng, chủ yếu là keo, mỡ, bồ đề, xoan; thu hoạch được khoảng 5.000m3 gỗ. Những kết quả trên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn bình quân khoảng 8%/năm...

Xưởng gỗ của gia đình anh Hồ Văn Chiến, ở xóm Làng Chiềng, xã Lâu Thượng, Võ Nhai, chuyên chế biến gỗ keo khai thác từ rừng sản xuất trên địa bàn huyện.

Xưởng gỗ của gia đình anh Hồ Văn Chiến, ở xóm Làng Chiềng, xã Lâu Thượng, Võ Nhai, chuyên chế biến gỗ keo khai thác từ rừng sản xuất trên địa bàn huyện.

Từ năm 2021, huyện Võ Nhai đã triển khai Dự án phát triển cây quế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng sang cây quế với mục tiêu đạt 1.000ha trồng quế vào năm 2030. Riêng năm 2022, huyện hỗ trợ nông dân trồng mới 145ha; năm 2023 hỗ trợ trồng mới 100ha, nâng diện tích trồng quế toàn huyện lên trên 400ha.

Anh Triệu Tiến Quý, ở xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) là một trong những người đầu tiên trồng quế trên địa bàn xã. Khởi đầu với hơn 0,5ha rừng quế, trong 10 năm qua, gia đình anh đã khai thác tỉa thưa, sau đó là khai thác trắng, thu về tổng số tiền gần 190 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã đầu tư mở rộng diện tích quế lên trên 13ha, với hơn 60 nghìn cây, hứa hẹn trong mấy năm tới sẽ cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm.

Anh Quý chia sẻ: Trồng quế có thể thu được thành phẩm từ vỏ cây, thân gỗ và cả lá sau 4-5 năm trồng; khai thác trắng khi cây từ 10-12 năm tuổi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác…

Được biết, cùng với cây quế, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cũng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng và triển khai Dự án trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện với mục tiêu đến năm 2030 phát triển được khoảng 3.000ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây keo với tuổi khai thác từ 10-12 năm.

Ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai, cho biết: Sau 10-12 năm trồng, cây keo đạt tiêu chuẩn gỗ lớn có thể đem lại lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/ha, cao hơn 2-3 lần so với cây keo gỗ nhỏ có chu kỳ khai thác sau 5-6 năm trồng. Còn với cây quế thì giá trị kinh tế đem lại có thể cao hơn từ 3-4 lần so với trồng keo. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND huyện dành kinh phí hỗ trợ bà con nông dân trồng quế hoặc rừng gỗ lớn trên diện tích phù hợp; đồng thời quy hoạch mạng lưới dịch vụ, chế biến sau thu hoạch, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/vung-cao-doi-thay-tu-kinh-te-rung-4f61154/