Vùng cao Thái Nguyên xuất hiện nhiều vị trí nguy cơ sạt lở
Sau nhiều ngày mưa lớn, tại 37 xã phía bắc của tỉnh Thái Nguyên xuất hiện nhiều vị trí nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn nhiều hộ dân. Tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các xã chủ động phương án tại chỗ, rà soát để bảo đảm an toàn cho người dân.

Những rãnh sâu do nước xói mòn làm xuất hiện nguy cơ sạt lở cao tại tổ 4, phường Đức Xuân. (Ảnh: TÙNG VÂN)
Những ngày qua, nhiều hộ dân khu vực tổ 4, tổ 9 thuộc phường Đức Xuân thấp thỏm lo lắng vì những điểm sạt trượt đất đồi đằng sau nhà.
Bà Nông Thị Diệu có nhà dưới điểm sạt cho biết, xuất hiện từ đêm 3/7. Các hộ trong khu vực cũng đã chủ động theo dõi để phòng tránh khi sạt lở đất. Gia đình bà Diệu cũng chủ động rời khỏi nhà, đến nhà người thân để ngủ cho an toàn.
Theo Tổ trưởng tổ dân phố 4 Lưu Thị Loan, khu vực ngõ 163 thuộc tổ 4 xuất hiện điểm sạt trượt mới. Ngay khi nhận được báo cáo của người dân, đại diện lãnh đạo tổ dân phố đã kịp thời báo cáo và khẩn trương phối hợp cùng cán bộ phường Đức Xuân và những hộ dân trong khu vực đi kiểm tra thực tế.
Qua kiểm tra cho thấy, vết nứt sạt trượt có đoạn rộng khoảng chừng 2m, chiều dài vết nứt khoảng hơn 20m. Phía dưới nhiều ngôi nhà xây kiên cố, cao tầng liền kề nhau, khoảng cách từ nhà dân đến điểm sạt trượt cách khoảng hơn 30m.
Khu vực này là vị trí thường xuyên có nguy cơ sạt lở cao. Mùa mưa năm 2024, khu vực tổ 4 đã có điểm nứt, sạt trượt, hàng trăm hộ dân khu vực giữa tổ 4 và tổ 9A bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.
Tỉnh Bắc Kạn cũ đã có phương án xử lý san gạt để khắc phục. Tuy nhiên, việc san gạt hiện nay cũng chưa hoàn thiện, chưa có các rãnh thoát nước. Điều này dẫn tới bước vào mùa mưa, nước từ trên đỉnh đồi chảy xuống, xói mòn thành những rãnh sâu, trôi theo bùn đất, không có rãnh thoát nước đã tràn cả vào nhà một số hộ dân.

Mái ta-luy dương có nguy cơ sạt lở đe dọa an toàn nhiều hộ dân sinh sống phía dưới ở khu vực tổ 4 và tổ 9, phường Đức Xuân. (Ảnh: TÙNG VÂN)
Cứ mỗi trận mưa to, nước mưa chảy xuống đường, kéo theo bùn đất lớn gây ách tắc, cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường....
Bà Ma Minh Thu, hộ trực tiếp chịu ảnh hưởng tại khu mới xử lý san gạt, cho biết: "Hôm nào mưa to gia đình tôi cũng phải tát nước, dọn bùn đất. Nếu nước cứ xối xả như vậy nguy cơ sạt lở đất là rất cao. Chúng tôi rất mong cấp trên tiếp tục quan tâm, sớm xử lý, xây kè chắc chắn, có rãnh thoát nước để những hộ dân trong khu vực này yên tâm sinh sống".
Trong khi đó, tại xã Ngân Sơn, khu vực Tiểu khu Đèo Gió cũng xuất hiện nguy cơ sạt lở đe dọa an toàn của 5 hộ dân.
Hiện tại, khu vực đồi sau nhà các hộ dân xuất hiện vết nứt dài hơn 100m, rộng 30cm, đã bắt đầu sạt trượt.
Khu vực này có kết cấu rời rạc, có nước ngầm chảy ra, làm quá trình sạt trượt diễn ra nhanh chóng. Đầu tháng 7, đã có khoảng 40.000m3 đất sạt lở
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân xã Ngân Sơn đã kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguy cơ sạt lở. Xã cũng hướng dẫn các hộ dân di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; yêu cầu các hộ dân cam kết không được ngủ đêm tại nhà dưới vị trí sạt lở.
Xã Ngân Sơn cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra thực địa để đánh giá và có biện pháp giải quyết dứt điểm nguy cơ sạt lở tại đây.
Các xã phía bắc của hiện là vùng có nguy cơ sạt lở đất cao ở nhiều vị trí. Hầu như năm nào cũng có vụ việc sạt lở đất làm chết người.
Mới nhất, vào ngày 20/6, tại xã Thượng Minh, một vụ sạt lở đất xảy ra vào ban đêm đã xô đổ tường nhà, vùi lấp, làm một phụ nữ tử vong.
Các vị trí nguy cơ sạt lở xuất hiện liên tiếp, đặc biệt là sau các đợt mưa kéo dài và thường rất khó dự báo do chưa được điều tra, đánh giá, xác định tổng thể về địa chất. Đơn cử như đợt bão số 3 năm 2024, sau khi bão tan, các xã phía bắc của Thái Nguyên đã xuất hiện 20 điểm sạt lở, uy hiếp an toàn của hơn 420 hộ dân.
Thống kê của tỉnh Bắc Kạn cũ cho thấy, khu vực 37 xã phía bắc của tỉnh Thái Nguyên mới (diện tích của Bắc Kạn cũ) có hơn 500 điểm nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn của hơn 2.400 hộ dân.
Hiện tại, mưa kéo dài trong hai tháng qua, nhiều khu vực đồi núi ở các xã này đã bão hòa nước, độ kết dính thấp, khả năng tiếp tục xuất hiện sạt lở rất cao.
Trước tình hình này, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các xã, phường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin cảnh báo, nhất là lũ quét, sạt lở đất.
Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng tại chỗ để cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân.
Lực lượng xung kích tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất.
Trong ngày 10/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cũng yêu cầu, trước ngày 15/7, các xã, phường phải rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai thuộc địa bàn quản lý.