Bánh cáy là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, tiêu biểu nhất là ở làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng của tỉnh Thái Bình. Hai nguyên liệu chủ yếu làm nên bánh cáy là nếp cái hoa vàng và mạch nha.
Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là vùng đất có truyền thống lâu đời ở miền Bắc nước ta. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, đây là quê hương của nhiều danh nhân nước Việt, tiêu biểu là nhà bác học Lê Quý Đôn (1724-1784).
Theo Cổng thông tin điện tử Hưng Hà, huyện Hưng Hà được thành lập từ 1969 trên cơ sở sáp nhập 2 huyện Duyên Hà, Hưng Nhân và 5 xã của huyện Tiên Hưng cũ. Huyện nằm phía Tây Bắc của tỉnh Thái Bình, cách thành phố Thái Bình khoảng 27 km. Phía Bắc tiếp giáp huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, phía Nam giáp huyện Vũ Thư, phía Đông giáp huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng. Tổng diện tích đất tự nhiên hơn 20.000 ha, dân số hơn 252.000 người, có 33 xã và 2 thị trấn.
Theo Cổng thông tin điện tử Hưng Hà, đây là vùng đất cổ của tỉnh Thái Bình, có dân cư sinh sống khoảng trên 2.500 năm trước. Trong suốt chiều dài lịch sử trên vùng đất "địa linh nhân kiệt" này đã sinh ra những danh nhân, danh tướng làm rạng danh quê hương, đất nước. Từ những năm 40, Đông Nhung Đại Tướng Vũ Thị Thục đã về vùng đất Hưng Hà ngày nay chiêu tập binh mã, cùng dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Hán xâm lược.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Hưng Hà chính là quê hương của Thái sư Trần Thủ Độ, người đóng vai trò quyết định thành lập nhà Trần, có vai trò lớn trong kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược.
Hưng Hà cũng chính là quê hương của trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (1457-1531) - người được suy tôn làm ông tổ nghề đan chiếu Việt Nam. Đây cũng là quê hương của Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi.
Theo Cổng thông tin điện tử Hưng Hà, từ 13-18 tháng Giêng hàng năm, tại Hưng Hà diễn ra lễ hội đền Trần. Hưng Hà cũng được xem là một trong những vùng đất phát tích nên triều Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing