Vùng đất của sự hồi sinh và tái tạo

Từ một vùng đất trũng ô nhiễm, khu vực Gamuda - Yên Sở đã trở thành động lực lan tỏa kéo theo khu vực phía Nam thủ đô phát triển.

Từ niềm tự hào Hà Thành đệ nhất chợ cá đến vùng đất chết

Vài thế kỷ trước, Yên Duyên, Sở Thượng là những làng cổ thuộc xá Yên Sở xưa, nay là phường Yên Sở - quận Hoàng Mai vốn nức danh bởi nghề nuôi cá. “Nhất thả cá, nhì gá bạc”, tận dụng vùng đất trũng diện tích mặt nước lớn, nhà nào ở đây cũng có ao cá. Thời đó 90% người bán cá ở nội thành là đến từ Yên Sở. Nghề thả cá đã mang lại sự sung túc cho người dân ở đây. Những cụ già còn sống kể lại, thời hoàng kim người Yên Sở đã biết đến kỹ thuật nhân giống cá.

Khu vực Yên Sở có diện tích mặt nước lớn, nghề nuôi cá là nghề truyền đời qua nhiều thế kỷ.

Khu vực Yên Sở có diện tích mặt nước lớn, nghề nuôi cá là nghề truyền đời qua nhiều thế kỷ.

Theo quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa nhiều năm, hơn 20 năm trước Yên Sở biến thành “rốn nước” của thành phố không tránh khỏi ô nhiễm và hoang hóa. Vào mùa mưa lớn, hệ thống thoát nước Hà Nội không xử lý kịp, người dân bản địa sống chung với cảnh nhà ngập ngang nửa cột. Đặc biệt khu vực hồ Yên sở, nơi đầm trũng nước chảy của sông Sét và sông Kim Ngưu chứa đầy nước thải thành phố đổ về, quanh năm dòng nước đen đặc, bốc mùi hôi thối. Nguồn nước ô nhiễm nặng khiến việc canh tác của dân xung quanh cũng bấp bênh. Trận lụt lịch sử năm 2008, trạm bơm chìm trong biển nước không thể hoạt động, cả thành phố ngập sâu, khu vực Yên Sở cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thời điểm đó, khu vực phía Bắc sông Hồng được ưu tiên đầu tư phát triển. Hàng loạt doanh nghiệp đổ dồn vào xin dự án, đầu tư các khu đô thị và trung tâm thương mại. Trái ngược với đó, khu phía Nam được ví là ‘vùng đất chết”, hạ tầng giao thông chưa được kết nối đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá, vùng đất này diện tích mặt nước lớn, chi phí đầu tư tốn kém, khó thu hút dân cư đến an cư.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai nhận định quận là địa bàn duy nhất có 4 con sông đi qua: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Các tuyến sông này đồng thời là các tuyến sông thoát nước chủ yếu cho thành phố. Bởi vậy, ngay khi lập quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai, lãnh đạo thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến việc cần phải giải quyết vấn đề môi trường khu vực này. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải là bước ngoặt quan trọng, để giải quyết các vấn đề môi trường. Thế nhưng, nguồn kinh phí từ đâu là một bài toán nan giải, nhất là nhà đầu tư vừa có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai xây dựng đúng định hướng.

Miệt mài 10 năm cải tạo vùng đất “rốn nước”

Năm 2000, Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) bắt đầu toan tính mở rộng thị trường ra khu vực và thị trường Việt Nam được nhắm đến với nhiều tiềm năng. Tập đoàn Gamuda Berhad được thành lập từ năm 1976, hoạt động trong các lĩnh vực: Bất động sản, đường sắt, công trình biển, xây dựng đường cao tốc, đường hầm, hệ thống giao thông công cộng và các công trình kỹ thuật thủy điện, xử lý nước thải.

Một ký kết giữa UBND Thành phố Hà Nội và tập đoàn Gamuda Berhad chính thức đánh dấu sự đặt chân của tập đoàn này vào Yên Sở. Năm 2007, Gamuda Land Việt Nam được thành lập để trực tiếp triển khai và quản lý các dự án tại khu vực Hoàng Mai. Thay vì tập trung vào xây dựng khu đô thị, tập đoàn Gamuda đã bắt tay vào cải tạo vùng đất trước. 4 tháng sau khi ký biên bản với thành phố, công viên Yên Sở có diện tích 323ha được khởi công. Cùng với việc bắt tay vào nạo vét và làm sạch nước 5 cụm hồ, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được khởi công năm 2009 trên diện tích 91,959m2công suất xử lý lên tới 200.000m3/đêm, mục tiêu đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét.

Chiều 4/4/2014 trở thành ngày hội với người dân làng Yên Sở khi công viên Yên Sở cắt băng khánh thành và mở cửa miễn phí đón người dân. Công viên Yên Sở với hệ sinh thái đa dạng được coi là lá phổi xanh lớn nhất thành phố. Viện kiến trúc cảnh quan Malaysia (ILAM) đã trao giải thưởng cao quý nhất về kiến trúc cảnh quan cho công viên. Người dân địa phương hào hứng khi từ cảnh đầm nước quanh năm bỏ hoang, mọc lên công trình hạ tầng lớn.

Công viên Yên Sở với diện tích 323 hecta, là công viên đô thị lớn nhất Việt Nam do Gamuda Land xây dựng trên rốn ngập cũ của Hà Nội.

Công viên Yên Sở với diện tích 323 hecta, là công viên đô thị lớn nhất Việt Nam do Gamuda Land xây dựng trên rốn ngập cũ của Hà Nội.

Vươn mình thành khu đô thị xanh nổi bật ở phía Nam Hà Nội

Song song với cải tạo vùng đất, tập đoàn Gamuda bắt tay vào xây dựng khu đô thị Gamuda City. Với tổng số vốn đầu tư 5 tỉ USD cho toàn bộ dự án, Gamuda City được xây dựng với mục tiêu trở thành Khu đô thị mang tầm quốc tế, gồm 4 phân khu chính: Công viên Yên Sở, 2 khu dân cư Gamuda Lakes và Gamuda Gardens và khu thương mại Gamuda Central. Tại thời điểm đó, chưa có khu đô thị nào sở hữu được hệ thống hồ điều hòa rộng lớn, hệ thống xử lý nước thải hiện đại và tạo dựng được không gian sống thân thiện với tự nhiên như Gamuda City.

Là nhà phát triển bất động sản theo hướng kiến tạo khu đô thị xanh và kiên tâm hướng đến sự phát triển bền vững, trao cho người dùng những giá trị thật, Gamuda City được ví như giải tỏa "cơn khát" sống xanh cho nhiều người dân đô thị. Mật độ xây dựng ở Gamuda Garden một trong bốn phân khu của Gamuda City chỉ có 50% diện tích toàn dự án. 50% diện tích còn lại được bao phủ bởi cây xanh nhằm kiến tạo nên không gian sống thoáng đãng, trong lành cho toàn bộ cộng đồng dân cư.

Khu đô thị Gamuda Garden với mật độ 50% diện tích dành cho cây xanh.

Khu đô thị Gamuda Garden với mật độ 50% diện tích dành cho cây xanh.

Song song với đó Gamuda Land đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự đa dạng sinh học. Theo thống kê sơ bộ, Gamuda City đã trồng hơn 20.000 cây xanh các loại với loài cây gỗ lớn, loài cây bụi và cây trồng chậu nhỏ và trải thảm. Trong đó có nhiều cây gỗ quý như gõ đỏ, giáng hương, nhiều loài cây cho hoa đẹp như muồng hoàng yến, muồng đen, muồng hoa vàng, phượng vỹ, lim xẹt... Hàng hàng lớp lớp cây xanh ngoài mục đích làm đẹp khuôn viên còn có tác dụng điều tiết khí hậu và giảm nhiệt độ không khí từ 1-2 độ C. "Lá phổi" này còn có tác dụng lọc bụi và hỗ trợ giảm tiếng ồn, tạo thành quần xã thực vật đặc trưng của khu vực.

Theo ông Eddie - một chuyên gia của Gamuda Land, bất cứ công trình dự án nào cũng tuân thủ thuyết ba cột trụ: xanh lá, xanh dương và vật liệu. Ngoài·tập trung duy trì hệ thực vật phong phú, Gamuda Land còn chú trọng yếu tố cảnh quan mặt nước như lưu vực hồ và thiết kế ao, hệ thống quản lý lọc và thoát nước đồng thời quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả. Gamuda Land áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến như trồng cây trong vườn ươm, bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng, tiết kiệm năng lượng và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam liên tục đan xen những giai đoạn thăng – trầm của khủng hoảng và phục hồi, Gamuda Land vẫn kiên tâm để tạo ra những ảnh hưởng tích cực trên thị trường với mục tiêu đưa thị trường phát triển bền vững. Giá trị cốt lõi tạo nên thành công cho Gamuda Land tại Malaysia và trên thế giới là việc bảo tồn thiên nhiên. Do đó, chủ đầu tư đã nhạy bén nhìn ra được tiềm năng phát triển bất động sản ngay tại "rốn nước" Yên Sở. Những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình hình thành các dự án trước đây đã mang đến thành công cho Gamuda Land tại Gamuda City mà minh chứng rõ nhất là sự hồi sinh và tái tạo lại vùng đất.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Vân Phương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vung-dat-cua-su-hoi-sinh-va-tai-tao-360354.html