Vùng ĐBSCL đang đối mặt thách thức già hóa dân số, biến đổi khí hậu
Ngày 28/11, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Quản lý phát triển xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay'. Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển xã ở vùng ĐBSCL và đề xuất giải pháp phát triển theo hướng bền vững.
Vùng ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm khoảng 12% diện tích, 17,3% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo và là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Những năm qua, vùng ĐBSCL đóng góp 18% GDP cả nước; 95% sản lượng gạo xuất khẩu; 70% sản lượng trái cây và 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển nhưng vùng ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Những đô thị lớn của vùng như: Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ đang phải đối mặt với những tác động bất lợi của nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. Ngoài ra, vùng ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến quá trình chuyển đổi các đặc trưng nhân khẩu. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL không có sự thay đổi đáng kể so 10 năm trước.
Vùng ĐBSCL là vùng có chỉ số già hóa dân số cao nhất cả nước. Điều này cho thấy vùng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, phức tạp chưa từng có trước đây. Cùng với đó các nghiên cứu gần đây cho thấy năng lực thích ứng của chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện còn hạn chế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa nhanh, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp; việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa bền vững dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt và thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Xét một cách tổng thể, có thể nhận thấy tốc độ, trình độ, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Nhấn mạnh thách thức và yêu cầu đặt ra trong quản lý phát triển xã hội ở ĐBSCL, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng, vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, vấn đề thất nghiệp, di cư do thiếu việc làm và thu nhập bấp bênh đã gây hệ lụy đến nguồn lao động, làm giảm nguồn nhân lực tại một số địa phương.
TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, quản lý phát triển xã hội vùng ĐBSCL cần thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng phương án ứng phó với rủi ro, thiên tai. Cùng với đó cần có vai trò “nhạc trưởng” để làm chủ thể trong hoạt động quản lý phát triển xã hội của cả vùng ĐBSCL.
"Cần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, đầu tư vào phát triển hạ tầng để giảm thiểu tác động, xây dựng hệ thống phương án ứng phó với rủi ro thiên tai. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ để từ đó tạo ra cơ hội việc làm, giảm sự phụ thuộc vào ngành nông nghiệp và có chính sách đầu tư vào các ngành nghề lĩnh vực lợi thế của các địa phương để tạo việc làm tại chỗ", TS Nguyễn Văn Dũng nêu rõ.
Hội thảo khoa học đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn định hướng cho việc lựa chọn mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp ở vùng ĐBSCL. Đồng thời phân tích bối cảnh, thực trạng quản lý phát triển xã hội và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.