Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương: Nối tiếp thành công Đề án Thành phố thông minh
Trong 2 ngày 21 và 22/9/2020, tỉnh Bình Dương đã thông qua hội nghị báo cáo Đề án 'Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương Binh Duong Innovation Region'. Đây là Đề án tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì hội nghị, cùng tham dự có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Liêm, tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị, thành phố và lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC, các trường đại học trên địa bàn tỉnh và nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển kinh tế, đô thị thông minh với nhiều tham luận giá trị thực tiễn cao nhằm đóng góp xây dựng, hoàn thiện Đề án Vùng đổi mới sáng tạo.
Nối tiếp đề án TPTM
Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển của thế giới về vùng đổi mới sáng tạo như Deajeon - Daedeok Innopolis (Hàn Quốc), Brainport Eindhoven (Hà Lan)… Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương – Binh Duong Innovation Region” là một mô hình hoàn toàn mới phù hợp với thực tiễn của Bình Dương có vận dụng và đúc kết từ những thành tựu của các vùng đổi mới sáng tạo.
Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là nội dung trọng tâm trong xây dựng TPTM Bình Dương cho giai đoạn tiếp theo. Một nhân tố không thể thiếu trong “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region” là việc hình thành khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN). KCN KHCN là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao.
KCN KHCN tại Bàu Bàng sẽ là một cụm nối dài của vùng trung tâm từ TP.Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương trong việc thu hút các viện trường, các trung tâm xuất sắc của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản phẩm khu công nghiệp mới cho Bình Dương, còn có nhiệm vụ nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp hiện tại; cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đây là Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy, xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững; giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới…Từ đó giúp tỉnh nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.
Ông Trần Văn Nam nhấn mạnh: Với tiềm năng và thực lực hiện tại của Bình Dương, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương mà Tổng Công ty Becamex đã báo cáo, đề xuất.
Tạo bước chuyển biến về về khoa học, công nghệ
Theo ông Trần Văn Nam, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp của tương lai, phát triển đô thị gắn liền với quy hoạch giao thông công cộng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ với việc xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương; định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt, phát triển logistics thông minh; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kỹ thuật số - băng thông rộng.
Tỉnh Bình Dương cũng sẽ tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp.
Đồng thời, tập trung đầu tư vào chất lượng sống, mảng xanh, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo; phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình Làng thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ…
Đặc biệt, tỉnh tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước theo các định hướng Bộ Chính trị, các cơ quan trung ương đã xác định trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh thực hiện việc chuyển đổi số, từng bước phấn đấu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Về chủ trương, ông Nam cho biết, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cao với việc xây dựng và triển khai Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương và việc quy hoạch Khu công nghiệp khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng, với các nội dung chính cần triển khai cụ thể, như: Quy hoạch đô thị, giao thông; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển cân bằng nền kinh tế; chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, Chính phủ số, thương mại điện tử; phát triển và thu hút nguồn nhân lực…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhận định, để phát triển thành vùng đổi mới sáng tạo là một quá trình dài gian nan và rất khó. Tuy nhiên, xu thế tất yếu, Bình Dương muốn phát triển bền vững phải đổi mới khoa học, công nghệ.