Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang: Khởi sắc nhờ kết nối giao thông
Giai đoạn 2022-2024, tỉnh Bắc Giang tập trung đầu tư xây dựng ngầm, cầu dân sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Những công trình giao thông mới giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo.
Giao thông thuận tiện
Những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH. Tuy vậy, so với miền xuôi và mặt bằng chung toàn tỉnh, đời sống của người dân vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng giao thông ở khu vực này chưa phát triển đồng bộ. Trước thực tế đó, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 511/KH - UBND (Kế hoạch 511) ngày 15/10/2021 về đầu tư xây dựng 73 công trình ngầm, cầu dân sinh phục vụ hơn 13 nghìn hộ dân, trong đó có 8,6 nghìn hộ DTTS thuộc 4 huyện: Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm 2022-2024 (ngân sách tỉnh hỗ trợ 150 tỷ đồng; còn lại là ngân sách huyện và các nguồn vốn khác đối ứng).
Theo đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ngay khi có chủ trương đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập Tổ quản lý đầu tư xây dựng công trình cầu, ngầm dân sinh. Kịp thời đề xuất với UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư; đôn đốc UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và khởi công thực hiện dự án. UBND các huyện quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, xét thấy nguyện vọng của người dân, quá trình thực hiện Kế hoạch 511 đã bổ sung thêm 2 công trình, đưa tổng số công trình xây dựng giai đoạn 2022-2024 là 75 ngầm, cầu. Đến cuối tháng 5/2024, các địa phương đã cơ bản hoàn thành 73/75 công trình.
Giai đoạn 2022-2024, toàn tỉnh xây dựng 75 công trình gồm: 67 ngầm và 8 cầu tại địa bàn 69 thôn, bản. Đến cuối tháng 5/2024, các địa phương đã cơ bản hoàn thành 73/75 công trình.
Yên Thế là huyện thực hiện hiệu quả Kế hoạch 511. Đầu năm 2024, 6/6 ngầm dân sinh tại các xã Đồng Vương, Đồng Tiến, Canh Nậu được thi công xong, đưa huyện trở thành địa phương đầu tiên hoàn thành Kế hoạch 511. UBND huyện giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Thế làm chủ đầu tư. Đơn vị tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đồng thuận thi công công trình ngầm dân sinh với tổng chiều dài 1,9 km, tổng mức đầu tư 14,6 tỷ đồng. Chủ đầu tư cử cán bộ kỹ thuật giám sát quản lý bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Ông Trần Đức Hùng, Trưởng bản La Xa, xã Đồng Vương phấn khởi nói: “Bản có 141 hộ; hơn 80% dân số là đồng bào DTTS. Trước đây, khi mưa lớn là cả vùng bị chia cắt, cô lập, trẻ em không thể đến trường. Người dân không thể ra ngoài trung tâm xã, ngược lại, thương nhân mua nông sản, gỗ rừng trồng cũng phải chờ nước rút mới vào bản được. Từ khi được hỗ trợ xây đường đấu nối với ngầm kiên cố, giao thông thuận tiện, bà con bán nông sản dễ dàng hơn”.
Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Quá trình thực hiện Kế hoạch 511, một số địa phương có cách làm hay. Một trong những giải pháp được đánh giá cao là các chủ đầu tư sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Huyện Sơn Động và Lục Ngạn là hai địa phương có nhiều công trình xây dựng cầu, ngầm dịp này. Trong đó, Sơn Động 36 ngầm, Lục Ngạn 12. Nhờ tiết kiệm trong xây lắp các công trình trước đó, mỗi địa phương có kinh phí để xây dựng thêm 1 ngầm dân sinh. Tại huyện Lục Ngạn, sau khi khảo sát, lấy ý kiến nhân dân đã thống nhất chọn xây dựng ngầm Xé Mòng, xã Sa Lý. Huyện Sơn Động chọn xây ngầm Khâm Khang, xã Đại Sơn. Đây là những địa bàn đặc biệt khó khăn với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Như vậy, hai địa phương được tăng công trình mà không tăng tổng chi phí đầu tư, có thêm hàng nghìn người dân được hưởng lợi.
Đáng chú ý, các công trình thi công đều không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên các xã thành lập ban chỉ đạo tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ. Công trình đáp ứng nguyện vọng của đồng bào nên ngay khi triển khai, nhiều hộ dân gần khu vực dự án sẵn sàng dỡ bỏ công trình phụ, tường bao, hiến hàng nghìn m2 đất phục vụ thi công.
Hiện nay, hai công trình còn lại đang làm thủ tục đấu thầu là ngầm Xé Mòng và ngầm Khâm Khang. Ông Khúc Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Động cho biết: “Để phù hợp với đặc điểm địa hình ở khu vực, ngầm Khâm Khang được thiết kế theo mô hình liên hợp ngầm tràn và đường dẫn lên, xuống với tổng chiều dài khoảng 111 m, rộng 6 m. Sau thi công, đơn vị sẽ hoàn trả một số kênh mương thủy lợi đúng với kích thước, kết cấu mương hiện trạng, không để ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Dự kiến, đơn vị sẽ khởi công công trình trong tháng 6 để cuối năm bàn giao, đưa vào sử dụng”. Còn tại xã Sa Lý, UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng ngầm Xé Mòng. 16 hộ dân có phần đất và hoa màu liên quan đến diện tích thi công đã đồng thuận ký vào biên bản bàn giao mặt bằng. Bà con đang mong chờ cơ quan chức năng sớm khởi công dự án.
Những cầu, ngầm mới xây kiên cố không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu đi lại mà còn là động lực để người dân địa phương triển khai các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong tỉnh. Bám sát tinh thần đó, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương quyết toán các công trình đã hoàn thành, sớm bàn giao cho địa phương. Đề nghị UBND huyện Lục Ngạn, Sơn Động đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư trong năm 2024 theo kế hoạch.
Bài, ảnh: Hải Vân