Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh ngày càng phát triển

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả những chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân vùng DTTS.

Bản văn hóa người Tày, huyện Bình Liêu nhìn từ trên cao.

Bản văn hóa người Tày, huyện Bình Liêu nhìn từ trên cao.

Hiệu quả từ những chính sách

Là địa bàn có tới 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị.

Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, sau 3 năm thực hiện, vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh đã có bước phát triển rõ rệt.

Theo đó, tỉnh đã ban hành các nghị quyết thực hiện chương trình MTQG để tạo “sức bật” phát triển và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn.

Đồng thời ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và huy động tổng thể các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giáo dục, y tế…

Riêng giai đoạn 2021-2024, tỉnh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Từ nguồn vốn này đã thu hút trên 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng và vốn xã hội hóa cho thực hiện chương trình. Các nguồn vốn đều được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu của chương trình đã đề ra.

Từ đó, tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về diện mạo, tạo ra tiềm lực và động lực mới cho sự phát triển bền vững của vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Điển hình như tại huyện Bình Liêu, với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 96%, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện kịp thời các chính sách đặc thù.

Nổi bật là công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, xử lý các điểm ngập lụt; chỉ đạo cấp vốn qua ngân hàng CSXH để kích thích người dân vay vốn phát triển các mô hình sản xuất, thành lập HTX.

Đồng thời huy động nguồn lực xã hội trong việc xóa hết nhà ở tạm, nhà dột nát, xóa nhà tiêu không hợp vệ sinh.

Tính từ năm 2010-2023, tổng vốn huy động từ các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Liêu đạt trên 430 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 82%, vốn xã hội hóa và vốn vay tín dụng chiếm 7%.

 Mô hình trồng trà hoa vàng của người dân huyện Ba Chẽ cho thu nhập ổn định.

Mô hình trồng trà hoa vàng của người dân huyện Ba Chẽ cho thu nhập ổn định.

Từ nguồn lực đầu tư của nhà nước đã khơi dậy sức mạnh, khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Thể hiện rõ là người dân trong toàn huyện đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế, tìm kiếm việc làm, xây mới nhà ở…

Diện mạo các xã vùng DTTS ngày càng thay đổi

Tương tự, tại TP Hạ Long, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội KT-XH vùng DTTS, miền núi, TP Hạ Long đã ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, làm thay đổi diện mạo các xã vùng DTTS, nâng cao đời sống nhân dân.

Tính riêng trong 3 năm gần đây, thành phố đã ưu tiên dành hơn 2.500 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng 45 công trình hạ tầng, thiết yếu, động lực.

Trong đó có nhiều công trình giao thông huyết mạch, kết nối trung tâm thành phố với các xã vùng cao.

Cùng với đó, triển khai 14 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 10.000 lượt khách hàng vay hơn 563 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Tăng cường kết nối du lịch với các xã vùng cao, khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Hết năm 2023 thành phố có 5/11 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bằng 66,7% kế hoạch đề ra đến năm 2025. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,2 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021.

Với chủ trương đúng đắn, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cùng nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, người dân, tỉnh Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Dù còn gần 2 năm nữa mới kết thúc giai đoạn 2021-2025, song đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành, hoàn thành vượt tiến độ mục tiêu chung và trên 80% chỉ tiêu cụ thể của chương trình cả giai đoạn với nhiều kết quả nổi bật.

Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2020; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.

Bình Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-quang-ninh-ngay-cang-phat-trien-post690878.html