Vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 8% là 'quá thận trọng'

Tại khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tư vấn xây dựng kịch bản phấn đấu tăng trưởng bình quân đến năm 2030 đạt 8,07%. Mức này được cho là quá thận trọng, khó dẫn dắt tăng trưởng cả nước.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Sáng 16.8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phiên họp báo cáo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phấn đấu tăng trưởng bình quân trên 8%/năm

Theo Viện Chiến lược phát triển – đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch, thời gian qua, vùng Đông Nam Bộ (gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) đã phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, song tốc độ tăng trưởng đang chậm dần, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 6,87% thì giai đoạn 2016 – 2020 giảm còn 5,31%; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng giảm lần lượt từ 35,4% xuống 28,8%. Bên cạnh đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng yêu cầu, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác còn thiết chặt chẽ…

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khung định hướng Quy hoạch vùng xác định Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Dựa trên các loại giả định và biến đầu vào như bối cảnh quốc tế và khu vực, bối cảnh kinh tế - xã hội - môi trường của Việt Nam và yếu tố nội tại của vùng Đông Nam Bộ, đơn vị tư vấn xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho vùng. Trong đó, ở kịch bản phấn đấu đưa ra mục tiêu cao nhất là tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 8,07%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 8.600USD/người và đến 2030 tương đương 14.500 USD.

Ở kịch bản này, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển khoảng 15,8 triệu tỷ đồng, gấp 3 lần giai đoạn 2011 – 2020, chiếm khoảng 32% GDP theo giá hiện hành.

Định hướng tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Định hướng tổ chức không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Phát triển theo 3 tiểu vùng, 5 hành lang

Khung định hướng Quy hoạch xác định, vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển theo 3 tiểu vùng.

Theo đó, tiểu vùng trung tâm (gồm TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai) sẽ phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đầu mối giao thương quốc tế.

Tiểu vùng ven biển (gồm khu vực Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát triển kinh tế biển, gồm cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, hóa dầu; du lịch biển, đảo; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành khu thương mại tự do tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, TP. Vũng Tàu trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Tiểu vùng phía Bắc (gồm Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương) phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khu vực mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; trồng cây công nghiệp; bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Khung định hướng cũng nêu rõ, các hành lang phát triển chủ yếu gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh); hành lang kinh tế Mộc Bài - TP . Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu gắn với hành lang xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của Đông và Tây Nam Bộ.

Cùng với đó, hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; hình thành hành lang kinh tế Quốc lộ 13 (TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Cửa khẩu Hoa Lư) để thúc đẩy quá trình dịch chuyển công nghiệp từ khu vực trung tâm vùng.

Đồng thời, từng bước hình thành hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây nhằm thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tư duy đột phá để tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng Đông Nam Bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tư duy đột phá để tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng Đông Nam Bộ.

Cần tư duy đột phá để tạo động lực tăng trưởng mới

Khẳng định tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ đối với sự phát triển của cả nước, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, muốn thúc đẩy vùng phát triển, trở thành động lực, cực tăng trưởng, việc xác định rõ điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là rất quan trọng.

Nêu dẫn chứng của thành phố Manila (Philippines) vốn đóng góp tới 30% GDP nước này thì tắc nghẽn giao thông đã làm giảm 8% GDP của thành phố, ông Dũng đặt câu hỏi: Với TP. Hồ Chí Minh, tắc nghẽn, úng ngập hiện là vấn đề lớn có tác động ra sao? “Nếu cứ để tiếp diễn tình trạng này thì làm sao trở thành đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa, cạnh tranh?”, Bộ trưởng lo ngại.

Đặc biệt, theo ông Dũng, quy hoạch cần tính toán để phát triển không gian ngầm – nguồn lực rất quan trọng cho khu vực này, nhất là khi 15 năm qua vẫn chưa xong tuyến tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, cần phải có tư duy đột phá, có tầm nhìn để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng.

Về kịch bản tăng trưởng, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dường như “vẫn thận trọng quá”. Vùng cần phải đạt tăng trưởng ở hai con số nhanh hơn, kéo dài hơn mới dẫn dắt, kéo được cả nước tăng trưởng theo mục tiêu đề ra đến năm 2030 và 2045.

Đồng tình với quan điểm quy hoạch phải chỉ rõ điểm nghẽn mới có cơ sở thúc tăng trưởng cho toàn vùng, TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, điểm nghẽn hiện nay chính là hạ tầng kết nối vùng, kết nối cảng, kết nối sân bay còn chậm, đặc biệt là kết nối ngầm. Bên cạnh đó, tư duy vẫn theo hướng “đóng”, tức mới chỉ theo địa giới hành chính địa phương chứ chưa mang tính liên vùng. Đặc biệt, vùng có trình độ quản lý cao nhưng phân cấp, ủy quyền quá thấp, không tương xứng tiềm lực. Vì thế, cần phải khắc phục được các điểm nghẽn này để tạo đà cho phát triển. “Nếu cái gì cũng xin Trung ương, hỏi bộ ngành thì không thể phát triển mạnh được”, ông nói.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vấn đề của Đông Nam Bộ hiện nay không phải là không tận dụng hết tiềm năng, mà là đã khai thác hết tiềm năng và cần phải tìm ra được những tiềm năng phát triển mới. Do vậy, quy hoạch cần làm rõ các tiềm năng mới đó là gì.

Cũng theo ông Cung, thế hệ công nghiệp trong vùng hiện nay không còn phù hợp khi sử dụng nhiều lao động, đất đai, tập trung nhiều ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Cần phải thay đổi sang một thế hệ ngành công nghiệp mới. Đồng thời, cần thay đổi thể chế, cùng với đó là phải nâng cao năng lực của bộ máy hành chính.

“Vùng không thay đổi thể chế, không thể thu hút được FDI có chất lượng, không thể thu hút hút được nguồn lực, không thể biến TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế", ông Cung nhấn mạnh.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-tu-duy-dot-pha-de-tao-dong-luc-tang-truong-moi-cho-vung-dong-nam-bo-i340243/