Vùng Đông Nam bộ: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển
Ngày 10-8, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ đã chủ trị Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 4. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Về phía tỉnh Bình Dương tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Tăng trưởng khá toàn diện
Đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội trong 7 tháng năm 2024 của vùng tuy còn nhiều khó khăn nhưng đạt mức tăng trưởng khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%, tổng thu ngân sách đạt 391.000 tỷ đồng (chiếm 38,1% tổng thu ngân sách của cả nước), giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 60 tỷ đô la Mỹ (chiếm 31% giá trị xuất khẩu của cả nước). Có 58.246 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2 023...
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối Bình Dương và Đồng Nai, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng dịp Quốc khánh 2-9 tới đây được kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự phát triển cho cả vùng Đông Nam bộ. Ảnh: MINH DUY
Bên cạnh cơ chế đặc thù để phát triển chung cho vùng Đông Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét 4 nhóm chính sách riêng cho vùng Đông Nam bộ, đó là: Nhóm chính sách nâng mức dư nợ cho vay; chính sách phát triển khu công nghiệp; tăng diện đất khu công nghiệp; chính sách ngành nghề ưu tiên các lĩnh vực, ngành để các địa phương trong vùng kêu gọi, thu hút đầu tư.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cho toàn vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy thị trường phát triển, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động.
Thủ tướng yêu cầu tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính, đó là: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời khẩn trương triển khai các động lực phát triển đối với những lĩnh vực mới nổi về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo… Các bộ, ngành, các địa phương cần phối hợp tháo gỡ khó khăn, mở ra kết nối trong vùng; trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt cho đầu tư phát triển toàn xã hội, khẩn trương hoàn thiện các dự án lớn trong vùng…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mặc dù vẫn còn nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ nhưng tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao, các bộ, ngành và các địa phương sẽ phát huy tinh thần “cùng làm, cùng thắng, cùng trách nhiệm”, vùng Đông Nam bộ sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Cần hỗ trợ vốn cho các dự án trọng điểm
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết Bình Dương đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Sau khi thực hiện cắt, giãn, hoãn các công trình khác chưa thật sự cần thiết vẫn còn thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh đã có một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong vùng quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các nội dung đã được thống nhất, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Cụ thể, Bình Dương kiến nghị bổ sung hạng mục cho dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, với đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng và đầu tư thêm 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi với kinh phí khoảng 334 tỷ đồng/cầu, sử dụng từ nguồn vốn dự phòng của dự án.
Dự án suối Cái có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng với mục tiêu kép vừa tiêu thoát nước cho khu vực TP.Tân Uyên vừa tạo không gian mở rộng phát triển đô thị
Về việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương (gọi tắt là BRT) bằng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, với vốn vay ODA 1.340 tỷ đồng, vốn đối ứng 720 tỷ đồng, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu phương án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) để kết nối các TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển trong nội tỉnh, đáp ứng nhu cầu di chuyển của hơn 5 triệu dân.
Riêng tuyến đường sắt đô thị (Metro) từ trung tâm thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên với tổng chiều dài khoảng 34km, kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.Hồ Chí Minh đã có đơn vị đề xuất tài trợ sản phẩm là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tỉnh Bình Dương kiến nghị thống nhất chủ trương cho chuyển vốn vay ODA từ dự án BRT sang nghiên cứu tiền khả thi tuyến LRT, đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện các hồ sơ thủ tục đối với tuyến Metro từ trung tâm thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.Hồ Chí Minh...