Vùng Đông Quảng Nam: Dự án động lực 'đứng bánh' vì vướng mặt bằng
Nhiều dự án lớn ở vùng Đông Quảng Nam chưa thể triển khai, chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng. Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các dự án này.
Nhiều dự án đăng ký đầu tư dọc tuyến đường ven biển Quảng Nam vẫn chưa được triển khai.
Chậm giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất sạch
Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng tại huyện Thăng Bình có diện tích 41 ha, vốn đăng ký hơn 1.500 tỷ đồng. Dự án được chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 8/2018, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021, nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Công ty Nguyễn Hoàng tiếp tục có văn bản xin giãn tiến độ thực hiện Dự án đến năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, lý do dự án này chưa thể khởi công là do Quảng Nam điều chỉnh mở rộng tuyến đường ven biển từ 80 m lên 100 m theo nhiệm vụ quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai và Dự án cũng nằm trong khu vực điều chỉnh quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với người dân khó khăn. “Trong dự án này, nguyên nhân khách quan có, nhưng nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư thì nhiều hơn”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam thông tin.
Trong cuộc họp rà soát tiến độ Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Tân đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến Dự án; đề xuất cách xử lý, đảm bảo chặt chẽ tính pháp lý nếu đồng ý để chủ đầu tư giãn tiến độ Dự án hoặc thu hồi.
Kể từ khi cầu Cửa Đại hoàn thành, kết nối Đà Nẵng - Hội An với các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Nam, khu vực vùng Đông Quảng Nam đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ với hàng loạt dự án du lịch, dịch vụ có vốn đăng ký đầu tư từ vài ngàn tỷ đồng đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong số đó, mới chỉ có Dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Công ty CP Vinpearl (tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng) đi vào hoạt động, Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (vốn đăng ký 4 tỷ USD) sắp hoàn thành giai đoạn I, những dự án còn lại đều chưa thể triển khai theo tiến độ.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân khiến những dự án trọng điểm ở vùng Đông vẫn chưa thể triển khai là do chậm giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Các dự án này đều nằm trong khu vực đông dân cư, nên gặp nhiều trở ngại trong việc thỏa thuận bồi thường theo Luật Đất đai. Hiện giá đất theo thị trường ở khu vực này đã lên trên 20 triệu đồng/m2, trong khi nhà đầu tư thỏa thuận bồi thường khoảng 7 triệu đồng/m2, nên người dân không đồng ý.
Ngoài ra, quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trong địa phận Khu kinh tế mở Chu Lai chưa rõ ràng; công tác xác nhận nguồn gốc đất khá phức tạp...
Gỡ vướng để nhà đầu tư triển khai dự án
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc thủ tục đất đai. “Việc thu hồi đất trong Khu kinh tế mở Chu Lai, nếu Nhà nước thực hiện, thì sẽ thuận lợi hơn, nhưng khi giao doanh nghiệp thu hồi thông qua thỏa thuận, thì gặp khó khăn”, ông Phong thông tin thêm.
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của các dự án ở vùng Đông trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất chủ trương tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các sở, ngành cùng các địa phương phối hợp với doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vận động người dân bàn giao mặt bằng để các dự án sớm được triển khai.
Đặc biệt, về hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư tuyến đường ven biển (Dự án Đường 129 - giai đoạn II, tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng) từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Cảng hàng không quốc tế Chu Lai để kết nối hoàn chỉnh giao thông thông suốt hành lang ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An đến sân bay Chu Lai, nối tiếp đến Dung Quất (Quảng Ngãi). UBND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ triển khai xây dựng nhiều khu tái định cư, bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án.
“Các dự án vùng Đông được triển khai và đi vào hoạt động sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ngân sách và thu nhập xã hội, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu sang dịch vụ của tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, tỉnh sẽ nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư có thể triển khai dự án”, ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Trong số những dự án tại vùng Đông Quảng Nam chưa thể triển khai vì vướng mặt bằng, có 5 dự án thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao của Công ty CP Tập đoàn BRG (tổng diện tích 369 ha).
Bên cạnh đó, còn có các dự án: Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty CP Quốc tế Nam Hội An (174,7 ha, vốn đăng ký 4.300 tỷ đồng); Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty CP Đạt Phương (183,87 ha, vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng); Khu dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View của Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (185 ha, vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng); Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam của Công ty CP Tập đoàn T&T (278 ha, vốn đăng ký 3.300 tỷ đồng)…