Vững mãi niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cứ mỗi lần đất nước ta tiến hành kỷ niệm các sự kiện lớn, các thế lực thù địch lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, hạ thấp ý nghĩa của các sự kiện đó. Lần này cũng vậy, khi đất nước ta bước vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022), thì chiêu trò này lại tái diễn, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là việc làm hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong 92 năm qua.

Như chúng ta đã biết, năm 1858, thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam và thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô,…”. Sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và mạnh mẽ.

Tuy nhiên, do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Lịch sử Việt Nam và các tổ chức chính trị cầm quyền tiến bộ trên thế giới đều ghi nhận, trong bối cảnh, tình hình khó khăn đó, vào năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước và Người đã tìm ra con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lênin và đã truyền bá, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của Việt Nam, tiến đến việc thành lập một đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện vô cùng quan trọng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sự thật lịch sử rõ ràng như vậy, nhưng các lực lượng chống đối vẫn ngông cuồng cho rằng “nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam trên chính trường thì dân tộc ta không phải tiến hành mấy cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương như thế”.

Thực tế lịch sử ở Việt Nam và trên thế giới đã minh chứng, tính tất yếu khách quan về sự ra đời và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các giai đoạn của tiến trình cách mạng Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh do Đảng lãnh đạo đã đi đến thành công rực rỡ.

Vừa mới ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo 3 cao trào cách mạng: Cao trào 1930 - 1931, cao trào đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945) làm cho thực dân Pháp và tay sai rúng động. Đảng đã giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, cũng là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng.

Đỉnh cao của sự lựa chọn đúng đắn đó thể hiện qua cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lật đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đây có phải là “sự ăn may” như các thế lực thù địch đã rêu rao, cho rằng thành công của Cách mạng Tháng Tám là nhờ phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, nên bị suy yếu và “Đảng Cộng sản Việt Nam không có vai trò gì” trong việc này? Thực tế, quan điểm cố tình thiếu hiểu biết, xuyên tạc nói trên là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và thành quả cách mạng của nhân dân ta.

Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi là nhờ vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; sự vận dụng, kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; sự đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; sự chủ động chuẩn bị và chớp lấy thời cơ lịch sử “ngàn năm có một” để lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên tự giải phóng mình, chứ không phải “ăn may” như các tuyên bố lố bịch của các thế lực thù địch, phản động đưa ra.

Thất bại với lập luận hồ đồ đó, chúng tiếp tục rêu rao “Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc vào “thảm họa” với 2 cuộc chiến tranh (1945 - 1954 và 1954 - 1975), làm cho đất nước bị tàn phá, dân tộc bị phân ly…”, cho rằng, “nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam trên chính trường thì dân tộc ta không phải tiến hành mấy cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương (!)”.

Là người có lương tri và hiểu biết sẽ không ai không nhớ những năm 1945 - 1946, thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi đất nước giành lấy chính quyền, Đảng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế khó khăn, hiểm nghèo, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ.

Tuy nhiên, như Bác Hồ đã nêu trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Dã tâm của thực dân Pháp buộc nhân dân ta phải đứng lên cầm súng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hễ là người Việt Nam thì phải đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành sự lựa chọn lịch sử để lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1954.

Từ năm 1954 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sự thật khách quan đã chứng minh, đến thời điểm này, không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến chống lại hai thế lực thực dân và đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất, toàn vẹn đất nước.

Luận điệu xuyên tạc, phủ nhận về đường lối lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến trở nên kém thế, lạc lõng, các thế lực thù địch quay ra tấn công vào công cuộc xây dựng Đảng hiện nay. Từ những sai lầm trong quá khứ và hạn chế của công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch rêu rao cho rằng Đảng ta lãnh đạo đất nước không hiệu quả.

Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”.

Quan điểm này hết sức phiến diện, quy chụp, phi thực tế, khi không thấy rõ hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thừa nhận những thành quả trong phát triển đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cần phải khẳng định, Đảng ta chưa bao giờ chối bỏ những sai lầm, khuyết điểm trong quá khứ. Trên hết, Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc xây dựng, chỉnh đốn để sửa chữa. Điều này thể hiện rất rõ trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng ta trong 92 năm qua.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc với tinh thần tự phê bình nghiêm túc. Đến Đại hội VI (12/1986), Đảng ta đã tự phê bình và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật thị trường. Liên tiếp các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng thời gian gần đây đều ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cụ thể: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ"; Hội nghị lần thứ 4, khóa XIII (10/2021), Đảng ta tiếp tục ban hành Kết luận 21-KL/TW "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”".

Qua đó cho thấy sự cầu thị của Đảng trong việc tiếp thu, thẳng thắn thừa nhận một số khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc lãnh đạo đất nước, để có giải pháp khắc phục hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo Đảng. Đồng thời, thể hiện sự quyết tâm trong ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Chính điều đó càng làm tăng thêm niềm tin của nhân dân dành cho Đảng và có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam” như lời đồng chí Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.

Kết quả 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Việt Nam ngày càng phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, đã vươn lên trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế; có quan hệ với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ; 2 lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008 - 2009; 2020 - 2021).

Với những thành tựu to lớn đã đạt, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hơn 35 năm qua của dân tộc ta là bằng chứng hùng hồn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc thiếu căn cứ, những đợt tấn công nhân các sự kiện quan trọng của đất nước trở nên yếu thế và chết yểu về cơ sở lý luận của các thế lực thù địch, càng làm cho Đảng ta trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta thêm vững chắc.

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong Diễn văn Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2020) “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta càng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng - Một đảng macxit chân chính, là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc.

Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân càng vững tin hơn vào Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, đạo đức, uy tín để lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân thật sự có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc./.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - HOÀNG ĐÌNH CÁN

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vung-mai-niem-tin-vao-su-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-a129591.html