Vùng quê cách mạng Soi Cờ hôm nay

Một ngày nắng chan hòa, chúng tôi về vùng quê cách mạng Soi Cờ - Soi Giá (tháng 10/2019 sáp nhập 2 thôn thành thôn Soi Cờ) thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng. Từ trung tâm xã men theo suối Ngòi Bo rồi bám bờ sông Hồng khoảng 5km thì tới Khu Di tích cách mạng Soi Cờ. Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là tuyến đường giao thông nông thôn ở đây còn lổn nhổn đá và bê bết bùn đất.

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Vùng đất Soi Cờ bình yên bên dòng Ngòi Bo. Ảnh: Mạnh Dũng

Vùng đất Soi Cờ bình yên bên dòng Ngòi Bo. Ảnh: Mạnh Dũng

Có hẹn trước nên đón chúng tôi ở sân Khu Di tích cách mạng Soi Cờ là Bí thư Chi bộ Phạm Thanh Tám và Trưởng thôn Lê Hồng Chung. Như đoán được thắc mắc của chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn bảo: Đường xấu nên bà con thường phải đi nhờ các thôn khác nếu muốn ra trung tâm xã. Tuy nhiên, Nhà nước đã bắt đầu nâng cấp, rải nhựa tuyến đường từ Quốc lộ 4E về cuối thôn với chiều dài 6,8 km, tôi vừa đi tham quan và thấy hình hài tuyến đường này, rộng rãi, khang trang lắm. Thế mới xứng đáng vùng quê cách mạng chứ!

Khu Di tích cách mạng Soi Cờ là khuôn viên lớn được bao quanh bởi tường xây. Bên trong có nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm, cây đa lớn tỏa bóng xuống khoảng sân bê tông rộng rãi khiến khung cảnh thêm nét cổ kính, trầm mặc, uy linh. Sau khi thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, những chiến sỹ cách mạng tại căn cứ Soi Cờ, cán bộ thôn mở cửa đưa chúng tôi đi tham quan Nhà truyền thống tại khu di tích. Dù đã có nhà văn hóa nhưng nhiều hoạt động của thôn từ trước tới nay vẫn được tổ chức ở đây, phần vì công trình khang trang, bàn ghế và thiết bị đầy đủ, phần vì chi bộ, ban vận động thôn muốn thông qua đó để giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng đối với cán bộ, đảng viên và người dân. Vào ngày đầu tháng, hôm rằm, ngày lễ, tết của dân tộc, bà con trong thôn không ai bảo ai vẫn chủ động tới khu di tích quét dọn, thắp hương tưởng nhớ những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Khu di tích lịch sử Soi Cờ.

Khu di tích lịch sử Soi Cờ.

Trong câu chuyện lịch sử vùng quê cách mạng Soi Cờ, Bí thư Chi bộ thôn Phạm Thanh Tám nhắc lại thời điểm đầu năm 1948, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết về: “Tổ chức Đại hội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở phía tả ngạn sông Hồng, gồm các xã Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao”. Tiếp đó, Tỉnh ủy mở hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại huyện Lục Yên (Yên Bái) về xây dựng lại cơ sở cách mạng, phát động quần chúng đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm. Ngày 20/4/1948, một trong ba tổ cán bộ cách mạng xung kích đã đến ấp Soi Cờ và ấp Soi Giá để lập căn cứ, tổ chức hoạt động cách mạng. Tại đây, tổ cán bộ xung kích được người dân ấp Soi Cờ tích cực giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ cách mạng trước khi địch tổ chức đợt đàn áp dã man; trong đó, tàn sát 14 người, đốt cháy 38 nóc nhà khiến người dân vô cùng căm phẫn. Từ đau thương biến thành hành động, cũng bắt đầu từ đây, phong trào cách mạng sôi nổi khắp nơi, người dân trong vùng nhất tề đứng lên cùng bộ đội đánh Pháp, giải phóng Lào Cai vào cuối năm 1950. Tưởng nhớ công lao của các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh và những đóng góp của Nhân dân Soi Cờ, tỉnh cho tôn tạo, xây dựng Khu Di tích lịch sử Soi Cờ. Cách đây 13 năm (năm 2007), UBND tỉnh đã xếp hạng đây là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, phát huy tinh thần, hào khí cách mạng, người dân vùng quê Soi Cờ luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, với ngày hôm nay là phong trào sản xuất, kinh doanh, chung tay xây dựng nông thôn mới. Trưởng thôn Lê Hồng Chung nhẩm tính, cuối năm 2019, thôn có 171 hộ thì 64 hộ khá, giàu (chiếm 37%), không còn hộ nghèo, hộ đói. Ông Chung bảo, những mô hình sản xuất giỏi ở Soi Cờ ngày càng nhiều hơn, quy mô hơn, hình thức phát triển kinh tế của bà con ngày càng phong phú, sôi nổi hơn. Bấm các đốt ngón tay, trưởng thôn liệt kê: Về chăn nuôi, ở thôn có 2 trang trại của ông Trần Đức Thành nuôi hơn 1 nghìn con lợn thịt; chị Chu Thị Thúy nuôi lợn nái và hàng nghìn con gà, ngan, vịt; ông Khổng Duy Trinh nuôi nhốt trâu vỗ béo và cho ăn cỏ ép khô. Về trồng trọt có ông Vương Văn Tầm mạnh dạn dành hơn 4.000 m2 đất trồng thanh long ruột đỏ, mít tứ mùa, cam, bưởi. Rồi còn có mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp của Bí thư Chi bộ thôn Phạm Thanh Tám; mô hình trồng 300 cây mít Thái của ông Phạm Văn Lương hoặc mô hình trồng 700 cây cam V2 của bà Phạm Thị Huệ... Phong trào trồng cây ăn quả tại Soi Cờ hộ nào cũng tham gia, mỗi hộ một mô hình, cách làm riêng, tạo nên sự phong phú, liên tục, nông sản thu hoạch quanh năm.

Đường về Soi Cờ.

Đường về Soi Cờ.

Cùng với kinh tế phát triển, tổ chức đảng và các đoàn thể tại Soi Cờ cũng ngày càng vững mạnh. Năm 2019, Chi bộ thôn Soi Cờ kết nạp 2 đảng viên, nâng tổng số lên 14 đồng chí và có chi ủy, các đảng viên đều là những điển hình tiêu biểu trong công tác xã hội, gương mẫu, đi đầu phong trào thi đua. Các đảng viên nhiều năm liền hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, chi bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và vững mạnh toàn diện.

Trò chuyện về chủ đề này, ông Phạm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, các phong trào thi đua hiện nay ở Soi Cờ đã có sức lan tỏa mạnh tới vùng lân cận. Nếu tính cả các thôn chưa nhập về thành phố Lào Cai (tháng 3/2020), đối với phong trào trồng cây ăn quả, tiếp nối thôn Soi Cờ là các thôn Thái Bo, Giao Tiến; với trồng rau là phong trào ở các thôn Xuân Tư, Giao Ngay, Hòa Lạc hoặc vùng trồng mía tím ở Tân Tiến và Tiến Cường; thu nhập trung bình 1 ha đất sản xuất tại các mô hình này khoảng 150 - 170 triệu đồng/năm. Sản xuất hàng hóa phát triển, thị trường, nhãn hiệu được coi trọng, Gia Phú trở thành vùng quê có số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP nhiều nhất huyện Bảo Thắng với 8 sản phẩm tính đến cuối năm 2019. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 của xã Gia Phú đạt 233 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so với năm 2015, giá trị sản xuất đạt bình quân 75 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Người dân Soi Cờ trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào luôn đoàn kết, phát huy truyền thống, tinh thần, hào khí cách mạng, vươn lên làm chủ, xây dựng miền quê ngày càng giàu đẹp.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/vung-que-cach-mang-soi-co-hom-nay-z1n20200901215834976.htm