Vùng quê cách mạng xã Mỹ Phước 'chuyển mình'
Xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được xem là cái nôi cách mạng của tỉnh Sóc Trăng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Phước đã kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Diện mạo nông thôn xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: TẤN PHÁT
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Mỹ Phước với địa danh lịch sử Rừng tràm Mỹ Phước - khu căn cứ vững chắc của Tỉnh ủy Sóc Trăng đã hứng chịu nhiều trận mưa bom bão đạn, những trận càn quét của địch. Nhưng với tinh thần quả cảm, sắt son với Đảng của quân và dân địa phương, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng vẫn an toàn, vững vàng. Sau ngày giải phóng, tự hào và tiếp nối truyền thống của vùng căn cứ cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Phước đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn lên xây dựng cuộc sống, phát triển quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước.
Theo ông Lê Trọng Hữu - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước, giai đoạn 1993 - 1996, sau ngày giải phóng, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương bị nhiễm phèn, mặn, chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa, nhưng năng suất rất thấp, hệ thống điện, đường, trường, trạm thiếu thốn, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, năng suất lúa ngày càng tăng. Đồng thời hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được quan tâm đầu tư, đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể.
50 năm sau ngày giải phóng, xã Mỹ Phước hôm nay đã khoác lên mình “chiếc áo” nông thôn mới. Theo đồng chí Phan Thanh Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước, sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã bắt tay vào công cuộc khôi phục, xây dựng, phát triển quê hương. Trong đó tập trung phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: TẤN PHÁT
Tập trung phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại, diện tích gieo trồng lúa hằng năm của địa phương là trên 12.000ha, trong đó diện tích lúa đặc sản chiếm trên 95%, năng suất bình quân trên 7,2 tạ/ha. Đồng thời, địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế như: trồng màu dưới chân ruộng, trồng sen, nuôi cá đăng quầng, nuôi vịt trời, ba ba… Từ đó đã góp phần nâng mức thu nhập cho người dân trên địa bàn xã trên 62,1 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, đường xã, đường ấp, liên ấp và đường ngõ xóm được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân địa phương, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh chiếm 99,18%, tỷ lệ hộ có điện toàn xã chiếm 99,08%. Đồng thời, trên địa bàn xã có 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia, 1 phòng khám đa khoa khu vực phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và 100% người dân trên địa bàn xã đều được tiếp cận bảo hiểm y tế. Đặc biệt, xã Mỹ Phước đã quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, giảm nghèo theo đúng quy định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của xã giảm từ 2 - 3%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,38%, hộ cận nghèo còn 2,09%.

Người dân xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: TẤN PHÁT
Chị Lê Thị Kiều, ấp Phước Lợi A cho biết: “Trước đây, do không có đất sản xuất nên thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc đi làm thuê. Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới kiên cố, khang trang, đồng thời có điều kiện để thực hiện và phát triển mô hình nuôi vịt trời. Từ đó đã góp phần tăng thu nhập, giúp gia đình ổn định cuộc sống”.
Xã Mỹ Phước hôm nay với những cánh đồng lúa chín vàng ươm trĩu hạt, những tuyến đường bê tông cứng hóa thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang mọc san sát nhau như đang minh chứng cho sự “chuyển mình” của một vùng quê cách mạng. Đây sẽ là tiền đề, hành trang, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp trong giai đoạn tới.