Vũng Tàu: Dự án Metropolitan bị bị kẹt trong vụ án hình sự, doanh nghiệp cầu cứu
Một dự án bất động sản nhiều triển vọng của Công ty cổ phần Địa ốc An Khang tại TP Vũng Tàu đã bị đắp chiếu và để hoang hơn 6 năm qua vì một vụ án hình sự do Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố. Những thiệt hại cho doanh nghiệp là quá lớn bởi các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bị 'ngáng' bởi các hoạt động tố tụng.
Một dự án đầy triển vọng của doanh nghiệp bị đắp chiếu
Tháng 7/2008, Công ty cổ phần Địa ốc An Khang được chấp thuận địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, Thành phố Vũng Tàu với quy mô 43ha, bắt đầu khởi động cho một dự án bất động sản tiềm năng tại Thành phố du lịch này.
Tháng 1/2011, UBND Thành phố Vũng Tàu đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 Khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, TP Vũng Tàu do Công ty cổ phần địa ốc An Khang làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án có quy mô dân suố gần 8.000 người, gồm trung tâm thương mại, nhà ở cao cấp, nhà ở xã hội và công trình công cộng được đặt tên thương mại là dự án Metropolitan.
Dự án có tổng mức đầu tư khái toán là hơn 13,4 nghìn tỷ đồng, được thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 2011-2012, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và các khu nhà ở. Giai đoạn 2, từ năm 2012-2014, xây dựng các công trình chung cư trung tầng và thương mại.
Giai đoạn 3 của dự án được thực hiện đến năm 2016, chủ đầu tư xây dựng các công trình chung cư cao tầng và thương mại.
Để thực hiện dự án này, Công ty cổ phần Địa ốc An Khang đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng bằng hình thức thỏa thuận với các cá nhân, tổ chức sử dụng đất trong phạm vi dự án để có mặt bằng phát triển dự án. Trong toàn bộ 43ha, chỉ có khoảng 1ha là đất công do nhà nước quản lý, còn lại hầu hết diện tích đất của dự án là đất do các cá nhân sử dụng và đã được Công ty An Khang thỏa thuận để có mặt bằng sạch cho dự án này.
Trong lúc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án, Công ty cổ phần Địa ốc An Khang đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư với các cá nhân để huy động vốn cho việc thực hiện dự án. Tổng số vốn huy động trong giai đoạn đầu của việc thực hiện dự án của 296, với số tiền hơn 410 tỷ đồng, một con số không lớn so với tổng mức đầu tư dự án mà chủ đầu tư phải bỏ ra.
Trong lúc Công ty cổ phần Địa ốc An Khang đang triển khai các bước thực hiện dự án thì bất ngờ, ngày 18/2/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án này. Cơ quan điều tra cho rằng, Công ty An Khang đã huy động vốn khi chưa đủ điều kiện là “lừa đảo”.
Sau khi khởi tố vụ án, một loạt nhân sự quản lý của Công ty An Khang bị bắt giam, bao gồm bà Minh Phượng (Chủ tịch HĐQT), bà Đỗ Thùy Linh (Giám đốc), ông Trần Quý Dương (thành viên HĐQT). Vì lý do này, mọi hoạt động của Công ty An Khang bị đình trệ, dự án bị phong tỏa bởi các lệnh kê biên của cơ quan điều tra và sau đó là tòa án.
Doanh nghiệp và người dân cần được “cứu”
Tháng 10/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến dự án Metropolitan.
Theo kết luận này, CQĐT cho rằng, từ năm 2010, Công ty An Khang đã huy động vốn của 296 người, với số tiền hơn 410 tỷ đồng, nhưng đến tháng 9/2013 vẫn không có đất để giao cho các khách hàng theo hợp đồng huy động vốn.
Theo cơ quan điều tra, dự án này là dự án phải có chấp thuận đầu tư nhưng UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa chấp thuận đầu tư cho Công ty An Khang. Song, Công ty An Khang đã lắp đặt pano quảng cáo, tổ chức truyền thông, làm lễ động thổ gây hiểu lầm cho người đầu tư là dự án đủ căn cứ pháp lý để huy động vốn trái pháp luật. Từ đó cơ quan điều tra cho rằng, việc khởi tố là có căn cứ.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án với nhiều nội dung. Theo yêu cầu của Tòa án, quá trình giải quyết vụ việc thì Công ty An Khang và các nhà đầu tư cá nhân đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng góp vốn và hoàn trả vốn góp nên cần phải làm rõ vấn đề này.
Theo kết quả điều tra bổ sung thì hầu hết các cá nhân góp vốn vào dự án đều yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án. Một số đã nhận lại tiền góp vốn, một số chờ đợi dự án được nhanh chóng triển khai để được nhận quyền lợi chính đáng theo hợp đồng đã ký kết. Như vậy, cả người dân và doanh nghiệp mong muốn được chính quyền và cơ quan chức năng "giải cứu" bằng việc cho tiếp tục thực hiện dự án.
Vụ việc đã kéo dài hơn 6 năm với nhiều lần hồ sơ được trả lại cho cơ quan điều tra để bổ sung chứng cứ. Đến thời điểm này, vụ án vẫn chưa được kết thúc còn một dự án tiềm năng của doanh nghiệp thì bị đắp chiếu, không thể thực hiện được vì vướng vào vụ án đang giải quyết. Khu đất 43ha nằm dọc theo tuyến đường 2/9 TP Vũng Tàu đầy tiềm năng, giờ đang là mảnh đất sống cho cỏ dại.
Theo Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS TP Hà Nội thì nhìn từ vụ việc này và nhiều vụ án khác, việc hình sự hóa các quan hệ dân sự luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các doanh nghiệp.
“Trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp có thể huy động vốn chưa đúng quy trình hay căn cứ mà pháp luật quy định, nhưng không có nghĩa vi phạm đó là tội phạm. Việc huy động vốn khi chưa có chấp thuận đầu tư có thể là vi phạm về trình tự, điều kiện huy động vốn nhưng không đồng nghĩa đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu không có sự can thiệp bằng một vụ án hình sự, có thể dự án đã hoàn thành theo tiến độ và không bị đắp chiếu như hiện nay và doanh nghiệp và cả những cá nhân được xác định là bị hại đã không bị thiệt hại”, Luật sư Lê Văn Kiên nêu ý kiến.
Quan sát thực tế của phóng viên thì toàn bộ khu vực của dự án hiện nay đang bỏ hoang. Ngôi nhà mẫu được xây dựng từ khoảng 7 năm trước đã trở thành ngôi nhà hoang, toàn cỏ dại.
Theo đại diện của Công ty An Khang, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ những rào cản và hệ lụy từ việc khởi tố vụ án để tiếp tục đầu tư dự án này. Bởi lẽ, dự án đã có thể hoàn thành và người dân đã có nhà ở nếu như không có vụ việc đáng tiếc này. Vừa qua, Công ty đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị tiếp tục cho phép triển khai dự án và các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ủng hộ doanh nghiệp tiếp tục triển khai lại dự án này.
Giờ đây, các cơ quan nhà nước liên quan đến vụ án cần nhìn nhận những nguy cơ thiệt hại của người dân và doanh nghiệp nếu dự án bị tiếp tục đình trệ kéo dài, không được thực hiện bởi những rào cản từ vụ án hình sự khởi tố 6 năm trước để có quyết định nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp theo đúng tinh thần “Chính phủ kiến tạo” mà Thủ tướng Chính phủ đã đề xướng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.