Vũng Tàu: Nhân rộng thành công mô hình phân loại rác tại nguồn
Ngày 30/9, UBND TP.Vũng Tàu tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Trước hết, cần phải giải quyết được vấn đề về kiến thức phân loại rác thải sinh hoạt. Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “ Chất thải sinh hoạt có thể phân loại thành rác hữu cơ, dễ phân hủy, rác vô cơ khó phân hủy, rác có thể tái chế, tái sử dụng vì vậy mới có chủ trương phân loại rác thành 3 nhóm chính: Rác hữu cơ dễ phân hủy (phần không dùng của rau củ quả, thức ăn thừa chẳng hạn) là loại rác dễ bị thiu, thối trong thời gian ngắn, cần thu gom, xử lý ngay; Rác có thể tái chế, tái sử dụng (một số loại nhựa, giấy, thủy tinh,...); Rác khác (không thể tái chế, tái sử dụng). Rác hữu cơ là loại có thể chế biến thành phân compost rất có tác dụng cho trồng trọt nên có thể thu gom đem đến nhà máy chế biến hoặc có thể chôn lấp để tự phân hủy.
Theo một bài báo đăng ngày 6/5/2019 trên Hà Nội mới online thì công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost (phân hữu cơ) đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), song hiệu quả thấp do thiết bị xuống cấp, hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm nên đã dừng hoạt động. Hiện tại vẫn có một số cơ sở chế biến loại phân này đang hoạt động ở một số địa phương khác nhưng công suất hạn chế. Rác có thể tái sử dụng nếu được thu hồi, đem về cơ sở để làm sạch, sử dụng lại (các chai bia, chai nước ngọt thủy tinh), loại có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại) có thể thu gom đưa về các khu tái chế. Hiện chúng ta có nhiều khu vực tái chế, làng nghề tái chế đang hoạt động. Tuy nhiên, có thể xảy ra nhiều vấn đề môi trường khác tại các cơ sở, làng nghề tái chế nên phải nhận biết sớm và tìm cách giải quyết. Rác không thu gom riêng và rác không thể tái chế, tái sử dụng sẽ được thu gom đưa đến cơ sở xử lý. Hiện có nhiều phương pháp đã và đang được áp dụng để xử lý rác như: chôn lấp, đốt, đốt phát điện, khí hóa,...nhưng phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm cần làm rõ để phát huy hoặc ngăn chặn”.
Nắm bắt và phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho môi trường, kinh tế và xã hội. Khi rác thải được phân loại ngay từ đầu, lượng rác phải đưa vào các bãi chôn lấp sẽ giảm đáng kể từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với đất và nguồn nước ngầm. Đồng thời, việc này còn giảm áp lực lên các bãi chôn lấp và hệ thống xử lý rác thải, kéo dài tuổi thọ của các cơ sở này.
Không chỉ vậy, phân loại rác còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế và tái sử dụng, giảm bớt nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các loại vật liệu như nhựa, kim loại, giấy và thủy tinh sau khi được thu gom có thể được tái chế và đưa trở lại chuỗi sản xuất, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất mới. Việc này đồng thời giúp giảm lượng chất thải gây ô nhiễm, góp phần làm trong lành môi trường sống.
Ngoài ra, phân loại rác còn mang đến những lợi ích kinh tế thiết thực. Các ngành công nghiệp tái chế được thúc đẩy, tạo cơ hội việc làm và nguồn thu nhập mới cho nhiều người, đặc biệt là từ việc thu gom và bán các sản phẩm tái chế. Như vậy, phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Quan trọng hơn, việc phân loại rác còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Thói quen phân loại rác sẽ giúp mỗi cá nhân trở nên có trách nhiệm hơn với hành động của mình, từ đó xây dựng lối sống xanh và bền vững cho toàn xã hội.
Theo báo cáo từ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Vũng Tàu, hiện nay việc phân loại rác tại nguồn đã được triển khai rộng khắp đến tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố. Để đẩy mạnh hiệu quả thực hiện, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và thiết lập các nhóm Zalo nhằm theo dõi, đôn đốc công tác phân loại rác, với sự tham gia của 112 trường học bao gồm 63 trường mầm non, 31 trường tiểu học và 18 trường trung học cơ sở. Ngoài ra, các trung tâm thương mại lớn như Co.opmart, Lotte, Mega Market, Lapen và Lam Sơn Square cũng tham gia tích cực cùng với 96 cửa hàng tiện ích thuộc các chuỗi Vinmart, Familymart và Circle K. Các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị của thành phố cũng đang thực hiện quy định này.
Đặc biệt, một số địa phương và đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy định về phân loại rác tại nguồn, nổi bật là phường 7. Phường đã triển khai thí điểm chương trình phân loại rác và tổ chức thu gom rác thải có khả năng tái chế tại 9 địa điểm thuộc hệ thống chính trị của phường và 5 trường học trên địa bàn. Kết quả thu được rất tích cực với tổng cộng khoảng 3.150 kg chất thải rắn có khả năng tái chế. Số tiền bán chất thải tái chế mỗi tháng trung bình đạt khoảng 1,8 triệu đồng, số tiền này được dùng để hỗ trợ các hoạt động của tổ dân cư và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhận thấy những kết quả tích cực từ mô hình của phường 7, TP.Vũng Tàu đã đề xuất nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn này ra toàn thành phố. Mục tiêu của thành phố là đến cuối năm 2024 sẽ triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn đến toàn thể người dân, không chỉ dừng lại ở các cơ quan, trường học và trung tâm thương mại mà mở rộng ra các khu dân cư, xã, phường khác nhằm tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.
Với quyết tâm này, TP.Vũng Tàu không chỉ mong muốn tạo sự thay đổi trong ý thức phân loại rác của người dân mà còn hy vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế và bảo vệ môi trường bền vững cho tương lai.