Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch
Những ngày tháng qua, Hà Nội cũng như cả nước đã trải qua biết bao gian nan, vất vả chống lại dịch Covid-19 khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta, Omicron...
Gần 2 năm qua, Hà Nội đã kiên cường vượt qua mọi thử thách. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, có sự đóng góp không nhỏ, sự cố gắng, nỗ lực, hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, quyết tâm bảo vệ, giữ vững bình yên cho Thủ đô.
F0 vẫn miệt mài làm việc
Đến TTYT quận Nam Từ Liêm vào một ngày gió rét, chúng tôi được chứng kiến những nhân viên y tế nơi đây “quay cuồng”, bận rộn tiêm chủng mũi 3
vaccine Covid-19 cho người dân.
Vừa kết thúc cuộc gọi với nhân viên y tế, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc TTYT quận Nam Từ Liêm quay sang nói với phóng viên: “Kể từ khi có dịch Covid-19, gần 200 nhân viên y tế của TTYT đang phải làm việc với công suất 150% so với bình thường. Vì dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhân lực đang rất thiếu nên mỗi nhân viên y tế đều phải hy sinh, cố gắng, nỗ lực hết mình”.
2 năm nay, từ năm 2020 đến thời điểm này, công việc của nhân viên y tế quận luôn trong tình trạng quá tải, ngày càng nhiều lên. Hiện nay, trên địa bàn quận có 3.448 ca Covid-9. Khoảng trên 90% số ca F0 đang được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà. Hiện tại, quận Nam Từ Liêm có 10 trạm y tế lưu động (TYTLĐ), 1 khu thu dung điều trị với hơn 200 bệnh nhân F0, hơn 800 bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Tất cả các khâu truy vết, lấy mẫu, hướng dẫn tiêm phòng, quản lý ca F0, F1 cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà đều là những công việc mà những nhân viên y tế cơ sở phải thực hiện. Công việc thì nhiều, nhưng cả TTYT quận chỉ có gần 200 nhân lực (cán bộ, nhân viên y tế).
Chị Trang giãi bày, với công việc như vậy, TTYT quận phải có 400 nhân lực mới đáp ứng được. Để bổ sung nhân lực, TTYT đã đề nghị với quận huy động các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn hỗ trợ trạm y tế lưu động. Bởi hiện nay, TYTLĐ chỉ có sự tham gia của y tế công lập. Thế nhưng, thực tế cho thấy, đến giai đoạn này, TTYT vô cùng khó khăn khi huy động lực lượng y tế hỗ trợ. Có những bệnh viện rất lớn nhưng huy động nhân lực rất khó. Bởi họ còn có công việc của họ. Ngay kể cả như các phòng khám khác, nay đăng ký, ngày mai nhân viên lại chuyển hoặc nghỉ. Nói chung, nhân lực của y tế tư nhân không ổn định nên sự hỗ trợ của họ rất hạn chế.
“Công việc, nhiệm vụ “đặc biệt” chúng tôi vẫn phải làm, nhân lực ít, huy động không được nhiều, nên có những người trực liền mấy ngày cũng không được nghỉ ngơi. Trong khi theo nguyên tắc, sau 24 tiếng trực, nhân viên y tế phải được nghỉ để tái tạo lại sức lao động. Ngay cả khi chúng tôi có 1 TYT hầu hết nhân viên đều là F0 thế nhưng chúng tôi vẫn động viên anh em ở lại làm (theo dõi, điều trị tại TYT), bởi nếu họ về, sẽ chẳng có ai làm.
Thậm chí, có những người F0 bị đau bụng, tiêu chảy nhưng vẫn phải ngồi lại làm việc. Hay với những trường hợp F1, về nguyên tắc phải được cách ly tại nhà theo đúng quy định nhưng hiện nay, nếu cách ly như vậy, chúng tôi rất khó khăn về nhân lực. Tôi cũng động viên anh em đến làm việc bình thường với 1 phòng cách ly riêng ở cơ quan, hạn chế tiếp xúc với mọi người” – chị Trang tâm sự.
Hiện nay, khi số ca F0 ngày càng tăng lên, TTYT quận điều phối, thành lập ra các nhóm, tổ chuyên môn, nhóm chuyên biệt. Trong đó, có các nhóm về điều phối F0, điều trị F0, cách ly y tế tại khu tập trung, cách ly tại nhà, xét nghiệm, điều tra truy vết… Đặc biệt, những thành viên trong các nhóm này đều làm được tất cả mọi việc của nhóm khác, một người có thể làm được nhiều việc.
Với nhiệm vụ của ngành y tế hiện nay, không thể tính một ngày mới làm việc bắt đầu từ mấy giờ và kết thúc vào mấy giờ. Bởi có những người 3 ngày liền làm không có giờ nghỉ. Họ chỉ tranh thủ nghỉ ngơi một lúc, sau đó lại “bắt tay” vào việc ngay. Hay như bản thân chị Trang, hầu hết, chưa hôm nào chị ngủ trước 12 giờ đêm, có hôm 1, 2 giờ sáng chị vẫn làm việc. Nhiều đêm, chị chỉ kịp chợp mắt trong chốc lát, rồi lại tỉnh giấc bởi những tiếng chuông điện thoại liên tục vang lên khi cơ sở có việc cần chị giải quyết.
Luôn sẵn sàng tinh thần
Theo lời bác sĩ Trang, từ đầu mùa dịch đến nay, TTYT quận đã vào cuộc không biết bao nhiêu ổ dịch. Hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp bởi biến chủng mới Omicron, tốc độ lây lan nhanh chóng hơn, nhân viên y tế lại thêm phần vất vả. Để chuẩn bị tinh thần, đáp ứng kịp thời với biến chủng mới, TTYT rà soát lại toàn bộ các hoạt động như điều tra truy vết, điều trị, xét nghiệm, nhân lực… để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, TTYT đều sử dụng trang thiết bị hiện có (từ trước), phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch. Đợt tới, khi điều trị sẽ phải đầu tư thêm bình oxy, máy móc… để phù hợp với tuyến điều trị tại nhà. “Trong giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất vẫn là nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, dù cường độ lao động nặng, thậm chí thu nhập bị giảm sút nhưng chúng tôi luôn động viên anh em, nhân viên y tế nêu cao y đức, tinh thần vì cộng đồng, sẵn sàng ngày đêm chiến đấu, cống hiến, với mong muốn đem lại bình yên cho Thủ đô” – bác sĩ Trang chia sẻ.
Còn tại quận Đống Đa, dù nay, tình hình dịch trên địa bàn quận đã chuyển cấp độ 2 nhưng nhân viên y tế nơi đây vẫn luôn phải “gồng mình” với dịch, khi biến chủng mới Omicron đang xâm nhập vào Thủ đô. Cách đây không lâu, quận Đống Đa được gọi là điểm dịch Covid-19 “nóng” nhất TP. So với các đợt trước, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Đống Đa khó khăn hơn rất nhiều. Tất cả đều “vận hành hết công suất” cũng không bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh. Có những điều tưởng chừng đơn giản với người bình thường nhưng với đội ngũ y bác sĩ cơ sở hiện nay lại đang là mơ ước.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Trưởng TYT phường Ô Chợ Dừa quận Đống Đa tâm sự: “Chúng tôi mong được một ngày không điện thoại, tin nhắn, không có người gọi, được về trước 10 giờ đêm. Anh chị em TYT xác định làm việc vì cộng đồng, nhưng cũng cần sự quan tâm, động viên vì các nhân viên y tế cũng chịu áp lực công việc lớn, đã rất mệt mỏi do dịch bệnh kéo dài”.
Bác sĩ Nguyễn Chí Thành - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, TTYT quận Đống Đa chia sẻ, khó khăn nhất của nhân viên y tế cơ sở hiện nay là công việc quá nhiều trong khi nhân lực “mỏng”, đảm đương đủ loại công việc, từ điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân đi điều trị, đến tiêm chủng…
Nhiều việc chồng lên nhau, có người đang tiêm chủng nhưng lại phải rút đi điều tra truy vết, làm báo cáo, có lúc phải làm đến tận đêm. Trong khi đó, các lực lượng hỗ trợ khác giảm nhiều so với trước. Khi số ca tăng nhanh từ tháng 10, nhiều trường hợp nhân viên y tế rơi vào thế bị động, lúng túng vì phải làm lượng lớn thủ tục hồ sơ, chưa kịp xác minh nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với những cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại y tế cơ sở chưa được như mong muốn. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng hỗ trợ và các đơn vị sẽ nỗ lực vượt qua, tận tâm, tận lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa dịch lây nhiễm ra cộng đồng” – bác sĩ Thành bày tỏ.
Còn nhiều lắm những chiến sĩ áo xanh, áo trắng đang ngày đêm hy sinh thầm lặng, gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để lao vào tâm dịch, trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nguy hiểm nhất, nóng bỏng nhất, những nơi Nhân dân cần nhất. Không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, họ đã “bền bỉ” cùng với Nhân dân cả nước trong suốt cuộc hành trình những ngày chống dịch.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vung-tin-noi-tuyen-dau-chong-dich.html