Vững tin vào đổi mới
2024 là năm cuối của giai đoạn 1 thực hiện Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới.
Với nhiều địa phương, thời điểm này cơ bản đánh giá được thành quả cũng như khó khăn, vướng mắc tồn tại. Từ đó có phương hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Phát huy vai trò chủ động
Trường Tiểu học Lạng Khê nằm ở địa bàn khó khăn của huyện Con Cuông (Nghệ An) với hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngoài trường chính, còn 2 điểm trường lẻ tại bản Yên Hòa, Đồng Tiến, điều kiện đi lại khó khăn do nằm bên kia sông Lam, đi qua cầu Chôm Lôm.
Tuy nhiên, với lợi thế đội ngũ giáo viên trẻ, ban giám hiệu nhà trường khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ dạy, học phù hợp điều kiện thực tiễn.
Theo đó, qua vận động xã hội hóa, nhà trường đã trang bị tivi thông minh cho các lớp, lắp 3 đường truyền Internet để phủ sóng wifi toàn trường tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên triển khai bài giảng điện tử.
“Với sự hỗ trợ này, giáo viên có thể khai thác nhiều nhất sách giáo khoa bản cứng và điện tử… Từ đó chủ động sử dụng tài liệu trong dạy học phù hợp học sinh và điều kiện thực tế tại điểm trường”, cô Trần Thị Kim Châu - Trường Tiểu học Lạng Khê cho hay.
Hiện, nhà trường sử dụng các phần mềm trong quản lý như VNEdu, SMAS; sử dụng hệ thống ETEP, TEMIS của Bộ GD&ĐT đánh giá công chức; phần mềm Misa cho kế toán tài chính... Các giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm Microsoft Teams, Zoom… để thích ứng chuyển đổi dạy học nếu xảy ra dịch bệnh, mưa bão hay triển khai một số hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, đối với tiểu học - cấp đầu tiên triển khai chương trình mới, ban đầu gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng các địa phương, cơ sở giáo dục từng bước khắc phục, linh hoạt, sáng tạo và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, trong bối cảnh thiếu giáo viên nhưng nhiều huyện, thành, thị đã nỗ lực tổ chức dạy học theo chương trình từ 32 tiết/tuần cho các khối lớp; 100% cơ sở giáo dục tổ chức dạy môn Tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3. Ngoài các môn học bắt buộc, nhiều địa phương tổ chức nội dung tăng cường, hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương, Nghệ An) - một trong những đơn vị tiên phong xây dựng mô hình lớp học đảo ngược. Theo đó, trước mỗi buổi học, giáo viên soạn giáo án điện tử và đẩy lên hệ thống quản lý trực tuyến của nhà trường.
Học sinh sẽ lên mạng, tải bài giảng xuống xem trước bài học. Vào giờ học chính thức, cô trò có thời gian giải quyết vấn đề trọng tâm bài, thảo luận, giải đáp thắc mắc. Phương pháp này giúp các em phát huy được năng lực tự học, làm chủ kiến thức, sự tương tác cô trò trong mỗi tiết học hiệu quả hơn.
Cô Lê Hồng Kiên – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang cho biết: “Sau đợt dịch Covid-19, giáo viên và học sinh nhà trường đã quen với dạy học trực tuyến; thay vì coi đó là khó khăn, chúng tôi xác định như cơ hội để tiếp cận, triển khai đa dạng hình thức học tập. Giáo viên cũng thay đổi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy và học”.
Triển khai Chương trình GDPT mới, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số đã trở thành hoạt động thường xuyên ở các nhà trường, bao gồm thiết kế bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thiết kế các phần mềm để học sinh học tập hiệu quả… Qua đó đổi mới phương pháp dạy học theo hướng khơi gợi tính sáng tạo, chủ động, phát huy năng lực toàn diện cho học sinh.
Giải quyết vấn đề thực tiễn
Năm thứ 4 thực hiện Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới tại Nghệ An được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Theo đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình mới có nhiều ưu điểm như bảo đảm tính đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục chương trình; tiếp nối liên thông giữa các cấp, lớp, môn học.
Đồng thời bảo đảm yêu cầu tinh giản, thiết thực, cập nhật xu thế hiện đại của thế giới, kế thừa ưu điểm chương trình hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu kinh nghiệm có chọn lọc, tính mở...
Nhờ thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc xây dựng kế hoạch, phương pháp dạy học có nhiều đổi mới. Giáo viên chú trọng thiết kế hoạt động dạy học theo định hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm, học thông qua chơi, giải quyết vấn đề. Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng được các nhà trường thực hiện theo hướng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.
Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng quyết định thành công thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đại trà.
Kết quả, hơn 1 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, tổ chức quản lý hoạt động chuyên môn… Hơn 12 nghìn thầy cô dạy lớp 1, 2, 3, 4 (chiếm 61% giáo viên tiểu học); khoảng 10 nghìn giáo viên THCS (100% giáo viên THCS) đã tham gia bồi dưỡng; 5 nghìn giáo viên THPT và TTGDTX (100%) được bồi dưỡng trực tiếp. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
Với môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS), quá trình dạy học còn nhiều vướng mắc, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy học các môn này. Thầy Hoàng Ngọc Lợi - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) được cử bồi dưỡng dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên.
Thầy Lợi chia sẻ, nội dung tập huấn sát với yêu cầu thực tế giảng dạy. Vừa bổ sung kiến thức, vừa có kỹ năng phương pháp liên hệ, vận dụng tích hợp để giáo viên có thể dạy toàn bộ bài tích hợp. Khi giảng dạy trong thực tế, giáo viên phải linh hoạt để phù hợp điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, khả năng tiếp nhận của học sinh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, bồi dưỡng dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý giúp giáo viên giải tỏa khó khăn, lúng túng trong thực tế. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào cách triển khai bài dạy tích hợp, kiểm tra, đánh giá phù hợp điều kiện thực tế và đáp ứng tinh thần, mục tiêu đề ra của môn học.
Các cơ sở giáo dục cũng tích cực đổi mới quản trị, chủ động xây dựng chương trình nhà trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều phần mềm trong quá trình quản lý.
Việc lựa chọn sách giáo khoa theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách” được đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Qua đó, tạo điều kiện để nhà trường, học sinh lựa chọn tìm bộ sách chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mỗi địa phương.
Tuy nhiên, khó khăn chưa thể giải quyết ngay như tình trạng thiếu giáo viên dạy văn hóa, môn Tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật… Tình trạng này dẫn đến bố trí giáo viên các trường khó khăn.
Trong quá trình triển khai, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, nhất là thiết bị tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện lớn nhưng nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹp, không đủ cung ứng hoặc cung ứng chậm, chưa đồng bộ.
Đánh giá toàn diện để tham mưu quyết sách phù hợp
Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Chương trình GDPT 2018 đến năm học 2023 - 2024 có thể nói đã ổn định, thành công, đi theo xu hướng phát triển giáo dục khai phóng.
Trước vấn đề Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88, đại diện ngành Giáo dục Nghệ An nêu ý kiến, Bộ không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa cho tất cả môn học. Tuy nhiên, với một số môn đặc thù, Bộ cần giữ vai trò chủ đạo.
Cụ thể, các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ không nhất thiết Bộ phải đứng ra biên soạn sách giáo khoa. Vì đây là môn học về khoa học, tri thức, chân lý của nhân loại. Còn với lĩnh vực khoa học xã hội, Bộ cần cân nhắc việc biên soạn sách giáo khoa một số môn.
Mục đích nhằm giữ vai trò chủ đạo trong định hướng giá trị lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh trong độ tuổi hình thành và phát triển nhận thức, phẩm chất. Đồng thời biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu cho học sinh khiếm thị để đảm bảo công bằng trong tiếp cập giáo dục.
Về phía ngành Giáo dục Nghệ An xác định giai đoạn tới, khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vẫn tác động đến quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Sở sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên cốt cán, đại trà. Qua đó giúp giáo viên thuận lợi khi tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, các nhà trường, giáo viên cần linh hoạt, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp hoàn cảnh thực tế. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.
Tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên trường, cụm trường để rút kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp dạy học hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh học sinh.
Chương trình GDPT 2018 giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục được chủ động xây dựng chương trình nhà trường. Trong đó xác định mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng, phù hợp thực tiễn về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất cũng như điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương.
Trong quá trình thực hiện, giao quyền chủ động cho các giáo viên trong tổ chức dạy và học, lấy kết quả và sự tiến bộ của học sinh là thước đo đánh giá cuối cùng...
Sở GD&ĐT Nghệ An tiếp tục tham mưu chính sách tạo động lực, hành lang pháp lý thực hiện các giải pháp phát triển giáo dục. Tích cực tuyển dụng giáo viên theo định biên được giao để bố trí đủ 2 tiết/tuần. Huy động mọi nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, ưu tiên trang bị máy tính để học Tin học, phòng học Ngoại ngữ.
Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền để xã hội, phụ huynh hiểu, ủng hộ và đồng hành với nhà trường, giáo viên trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 những năm tới. Tham mưu với chính quyền địa phương để ban hành các quyết sách nhằm cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vung-tin-vao-doi-moi-post670647.html