'Vùng trắng' đã 'hồi sinh'
Từng là 'vùng trắng' trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Đức Huệ hôm nay đã 'hồi sinh', từng bước chuyển mình trên con đường phát triển KT-XH, vực dậy tiềm năng theo hướng trở thành vùng đệm sinh thái phát triển đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong tương lai.

Kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện Đức Huệ được đầu tư đồng bộ
Trên địa bàn huyện Đức Huệ có tổng cộng 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó, có 11 di tích cấp tỉnh do huyện quản lý và Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An xếp hạng cấp quốc gia do tỉnh quản lý. Có 11 di tích lịch sử - văn hóa được gắn mã QR, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu về di tích mà không cần người thuyết minh.
Đến Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An, tọa lạc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An men theo con đường nhỏ dẫn sâu vào rừng tràm, dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, cả đoàn người chợt lặng đi trước những hố bom loang lổ, những hầm bí mật còn nguyên vẹn giữa rừng tràm xanh mướt. Rời xã biên giới Bình Hòa Hưng, chúng tôi tiếp tục hành trình về thăm xã biên giới Mỹ Quý Tây - nơi có Di tích lịch sử Khu vực sân vận động Quéo Ba.
Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây - Dương Văn Lam, nhằm tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ trong vụ thảm sát, Binh đoàn 16 phối hợp UBND huyện Đức Huệ xây dựng bia tưởng niệm vụ thảm sát tại sân vận động Quéo Ba với diện tích 165m2, tổng kinh phí 592 triệu đồng. Bia được xây dựng tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, khánh thành ngày 08/5/2018.
Sau cuộc chiến, hơn 2.830 anh hùng, liệt sĩ ngã xuống trên mảnh đất Đức Huệ và có 324 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã âm thầm tiễn chồng, con ra trận rồi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Đức Huệ trở thành một vùng đất anh hùng, được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến thời bình, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Huệ đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Năm 2024, tổng sản lượng lúa toàn huyện 250.867 tấn, đạt 104,5% nghị quyết. Trong đó, lúa chất lượng cao đạt 151.021 tấn. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh và con bò tiếp tục được thực hiện theo lộ trình với 360/220ha chanh, đạt 163,6% nghị quyết. Tổng đàn bò ứng dụng công nghệ cao ước được 4.500 con, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã Mỹ Thạnh Bắc đạt danh hiệu xã tiêu biểu của tỉnh; thị trấn Đông Thành được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Đức Huệ hôm nay đã “thay da, đổi thịt”, vươn mình phát triển. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Những con đường nhựa, những cây cầu bêtông nối nhịp bờ vui giúp kết nối các khu vực và rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm với các xóm, ấp. Các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Vùng đất anh hùng trong chiến tranh nay đã trở thành một vùng quê giàu đẹp, nghĩa tình và đáng sống. Những thành tựu của huyện Đức Huệ sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển cũng là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết tâm vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân nơi đây./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/-vung-trang-da-hoi-sinh--a194701.html