Vững trước nguy biến, Việt Nam 'miền đất mới' cho đại bàng làm tổ
Với nỗ lực ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19 và giữ mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng, thu hút lượng lớn dòng vốn FDI dịch chuyển.
FDI đổ về Việt Nam
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/10/2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn được đánh giá là thành công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu.
Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động và tại một số quốc gia, tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát với số ca nhiễm ngày càng tăng, các doanh nghiệp đa quốc gia đã lên kế hoạch tìm kiếm “vùng đất mới” để đầu tư và phát triển.
Với những nỗ lực được ghi nhận từ kết quả tăng trưởng GDP dương trong năm nay, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng, thu hút lượng lớn dòng vốn FDI dịch chuyển.
Trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết, Việt Nam có ưu thế là có nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp. Thị trường tiềm năng với 100 triệu dân, thu nhập ngày càng tăng lên. Việt Nam cũng đã hội nhập sau vào kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, nước ta còn có vị trí trung tâm, kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
Thương chiến Mỹ -Trung và đại dịch Covid-19 đã khiến các tập đoàn đa quốc gia phải tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư. Việt Nam, cùng với Ấn Độ và Indonesia, là những thị trường được quan tâm, mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Chad Ovel, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa kỳ tại TP.HCM và Đà Nẵng, cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã ứng phó tốt với đại dịch Covid-19. Nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng nhau vượt qua thách thức. Đây là hình mẫu về quốc gia có sự đoàn kết và tổ chức tốt trước những nguy biến.
Cùng với đó, trong suốt 30 năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam đều từ 5%/năm trở lên, lạm phát thấp và đồng tiền Việt Nam ổn định so với USD. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh từ 12 triệu người vào năm 2014 lên 33 triệu người vào năm 2020. Hơn 90% dân số sở hữu nhà riêng, là tài sản cầm cố thế chấp thuận lợi. Tỷ trọng thương mại trên GDP cao với 34,9% và kết nối toàn cầu. Vì vậy, “sóng đầu tư” đang hướng về Việt Nam.
Thời gian tới, số lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, ông Chad Ovel dự báo.
Vượt qua thách thức
Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, bên cạnh những cơ hội, vẫn còn đó nhiều thách thức. Vấn đề đáng quan tâm là GDP Việt Nam đang theo xu hướng đi xuống trong ba thập niên qua. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn thì phát triển không bền vững và không bật lên được.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính về kinh doanh còn nhiều chồng chéo, rườm rà, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp và vấn nạn tham nhũng. Hạ tầng nền kinh tế số còn kém phát triển. Môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, nguồn nhân lực có chất lượng thấp,... "Chúng ta phải vượt qua thách thức mới đón bắt được cơ hội. Nếu không vượt qua thách thức thì không thể có cơ hội", ông Cung nói.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng chuyển dịch vốn FDI sẽ tiếp diễn trong khoảng 3 năm nữa. Việt Nam cần chuẩn bị tốt về tâm thế, về nguồn nhân lực, cơ chế chính sách và hạ tầng công nghiệp, dịch vụ... để đón bắt cơ hội này.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Chính phủ đang chuẩn bị về hạ tầng công nghiệp; rà soát và tạo nguồn đất để hình thành các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu về năng lượng; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và không ngừng sửa đổi chính sách cho phù hợp với đòi hỏi thực tế.
Bên cạnh đó là tăng ưu đãi đầu tư, linh hoạt trong chính sách ưu đãi, nhằm thu hút những dự án lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, trước đông đảo doanh nhân trong, ngoài nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cam kết sẽ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng. Ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả ba phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thành lập tổ công tác đặc biệt rà soát những bất cập, chồng chéo về kinh doanh và tổ công tác thu hút đầu tư.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, trong đại dịch, kinh tế số đã tạo ra mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế quốc gia.
Do đó, cần tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế hiện đại với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Hạ tầng kinh tế số phát triển chắc chắn sẽ thu hút những tập đoàn đa quốc gia hội tụ tại Việt Nam.