Vững vàng trước kỳ thi

Ngày mai, 11.428 thí sinh trong toàn tỉnh đăng ký dự thi sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Hồ hởi, phấn khởi, tự tin, xen lẫn hồi hộp, lo âu là trạng thái tâm lý của các sĩ tử 'vượt vũ môn'.

Giờ ôn thi của học sinh Trường THPT Tân Lang (Phù Yên).

Giờ ôn thi của học sinh Trường THPT Tân Lang (Phù Yên).

Ảnh: PV

Câu chuyện thi cử ngàn năm nay vẫn thế, từ bậc hiền nhân trong khoa cử xưa đến sĩ tử thời nay đều chung chí hướng: Học để làm người, học cho mình, học để góp phần mang tri thức phục sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người ta hay nói “học tài thi phận”. Đó có lẽ chỉ là câu nói, bởi thi đỗ đạt hay không là do sự học của chính mình. 12 năm trên ghế nhà trường, các em được thầy cô giáo, gia đình, nhà trường, xã hội giáo dưỡng và tự thân rèn luyện, học tập để có kiến thức cho chính mình thì không thể đổ lỗi cho “học tài, thi phận”. Học thế nào thì kết quả thi sẽ phản ảnh đúng thực chất như vậy.

Tất cả vì học sinh thân yêu. Đó không còn là khẩu hiệu mà luôn là hiện thực. Những tháng ngày qua, các thầy cô giáo đã nỗ lực vượt qua gian khó, tận tâm, tận lực vì học sinh thân yêu. Ngoài hoàn thành các chương trình giáo dục theo quy định, các thầy cô giáo sớm chiều, thậm chí cả buổi tối giúp học sinh ôn tập, hệ thống kiến thức, kỹ năng làm bài thi những mong các em đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm cao nhất để vững hành trang bước vào môi trường đào tạo mới hoặc học nghề, làm nghề.

Để vững bước vào kỳ thi, đến nay, các cấp, các ngành, địa phương, nhà trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, điện nước, an ninh trật tự, công tác phòng dịch COVID-19 phục vụ cho kỳ thi. Dẫu vậy, hơn lúc nào hết, các thầy cô giáo, gia đình và người thân cần giúp học sinh chuẩn bị một tâm thế vững vàng, đủ sức khỏe và có tâm lý thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi để có kết quả tốt nhất.

Mặt khác, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến kế hoạch học tập cũng như tinh thần của học sinh. Nhất là học sinh cuối cấp sẽ cảm thấy bị động khi có quá nhiều thay đổi trong thời gian ngắn, cùng với việc nghỉ dịch quá lâu làm cho các em bị gián đoạn về mặt tiếp nhận kiến thức cho nên càng áp lực khi sắp đối diện với kỳ thi. Do đó, các bậc cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của các em để hiểu được những lo lắng trong mùa thi cần giải tỏa để chia sẻ cùng các em. Ngược lại, cần tránh nảy sinh tâm lý chủ quan, tự mãn, cho rằng mình không cần phải đầu tư nhiều thời gian mà vẫn đạt được kết quả cao.

Các cấp, các ngành, địa phương, nhất là ngành GD-ĐT, các trường trung học phổ thông tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp để kỳ thi thành công với mục tiêu đúng quy chế, không có vi phạm trong quá trình tổ chức thi và thi; số học sinh đỗ tốt nghiệp cao nhất. Đồng thời, các cơ quan chức năng hướng dẫn, giúp đỡ các em di chuyển an toàn từ nơi cư trú, nơi nghỉ trọ, khu bán trú đến điểm thi an toàn. Chú trọng công tác kiểm tra y tế, khai báo, sàng lọc bảo đảm phòng chống dịch an toàn giúp các em bước vào kỳ thi đạt kết quả cao.

Các nhà trường, các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tiếp sức mùa thi, kêu gọi và khuyến khích các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ, ủng hộ các em học sinh nghèo về ăn nghỉ để các em có đủ điều kiện bước vào kỳ thi.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã sẵn sàng, ngoại trừ các yếu tố thiên tai, dịch bệnh; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; tình yêu thương của các thầy cô giáo, gia đình, nhà trường cùng tâm thế tốt của mỗi học học sinh là cơ sở để một mùa thi thành công.

Minh Khánh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vung-vang-truoc-ky-thi-40949