Vườn cam nghĩa tình
Tháng 6/2015 chồng chị Lê Thị Kiếm (sinh năm 1976) ở thôn Xuân Tiến (trước là thôn Tiến Kim), xã Gio Bình, huyện Gio Linh không may qua đời trong khi đào hố trồng cây cuốc phải bom mìn. Đó là nỗi đau của gia đình chị cũng là nỗi đau, mất mát sau chiến tranh không gì bù đắp được của nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh.
Chồng là chỗ dựa, là lao động chính trong gia đình, anh mất đi để lại vợ và 3 đứa con còn nhỏ. Chị Kiếm đau khổ, suy sụp hoàn toàn bởi tai nạn quá bất ngờ, thảm khốc đã gieo xuống gia đình chị. Nghĩ tới tương lai sau này chị càng thấy khó khăn, mịt mờ.
Sau những ngày lo đám tang cho chồng, được sự động viên, giúp đỡ của những người thân nội ngoại, bà con, họ hàng, làng xóm, chị lại đứng dậy để nuôi con.
Ở làng quê vùng trung du này còn nhiều khó khăn, gia đình chị làm nông nghiệp nhưng thiếu đất sản xuất, chỉ có nửa sào ruộng, mỗi năm chỉ làm được một vụ nên không đủ lương thực cho gia đình, vì thế phải đi làm thuê, làm mướn. Hồi chồng còn sống, vợ chồng vay tiền ngân hàng sang bên xã Trung Sơn khai hoang, mua đất để trồng cam, không ngờ công việc đào hố trồng cây chưa xong thì chồng chị đã nằm xuống trên mảnh đất mới khai phá.
Để vượt qua khó khăn, hằng ngày ai thuê làm gì chị cũng chịu khó đi làm, nhất là đi cạo mủ cao su phải dậy thật sớm, những ngày mùa đông giá buốt cũng phải làm, lúc rảnh rỗi đi bắt đam (cua đồng) bán kiếm tiền nuôi con. Chị cũng dành nhiều thời gian để tiếp tục công việc gây dựng vườn cam ở xã Trung Sơn, hằng ngày phải đi làm hơn 10 km, buổi trưa ở lại, công việc ở nhà giao cho con tự lo liệu.
Có phải cơ duyên hay chỉ là sự may mắn, tình cờ khi ông Francis Chuck Theusch, Giám đốc Dự án thư viện Việt Nam- Hoa Kỳ đến triển khai xây dựng thư viện ở Quảng Trị, nghe tin có nhiều nạn nhân bom mìn sau chiến tranh cuộc sống khó khăn, ông kêu gọi những người Mỹ có lòng hảo tâm giúp đỡ. Từ lời kêu gọi đó, một nông dân Mỹ là ông Terry đã nhận giúp đỡ gia đình chị Kiếm, mỗi năm ông gửi cho gia đình chị 500 USD, số tiền không lớn nhưng là tấm lòng của một người nông dân ở bên kia địa cầu.
Ông Francis Chuck Theusch làm cầu nối khi nào có dịp sang Việt Nam là ông đến thăm gia đình chị Kiếm và chuyển tiền của ông Terry. Số tiền 500 USD đổi ra tiền Việt chỉ hơn 11 triệu đồng, được sử dụng vào nhiều mục đích trong đó chủ yếu là đầu tư cho vườn cam. Chị không ngờ rằng việc trồng và chăm sóc cây cam lại khó khăn đến thế. Không có tiền để thuê người chăm sóc, một mình chị làm hết mọi việc nhưng lại không biết kĩ thuật trồng cam nên hiệu quả thấp. Sâu rầy phá hoại rất mạnh, khi nở hoa, nghe có mùi thơm là côn trùng kéo tới, nhiều đêm từ tháng 7 đến tháng 10 chị phải ở lại vườn để canh chừng, đuổi các loại côn trùng phá hoại. Loại ong hay chích làm hư trái cam. Loại bướm cũng dùng vòi chích, hút nước và phá múi cam. Năm rồi lẽ ra với diện tích 1,5 ha người ta thu tới 5 tấn cam, nhưng gia đình chị chỉ thu được 1 tấn…
2-3 năm nay ông Terry đều đặn gửi tiền giúp đỡ gia đình chị Kiếm. Mới đây ông theo đoàn Dự án thư viện Việt Nam- Hoa Kỳ đến Quảng Trị dự tọa đàm kỉ niệm 20 năm hoạt động của dự án này. Tại buổi tọa đàm tổ chức ở Khách sạn Sài Gòn- Đông Hà (ngày 21/10/2019), ông Francis Chuck Theusch nói rất nhiều chuyện trong đó có chuyện ông Terry, một nông dân Mỹ chân chất, hiền lành giúp đỡ một gia đình bị bom mìn ở Quảng Trị.
Người viết bài này cũng đã chụp hình và làm quen với ông Terry, nhìn bên ngoài ông cao lớn, hồng hào. Suốt cả buổi ông không nói gì, cũng có thể là do bất đồng ngôn ngữ nhưng tấm lòng của ông thì được mọi người ghi nhận. Hằng năm ông đã chịu khó dành tiền từ bán sản phẩm hàng hóa của gia đình để gửi cho một gia đình nông dân không quen biết ở Việt Nam. Và lần này, trong tháng 10/2019 ông cũng tự bỏ tiền túi đi du lịch sang Việt Nam để thăm gia đình mà mấy năm qua ông đã gửi tiền giúp đỡ.
Ông Terry cùng với ông Francis Chuck Theusch và nhiều người Mỹ khác đã đến thăm gia đình chị Kiếm ở thôn Xuân Tiến. Họ đã chụp hình, chia sẻ với những khó khăn của gia đình chị và mong rằng chị sẽ vượt qua khó khăn, thử thách để gặt hái những thành quả tốt đẹp trong cuộc sống.
Nghe câu chuyện cảm động của ông Terry và chị Kiếm, tôi đã tìm đến ngôi nhà chị đang ở, hôm đó chị Kiếm đi làm tận bên xã Trung Sơn, cách nhà tới 10 km, nghe có khách nên chị bỏ công việc dỡ dang để về nhà. Cuộc sống của gia đình chị thực sự đang khó khăn. Cháu trai lớn đang học THPT, cháu thứ hai học THCS, còn cháu gái út đang học mẫu giáo. Một mình chị là lao động chính, đầu tắt mặt tối, lo mọi việc cho gia đình, nhất là lo cho con được ăn học, không bỏ dỡ nửa chừng. Gia đình chị được thôn xếp vào loại hộ cận nghèo.
Chị Kiếm bày tỏ lòng cảm ơn về những người đã giúp đỡ mình, trong đó có gia đình ông Terry, trong vườn cam của chị có phần đóng góp, giúp đỡ của ông Terry. Hiện tại chị đang dồn hết sức lực để chăm sóc vườn cam, nhờ người hướng dẫn kĩ thuật, làm sao chống được các loại sâu rầy, ong bướm phá hoại, để vụ mùa tới có năng suất, chất lượng cao hơn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144538