Vươn lên từ nghề đũa đước

Những năm gần đây, với phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp, tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, đã xuất hiện nhiều tấm gương dám nghĩ, dám làm, luôn cần cù trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Anh Lê Trường Ðại, ấp Xẻo Mắm, là một điển hình.

Sinh ra ở Bạc Liêu, trong gia đình nghèo, đông anh em, cuộc sống khó khăn nên anh Ðại nghỉ học sớm, rời quê xuống Cà Mau tìm việc làm, lập gia đình rồi lập nghiệp tại quê vợ. Không đất sản xuất, phải chăm lo các con còn nhỏ nên ngoài đốn cây mướn, anh còn làm thuê tại các cơ sở sản xuất đũa đước, rồi học được nghề. Giờ rảnh, vợ chồng anh làm thêm nghề vót đũa đước bằng thủ công, bán lẻ cho người dân ở địa phương để tăng thêm thu nhập. Dù nỗ lực làm đủ thứ nghề để vươn lên thoát nghèo, nhưng do con còn nhỏ, bệnh tật, nên gia đình anh Ðại vẫn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau.

Năm 2019, gia đình anh Ðại lên TP Cà Mau làm công nhân cho một công ty thủy sản, được gần 2 năm thì dịch Covid-19 ập đến. Thấy tình hình không ổn, gia đình anh Ðại lại quay về quê. Có ít vốn tích lũy, rồi được người thân cho mượn bãi đất trống ven sông, vợ chồng anh Ðại cất nhà sàn ở tạm, đầu tư xưởng chế biến đũa đước. Hơn phân nửa máy móc, thiết bị, như máy cắt, xẻ cây, bào, chuốt, đánh bóng... đều do anh Ðại sáng chế thêm nên tiết giảm khoảng 30-40% chi phí đầu tư.

Anh Ðại nhớ lại: "Khi mới về quê, tất cả phải làm lại từ đầu. Thấy trên các bàn ăn, người bán thức ăn nhanh sử dụng đũa tre, độ an toàn vệ sinh thực phẩm không cao, trong khi tài nguyên cây đước ở Ngọc Hiển vô tận, cùng với việc bà con trong xóm làm nghề đũa đước có hướng phát triển đi lên, nên với sẵn vốn kiến thức nghề làm đũa trước đây, năm 2021, gia đình quyết định lập nghiệp từ cây đước. Ban đầu khá khó khăn, sản phẩm xuất bán nhỏ lẻ. Tôi rong ruổi khắp nơi, gửi sản phẩm tại các tiệm tạp hóa, quán ăn, nhà hàng, hộ kinh doanh các chợ để chào hàng và gửi bán sản phẩm, dần dần lượng khách hàng biết đến nhiều hơn. Ðến nay lượng khách sỉ và lẻ tương đối ổn định, bình quân hằng tháng xuất bán 50 ngàn đôi, trừ chi phí còn lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng".

Anh Ðại cho biết thêm, để giữ thương hiệu đũa đước, một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà, cơ sở của anh đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm, yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện tại cơ sở tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình và 4 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Ông Trần Hiếu Giang, Phó chủ tịch UBND xã Viên An, cho biết, đũa đước là sản phẩm tiềm năng thế mạnh của địa phương, nay đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trên địa bàn xã hiện có 10 hộ, vừa sản xuất nhỏ lẻ và thành lập cơ sở sản xuất đũa đước, tập trung nhiều ở ấp Xẻo Mắm và ấp Nguyễn Quyền. "Cơ sở của anh Ðại là một trong những cơ sở sản xuất có quy mô, đầu tư thiết bị tương đối hoàn thiện và lượng xuất bán ra thị trường khá lớn. Chính quyền, địa phương sẽ hỗ trợ bà con hết mình về vốn, hồ sơ, thủ tục, để các hộ làm nghề có đủ điều kiện đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu để đưa sản phẩm vươn xa hơn trong thời gian tới”./.

Cơ sở chế biến đũa đước của anh Ðại tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình và 4 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Cơ sở chế biến đũa đước của anh Ðại tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình và 4 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Anh Ðại phấn khởi khi đã tìm được mô hình khởi nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Anh Ðại phấn khởi khi đã tìm được mô hình khởi nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Ðũa được phơi dưới ánh nắng tự nhiên cho khô, sau đó đánh bóng, vệ sinh sạch trước khi đóng gói.

Ðũa được phơi dưới ánh nắng tự nhiên cho khô, sau đó đánh bóng, vệ sinh sạch trước khi đóng gói.

Ðũa đước của anh Ðại được đóng gói trước khi xuất bán.

Ðũa đước của anh Ðại được đóng gói trước khi xuất bán.

Loan Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vuon-len-tu-nghe-dua-duoc-a34182.html