Vươn lên vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Nhắc tới huyện miền núi Đakrông, trước đây, mọi người thường nghĩ đến một vùng đất nghèo khó, lạc hậu. Để thay đổi góc nhìn ấy, thời gian qua, cán bộ, người dân trên địa bàn đã dồn toàn tâm, toàn sức triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững, giúp quê hương thay da, đổi thịt.
Nhiều năm nay, người dân thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông vẫn chia sẻ với nhau câu chuyện về nỗ lực thoát nghèo của gia đình anh Lê Văn Dũng. Trước đây, gia đình anh Dũng gặp rất nhiều khó khăn. Anh từng nghĩ mình khó có ngày no cơm, ấm áo. Trong lúc chưa tìm ra lối đi, gia đình anh Dũng được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế. Từ con trâu đầu tiên mua vào năm 2010, anh đã làm nên cơ nghiệp.
Hiện nay, ngoài chăn nuôi, gia đình anh Dũng còn tích cực trồng rừng. Thu nhập bình quân hằng năm của gia đình anh ổn định từ 120 đến 150 triệu đồng. “Giờ đây, gia đình tôi đã thoát được nghèo. Cuộc sống thoải mái hơn trước. Nhờ kinh tế gia đình ổn định, tôi có điều kiện giúp đỡ mọi người”, anh Dũng nói.
Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Dũng đã truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân khác ở xã Hướng Hiệp. Một thời, cuộc sống của bà con nơi đây sấp ngửa với đói nghèo, lạc hậu. Để làm nên sự đổi thay, cán bộ xã Hướng Hiệp đã tập trung huy động nguồn lực, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân như: tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; tặng cây con giống...
Các mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại được khuyến khích xây dựng, nhân rộng. Bà con dần quen với việc dùng phương tiện, máy móc hiện đại thay cho sức người. Từ đây, số hộ nghèo trong xã giảm dần.
Trung bình mỗi năm, tỉ lệ hộ nghèo xã Hướng Hiệp giảm trên 5%. Người dân ngày càng tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sinh chia sẻ: “Trước đây, một bộ phận người dân xem làm giàu cho quê hương là việc riêng của... cán bộ xã. Suy nghĩ ấy nay đã hoàn toàn thay đổi. Ai cũng quyết tâm vươn lên, làm giàu cho mình, cho quê hương”.
Ngoài xã Hướng Hiệp, nhiều miền quê khác ở huyện miền núi Đakrông cũng đang đổi thay từng ngày. Sự đổi thay ấy không chỉ nằm ở diện mạo các xã, thị trấn mà ngay trong suy nghĩ người dân. Trước đây, người dân huyện Đakrông phát triển kinh tế theo hướng nhỏ lẻ, độc lập. Hiện nay, bà con đã dần quen với việc hợp tác sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế. Sự ra đời của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đầu tiên trên địa bàn chính là một trong những minh chứng sinh động, rõ nét.
Tại huyện Đakrông, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp là hình mẫu, được người dân hướng đến, học tập. Ít ai biết, ban đầu, HTX này ra đời đơn thuần từ sự liên kết làm ăn của anh Đỗ Văn Ánh với 6 người cùng chí hướng.
Xuất phát từ mong muốn có cuộc sống no ấm hơn, họ đã tận dụng vùng đất hoang hóa để chăn nuôi, trồng trọt. Ngày mới bắt tay vào việc, rất nhiều khó khăn, thử thách đặt ra nhưng không ai chùn lòng.
Theo từng bước đi đầy nỗ lực, việc chăn nuôi, trồng trọt của các anh ngày càng ổn định, làm tiền đề cho sự ra đời của HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp. Hiện nay, đàn vật nuôi của HTX duy trì thường xuyên hàng trăm con, chủ yếu là lợn bản và dê núi. Không những thế, HTX còn là nơi cung cấp nguồn dược liệu tương đối lớn. “Khởi đầu từ gian khó nên tôi và các thành viên trong hợp tác xã nhận thức rất rõ ý nghĩa của việc liên kết làm ăn. Từ ngày HTX ra đời, thu nhập của các thành viên đều cải thiện. Chúng tôi mong muốn tiếp cận thêm được những nguồn vốn để làm đòn bẩy, phát triển HTX hơn nữa”, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp Đỗ Văn Ánh cho biết.
Đổi thay về cách nghĩ, cách làm của anh Ánh và nhiều người dân khác là một trong những ví dụ cụ thể cho sự phát triển của huyện miền núi Đakrông.
Để làm nên sự đổi thay ấy, thời gian qua, lãnh đạo huyện đã chú trọng xây dựng kế hoạch, mục tiêu và có nhiều giải pháp thiết thực giúp địa phương giảm nghèo bền vững. Nhận thức rõ những thời cơ và thách thức của mình, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho sự phát triển. Các chương trình, dự án trên địa bàn được triển khai hiệu quả.
Hiện nay, cán bộ, người dân huyện Đakrông đang phát huy cao nguồn lực từ các chương trình: 30a - hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới; dân tộc và miền núi... Từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, người dân có điều kiện xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
Nhờ nỗ lực giảm nghèo bền vững của cả hệ thống chính trị và người dân, hiện nay, các bản làng ở huyện Đakrông thay màu áo mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Hằng năm, huyện huy động hàng chục tỉ đồng để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Qua đó, những vấn đề được xem là khó, cần nhiều nguồn vốn sớm được tháo gỡ, giải quyết. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn ổn định.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn, để đạt được những kết quả đáng mừng trên, thời gian qua, lãnh đạo và người dân huyện Đakrông đã dồn nhiều tâm sức.
“Nhằm duy trì và nâng cao công tác giảm nghèo, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI. Lãnh đạo huyện sẽ có những giải pháp để phát huy cao hơn tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi lĩnh vực chuyên môn. Cùng với đó, chúng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp mỗi cán bộ, người dân nêu cao tính chủ động, năng động, sáng tạo; gắn đào tạo nghề với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm...”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vuon-len-vi-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-189357.htm