Vươn mình trên đá sỏi
Đèo Trám nằm gọn gàng trong lòng núi. Màu xanh phủ lên thôn xa nhất nhì của xã Tiến Bộ (Yên Sơn), như một lời khẳng định no ấm, đủ đầy. Với những người Nùng về định cư ở đây từ thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc sống hôm nay là kết quả xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra trong suốt bốn thập kỷ biến đất thành vàng, để vươn mình trên đá sỏi.
“Tết này, bản mình có điện rồi…”
Đèo Trám nằm cách trung tâm xã Tiến Bộ hơn chục cây số. 38 năm về định cư ở đây là 38 năm người Nùng Đèo Trám khao khát ánh sáng của điện lưới quốc gia.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đèo Trám Sèn Văn Nam bảo, không có điện lưới quốc gia, không có nghĩa là người Nùng Đèo Trám sống trong bóng tối. Họ tận dụng tự nhiên, để biến nó thành ánh sáng phục vụ đời sống của mình. Nhà gần suối thì biến nước thành điện; những nhà không gần suối thì tận dụng ánh nắng mặt trời. Một số hộ gia đình giáp với xã Minh Thanh (Sơn Dương) thì kéo nguồn điện từ bên đấy sang để chiếu sáng. Có điều, điện từ những nguồn này chỉ đủ mỗi nhà thắp đôi ba bóng đèn. Còn lại 42 nóc nhà ở Đèo Trám vẫn sống trong tình trạng nhiều không: Không tủ lạnh, không ti vi, không nồi cơm điện…
Ông Nam cười, “ba không” này nếu so với “ba không” chừng dăm bảy năm trước thì ăn thua gì. Ông liệt kê, “ba không” trước đây là không đường giao thông cứng hóa, không điện lưới quốc gia và không sóng điện thoại. Giờ thì chỉ còn “một không” nữa thôi, là xóa hết những không còn lại rồi.
Cuối năm 2020, tuyến đường bê tông gần 5km từ Đèo Tượng đến Đèo Trám được hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Già làng Hoàng Văn Sán, đã ở cái tuổi gần 80 cười móm mém, nửa đời mình bám đất này, giờ được đi trên con đường bê tông phẳng phiu như tấm vải mới nhuộm, không lời nào tả được. Cụ Sán nhớ lại, trước đây, bà con có việc đi từ thôn đến xã, phải đi hết cả tiếng đồng hồ. Trời thuận thì chẳng sao. Mỗi lần trời mưa là một lần vất vả, đoạn nào đi được thì đi, đoạn nào không đi được thì xuống đẩy. Giờ có việc, con cháu mình chạy xe máy chưa đầy 15 phút là đến trung tâm xã.
Nối tiếp tin vui, hạng mục đường dây và trạm biến áp cấp điện thuộc Tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2018- 2020 cho thôn Đèo Trám đến thời điểm này đã hoàn thành 75% tiến độ và phấn đấu cấp điện trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cô giáo Đặng Thị Thu Hiền, giáo viên tại điểm Trường Mầm non Đèo Trám có lẽ là người vui nhất. Gần chục năm công tác tại điểm trường, để tránh nóng cho lũ học trò lít nhít mới ở tuổi lên 3, lên 5, cô Hiền bỏ tiền túi, mua chiếc quạt tích điện năng lượng mặt trời, giúp các con trốn cái nóng bỏng rát của mùa hè. Cô Hiền cười, tới đây có điện lưới, các con sẽ có cơ hội được học tập, tiếp thu tốt hơn, không chỉ từ bảng đen phấn trắng, mà từ cả ti vi, máy chiếu nữa.
Trong ngôi nhà sàn mới hoàn thành, chị Sèn Thị Bả chỉ hệ thống đường điện đã lắp đặt hoàn thiện: “Tất cả đã sẵn sàng rồi, giờ chỉ chờ điện lưới về nữa thôi”. Chị Bả dự định, có điện lưới, gia đình mình sẽ đầu tư một máy xay xát về phục vụ nhu cầu gia đình và bà con trong thôn. Dự định này có từ lâu lắm rồi, nhưng nguồn điện từ năng lượng mặt trời không đủ, vợ chồng đành gác lại. “Tết này, bản mình có điện rồi, có bao nhiêu dự định là mình chỉ việc biến nó thành hiện thực thôi…”.
Lộc rừng
Dọc đường từ Đèo Tượng vào Đèo Trám, là những ngôi nhà mái Thái đang xây dựng, những ngôi nhà 2- 3 tầng còn vương mùi sơn mới, những nếp nhà sàn cột bê tông đã được xây dựng cải tạo lại, khang trang, bề thế. Tất cả có được, đều nhờ hưởng lộc rừng!
Ngôi nhà 3 tầng mới xây dựng, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng của anh Hoàng Văn Vần - một trong những hộ có diện tích rừng nhiều nhất Đèo Trám, gần 13 ha - vừa được khánh thành đầu năm nay cũng từ tiền bán rừng. Anh bảo mỗi năm bán một ít, tích cóp lại thì có ngày hôm nay thôi. Vừa rồi, gia đình anh vừa bán thêm 3 lô rừng, thu về ngót nghét một tỷ đồng. Tiền tỷ, với người dân Đèo Trám giờ không phải là câu chuyện xa xôi nữa. Năm nay, người dân ở Đèo Trám khai thác hơn 30 ha rừng, tiền thu về cũng đã gần 5 tỷ đồng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đèo Trám Sèn Văn Nam bảo, ở Đèo Trám giờ ai cũng có rừng. Hộ nhiều như Hoàng Văn Vần, Hoàng Văn Ngán, Hoàng Văn Minh thì 12-13 ha, còn lại ít hơn, thì cũng 7-8 ha.
Câu chuyện làm giàu từ rừng ở Đèo Trám không phải là câu chuyện tự nhiên mà có. Đầu thôn Đèo Trám là một quả núi còn nguyên vẹn từ cây gỗ to, gỗ nhỏ đến lau lách, tre nứa. Già làng Hoàng Văn Sán bảo, đây là khu rừng thiêng của người Nùng ở đất này. Vì là khu rừng thiêng, nên ngày thường không ai đặt chân đến, không ai dám chặt cây, hái quả. Hằng năm, đến ngày 30 tháng Giêng, người dân ở thôn Đèo Trám lại góp công góp của, mở lễ cúng thần rừng. Trong lễ cúng thần rừng, người trong làng nhắc nhở nhau phải đoàn kết, thương yêu, bảo nhau cách làm ăn. Già làng Sán bảo, nhờ thế mà ở Đèo Trám không có người sinh con thứ ba, không có nạn tảo hôn, gần 40 năm về ở đất này, cả thôn chưa bao giờ xảy ra một vụ mất cắp mất trộm nào.
Chính sự đoàn kết, một lòng ấy, giúp mọi việc ở Đèo Trám được triển khai thuận lợi hơn. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sèn Văn Nam kể: “Trước đây, đất đồi ở Đèo Trám chỉ để trồng cây sắn thôi. Năm được mùa năm mất mùa, đất cũng không được bảo vệ tốt mà bạc màu nhanh hơn. Khi được chính quyền xã vận động thay thế cây sắn bằng cây lâm nghiệp, trong lễ cúng thần rừng năm 2015, sau khi bàn bạc, cả thôn đã hứa với thần rừng sẽ bỏ cây sắn, phủ xanh đất đồi bằng cây keo, cây mỡ để thoát nghèo”.
Nghe theo sự vận động của cấp ủy, chính quyền xã và thực hiện lời hứa ấy, gia đình anh Nam là một trong những hộ tiên phong trồng rừng. Anh bảo, ngày đầu vận động bà con còn khó lắm, vì nguồn thu từ sắn tuy năm được năm mất, nhưng vừa cho thu nhanh, lại có tiền ngay. Lúc ấy muốn vận động được thì mình phải làm trước. Rồi chính tay anh phá bỏ lò sấy sắn của gia đình, anh vận động nhân dân cuốc đất, mở rộng tuyến đường để ô tô lên đến tận thôn. Anh Nam hiện có 12 ha rừng. Từ năm 2016 đến nay, số tiền thu về từ khai thác rừng của gia đình anh Nam đã được cả tỷ đồng. Cuộc sống dư dả từ rừng của anh Nam được người dân trong thôn theo đó mà học tập. Bây giờ cả thôn Đèo Trám có 42 hộ dân nhưng có tới 360 ha rừng và là thôn dẫn đầu về diện tích trồng rừng ở xã Tiến Bộ. Mấy năm trước, xã vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, ở Đèo Trám cũng có 62 ha thực hiện theo tiêu chuẩn này.
Có tiền, nên vận động bà con làm gì cũng dễ. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sèn Văn Nam khoe, 100% hộ dân ở Đèo Trám đã có công trình vệ sinh khép kín. Vừa rồi, bà con ở Đèo Trám vừa đóng góp được hơn 30 triệu đồng xây dựng bếp ăn cho điểm Trường Mầm non, để các cháu được học bán trú tại trường. Thôn cũng vừa đăng ký xây dựng gần 1.000 mét đường bê tông trong năm 2022, để trải thảm những đoạn đường đất vẫn còn len lách ở các khu dân cư.
Nắng cuối chiều vương trên những cánh rừng ở Đèo Trám, lấp lánh như dát vàng. Người Nùng Đèo Trám giấu nụ cười sau những nếp khăn, tấm áo chàm, sự no đủ, với họ, chính từ việc tự vươn mình trên đá sỏi mà nở hoa!
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/vuon-minh-tren-da-soi-152477.html