Vườn quốc gia Côn Đảo lý giải nguyên nhân san hô bị tẩy trắng số lượng lớn

Kết quả khảo sát cho thấy các điểm rạn phía Đông Nam, quần đảo Côn Đảo có tỉ lệ san hô bị tẩy trắng cao, nhiệt độ nước biển ở độ sâu 20 m ghi nhận đến 32 độ C.

Ngày 10-6, Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo đã có báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về hiện tượng san hô bị tẩy trắng.

Video: Vườn quốc gia Côn Đảo lý giải nguyên nhân san hô bị tẩy trắng số lượng lớn

Theo BQL Vườn quốc gia Côn Đảo, qua theo dõi, quan sát hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo, trong thời gian cuối tháng 5-2024 vừa qua, đơn vị đã chủ động mời Viện hải dương học - Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cử chuyên gia đến Côn Đảo phối hợp cùng khảo sát và đánh giá (thời gian từ 2 đến 5- 6).

Các giống san hô cứng phổ biến trên rạn đều bị tẩy trắng

Việc khảo sát hiện tượng san hô bị tẩy trắng được thực hiện tại 8 điểm rạn ở phía Đông Nam và phía Tây Bắc quần đảo Côn Đảo.

Kết quả khảo sát cho thấy, các điểm rạn phía Đông Nam có tỉ lệ san hô bị tẩy trắng cao hơn nhiều so với các trạm rạn phía Tây Bắc. San hô bị tẩy trắng trên cả hai đới mặt bằng rạn và sườn dốc rạn. Nhiệt độ nước biển ở độ sâu 20 m các chuyên gia ghi nhận đến 32oC.

 Các nhà khoa học tiến hành khảo sát và đánh giá việc san hô bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo thời gian qua. Ảnh: VQG

Các nhà khoa học tiến hành khảo sát và đánh giá việc san hô bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo thời gian qua. Ảnh: VQG

Các điểm rạn khu vực phía Đông Bắc, Đông Nam như: Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài và Cựu Gà san hô bị tẩy trắng từ 80-100%, trong đó khoảng 15-20% vừa mới chết sau tẩy trắng. Hầu hết các giống san hô cứng phổ biến trên rạn như Acropora, Porites, Montipora, Pachyseris, Pavona, Echinopora, Echinophyllia, Pectinia, Fungia, Ctenactis đều bị tẩy trắng. San hô mềm bị tẩy trắng toàn bộ.

Các điểm rạn khu vực phía Tây và phía Bắc như: Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Bãi Ông Cường, Bãi Ông Đụng san hô bị tẩy trắng khoảng 60-70% và nhiều nhất là Montipora, Porites, Fungia và Pachyseris. Trong đó, san hô vừa mới chết sau khi bị tẩy trắng khoảng 10%.

 Đoàn khảo sát ghi nhận có sự hiện diện của sao biển gai tại khu vực san hô bị tẩy trắng. Ảnh: VQG

Đoàn khảo sát ghi nhận có sự hiện diện của sao biển gai tại khu vực san hô bị tẩy trắng. Ảnh: VQG

Đối với giống Acropora dạng cành và bàn ít bị tẩy trắng hơn so với các giống còn lại. Ngoài ra, quan sát ghi nhận Rạn san hô ở Bãi Ông Cường còn bị tác động bởi Sao biển gai và trầm tích lắng đọng trên rạn.

San hô vùng biển xung quanh quần đảo Côn Đảo bị tẩy trắng trên diện rộng, tuy nhiên khu vực phía Đông Bắc, Đông Nam bị tẩy trắng nhiều hơn so với phía Tây Bắc, Tây Nam, nguyên nhân chính do nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường trong tháng 5 vừa qua.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát ghi nhận có sự hiện diện của sao biển gai tại khu vực biển Hòn Cau, Hòn Tài, Ông Cường. Đồng thời còn phát hiện một số Trai tai tượng cũng bị mất màu tự nhiên do tác động bởi nhiệt độ nước biển cao.

Hạn chế các tour ngắm san hô trong thời gian 3 tháng

Theo dự báo, hiện tượng tẩy trắng san hô ở vùng biển Côn Đảo đã giảm nhẹ, dự kiến đến 16-6 cấp độ tẩy trắng giảm xuống mức độ ít bị tẩy trắng nhưng cần quan sát thêm.

Từ kết quả trên, BQL Vườn quốc gia Côn Đảo đưa ra giải pháp tiếp tục phối hợp với Trạm Khí tượng thủy văn Côn Đảo, Trạm quan trắc môi trường biển Côn Đảo thu thập số liệu nhiệt độ và độ mặt nước biển từ tháng 4 đến tháng 7- 2024 để tiếp tục phân tích, đánh giá sâu hơn, kỹ hơn.

 Các nhà khoa học khảo sát ghi nhận hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại Côn Đảo, dự kiến tháng 7-2024 sẽ khảo sát lại. Ảnh: VQG

Các nhà khoa học khảo sát ghi nhận hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại Côn Đảo, dự kiến tháng 7-2024 sẽ khảo sát lại. Ảnh: VQG

Hiện mức độ tẩy trắng giảm dần từ sau ngày 9-6, vì vậy việc theo dõi, quan sát lại tại 8 điểm rạn san hô nêu trên cần thiết phải khảo sát, đánh giá lại lần hai (sau 1 tháng) để có cơ sở đánh giá mức độ tác động và khả năng phục hồi của rạn san hô do biến cố tẩy trắng, trên cơ sở đó đề xuất các phương án phục hồi phù hợp.

BQL Vườn quốc gia Côn Đảo xây dựng chương trình giám sát rạn san hô định kỳ hàng năm về độ phủ các hợp phần đáy, mật độ cá rạn, mật độ động vật đáy kích thước lớn, các mối tác động.

 Tour tổ chức ngắm san hô tại Vườn quốc gia Côn Đảo được rất nhiều du khách lựa chọn. Ảnh minh họa: KN

Tour tổ chức ngắm san hô tại Vườn quốc gia Côn Đảo được rất nhiều du khách lựa chọn. Ảnh minh họa: KN

Các Kế hoạch phục hồi san hô (trồng san hô của Vườn quốc gia Côn Đảo dự kiến thực hiện trong tháng 7) cần hoãn một khoảng thời gian cần thiết (có thể sau tháng 9-2024) vì lý do san hô trên rạn vừa mới bị tẩy trắng, khả năng phục hồi rất yếu, việc tách mảnh tập đoàn san hô bố mẹ để lấy giống phục hồi sẽ làm tập đoàn bố mẹ bị suy yếu, tỷ lệ sống của các mảnh san hô phục hồi rất thấp.

Trong thời gian 3 tháng sau khi san hô bị tẩy trắng, BQL Vườn quốc gia Côn Đảo có biện pháp hạn chế các hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch bơi lội, lặn ngắm trên các vùng rạn san hô quan trọng, đặc biệt là trong các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô thuộc Vườn quốc gia để cho san hô được phục hồi tự nhiên; hạn chế tối đa các hoạt động, tác động bởi con người lên các vùng rạn.

Theo BQL Vườn quốc gia Côn Đảo, hiện tượng san hô tẩy trắng trên diện rộng là hậu quả của nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường vượt ngưỡng 30oC, dẫn đến tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô, làm cho khung xương san hô bị mất màu.

Hiện tượng san hô tẩy trắng trong lịch sử đã diễn ra trên quy mô toàn cầu vào các năm: 1998, 2010, 2016. Tuy nhiên, tại vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng hiện tượng tẩy trắng san hô đã được ghi nhận vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2010, 2016, 2019. Điều này chứng tỏ vùng biển khu vực phía Nam Việt Nam trong 20 năm trở lại đây hiện tượng san hô tẩy trắng xảy ra thường xuyên và tần suất nhiều hơn.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vuon-quoc-gia-con-dao-ly-giai-nguyen-nhan-san-ho-bi-tay-trang-so-luong-lon-post795001.html