Vườn quốc gia Tam Đảo: 'Hạt nhân' phát triển du lịch 'xanh'
Cách Thủ đô Hà Nội 75km, Vườn quốc gia Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là điểm đến hấp dẫn. Đây là một trong những vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, được coi là “kho dự trữ”, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm; là “hạt nhân” phát triển kinh tế du lịch “xanh” và bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc.
Về với thiên nhiên
Nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa bàn 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang, có diện tích gần 35 nghìn hecta, trong đó có 26.163ha rừng với độ che phủ chiếm 70%. Vườn quốc gia Tam Đảo là nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có 1.282 loài thực vật, gồm 42 loài đặc hữu, 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn; là nơi cư trú của 163 loài động vật, trong đó có 39 loài đặc hữu, 11 loài chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen, rắn ráo thái dương, cá cóc Tam Đảo...
Vườn quốc gia Tam Đảo có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường; cung cấp lâm sản, dược liệu; phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng... Để bảo vệ rừng và phát triển bền vững hệ sinh thái, đồng thời phát triển kinh tế du lịch “xanh”, Vĩnh Phúc đã chia Vườn quốc gia Tam Đảo thành 3 phân khu chính gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Phân khu phục hồi sinh thái, Phân khu hành chính và dịch vụ du lịch nằm ở sườn tây bắc Tam Đảo.
Trong hành trình thăm Vườn quốc gia Tam Đảo, du khách có thể tham gia tour ngắm chim tại khu vực thung lũng Chắt Giậu, chân núi Rùng Rình, Tây Thiên... Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 870 loài chim, trong đó có 12 loài đặc hữu (đứng đầu Đông Nam Á). Cùng với các vườn quốc gia như Hoàng Liên (Lào Cai), Cúc Phương (Ninh Bình), Yok Đôn (Đắk Lắk), U Minh Thượng (Cà Mau)..., Vườn quốc gia Tam Đảo là một trong 15 điểm xem chim trời trên khắp cả nước với 239 loài đã được phát hiện, trong đó có nhiều loài đặc hữu.
Đặc biệt, du khách có thể tham quan tuyến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam - thung lũng Chắt Giậu, để cảm nhận rõ hơn về Vườn quốc gia Tam Đảo. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam được xây dựng trên diện tích 12ha, đủ điều kiện chăm sóc suốt đời cho khoảng 200 - 250 cá thể gấu, chủ yếu là loài gấu ngựa, gấu chó. Theo bà Heidi Quine, Giám đốc Thú y và quản lý gấu (Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam), trung bình mỗi năm, Trung tâm cứu hộ được 12 cá thể gấu bị nuôi bắt nhốt để lấy mật. Các cá thể gấu này sẽ sinh sống trọn đời tại đây bởi chúng đã bị mất bản năng sinh tồn tự nhiên. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 194 cá thể gấu với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là bảo tồn loài gấu ở Việt Nam. Mục tiêu này được lồng ghép với các hoạt động về du lịch môi trường thân thiện, giúp khách tham quan nhận thức được sự cần thiết của việc bảo tồn loài gấu, góp phần làm giảm các hoạt động bắt giữ gấu vì mục đích kinh tế.
Động lực để phát triển bền vững
Đánh giá cao tiềm năng du lịch tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho rằng, Vĩnh Phúc nên đầu tư xây dựng sản phẩm chuyên sâu, bài bản hơn. “Có thể làm cho sản phẩm du lịch này hấp dẫn hơn thông qua việc tăng tính trải nghiệm, hướng đến từng đối tượng khách cụ thể như: Đưa hoạt động trekking xuyên rừng nguyên sinh kết hợp với cắm trại, tìm hiểu hệ động, thực vật cho đối tượng khách ưa khám phá, mạo hiểm; phát triển tour nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều ngày cho các nhà nghiên cứu khoa học hay đưa hoạt động giáo dục môi trường vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh để thu hút khách trong và ngoài tỉnh cũng như khách quốc tế” - ông Doanh chia sẻ.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Vườn quốc gia Tam Đảo là một trong những “hạt nhân” nhằm phát triển Khu du lịch Tam Đảo theo hướng “xanh” và bền vững. Vừa qua, Khu du lịch Tam Đảo đã chính thức được công nhận là khu du lịch quốc gia. Theo đó, khu du lịch này có diện tích 10.723ha, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo là 5.300ha; khu vực chân núi Tam Đảo: 4.561,5ha; Khu di tích và danh thắng Tây Thiên: 477,6ha và Khu du lịch Tam Đảo: 284,9ha. Đây là tiền đề để Vĩnh Phúc phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn chia sẻ, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác tiềm năng du lịch tại khu vực hành lang ven chân núi Tam Đảo, trục du lịch văn hóa tâm linh... nhằm từng bước đưa Tam Đảo trở thành vùng trọng điểm du lịch quốc gia khác biệt, đặc trưng, là điểm đến yêu thích của các du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo sẽ tạo động lực cho việc phát triển bền vững, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và các giá trị tự nhiên, sinh thái.