Vườn Quốc gia Xuân Sơn - tiềm năng phát triển du lịch mùa hè vượt trội

Giải pháp tăng cường tính chất khác biệt để tạo sức hấp dẫn cho khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn có thể tạo nên sức bật phát triển du lịch cho khu vực giàu tài nguyên rừng và đa dạng sinh học này.

Cổng chào vào Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cổng chào vào Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có nhiều giá trị đặc sắc về mặt môi trường, có sự đa dạng sinh học cao và điều đặc biệt là vẫn giữ được những nét nguyên sơ.

Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của vườn. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia Xuân Sơn chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Tân Sơn cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ. Dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên việc đẩy mạnh phát triển du lịch ở Vườn quốc gia Xuân Sơn sẽ là một trong những giải pháp kinh tế góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của vườn, đặc biệt là các loại hình du lịch đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ đa dạng sinh học theo hướng bền vững và phục vụ phát triển du lịch còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Giá trị vượt trội của Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm trọn vẹn trong huyện Tân Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Đây là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất trong tỉnh, đồng thời cũng là huyện có diện tích rừng và số lượng đồng bào dân tộc sinh sống lớn nhất.

Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa phận hành chính của các xã Xuân Sơn (5 xóm: Dù, Lấp, Cỏi, Lạng, Lùng Mằng), Đồng Sơn (xóm Thân), Xuân Đài (xóm Nước Thang), Kim Thượng (xóm Xoan, Tân Ong, Hạ Bằng), thuộc phía Tây của huyện Tân Sơn, trên vùng tam giác ranh giới giữa 3 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La.

Tọa độ địa lý: 21003' - 21012'vĩ độ Bắc và 104051' - 105001' kinh độ Đông.

Tiếp giáp: phía Bắc giáp xã Thu Cúc, phía Nam giáp huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), phía Tây giáp huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), phía Đông giáp các xã: Tân Phú, Mỹ Thuận, Long Cốc và Vĩnh Tiến (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Vườn quốc gia Xuân Sơn có vị trí giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, đây là hai vùng địa lí sinh học lớn của nước ta, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều tài nguyên động thực vật quí hiếm và có giá trị, đó chính là điều kiện thuận lợi cho sự phong phú và phát triển đa dạng sinh học của khu vực này.

Mặt khác, với vị trí nằm sâu trong nội địa, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn do đặc điểm của địa hình và điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nên việc đi lại trong vùng chủ yếu là giao thông đường bộ, còn trong vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Sơn chỉ là đường bê tông nhỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ và giảm bớt được sự tác động của con người vào tài nguyên rừng.

Với vị trí cách thị trấn Thanh Sơn khoảng 40 km, thành phố Việt Trì khoảng 100 km và thủ đô Hà Nội khoảng 120 km, Vườn quốc gia Xuân Sơn có tiềm năng phát triển hoạt động du lịch.

Bản làng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Bản làng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Xuân Sơn

Đa dạng hệ sinh thái

Vườn quốc gia Xuân Sơn có sự đa dạng về hệ sinh thái và thảm thực vật rừng với 9 kiểu hệ sinh thái: Kiểu hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, Kiểu hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên đất đá vôi xương xẩu, Kiểu Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp trên đất đá vôi xương xẩu, Kiểu hệ sinh thái Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, Kiểu hệ sinh thái rừng thứ sinh phục hồi sau nương rẫy, Kiểu hệ sinh thái rừng thứ sinh tre nứa, Kiểu hệ sinh thái rừng trồng, Kiểu hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác, Kiểu hệ sinh thái nông nghiệp.

Bãi tắm bí mật trong lòng Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: TTH

Bãi tắm bí mật trong lòng Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: TTH

Trong một chừng mực nhất định các hệ sinh thái này không phải là đối tượng bảo vệ của các khu bảo tồn, song ở khía cạnh khác chúng lại là môi trường sống của những nhóm sinh vật nhất định.

Sự đa dạng về loài và nguồn gen

Đặc điểm về điều kiện tự nhiên đem lại cho Vườn quốc gia Xuân Sơn sự phong phú đa dạng về thành phần loài động - thực vật. Cho tới nay, có thể khẳng định được rằng Vườn quốc gia Xuân Sơn có sự đa dạng sinh học rất cao về thành phần loài, nguồn gen và hệ sinh thái.

Trong thành phần thực vật ở Xuân Sơn, thấy đủ các yếu tố thực vật có liên quan đến khu hệ thực vật tại Việt Nam. Trước hết, là khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa gồm các đại diện tiêu biểu là các cây trong họ Dẻ (Fagaceae), họ Re (Lauraceae), họ Đậu, họ Mộc lan (Magnoliaceae)...

Đây là yếu tố chiếm ưu thế trong hệ thực vật Xuân Sơn. Ngoài ra, còn có các luồng thực vật di cư khác: luồng các yếu tố Malaixia - Inđônêxia, luồng Vân Nam - Phú Quý Châu và chân dãy núi Himalaya, luồng phía Tây và Tây nam sang.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tài nguyên thực vật hết sức phong phú vượt trội hơn hẳn so với một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên ở lân cận thuộc miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là về số loài và số chi.

Bảng: Phân bố các loài khác nhau trong hệ thực vật Vườn quốc gia. Nguồn: Ban quản lí Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Khu hệ động vật Xuân Sơn mang tính đệm giữa hai khu động vật Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam nên ở khu hệ này thường bắt gặp bên cạnh các loài và phân loài đặc trưng cho khu Tây Bắc như voọc xám, vượn đen tuyền... còn có các đại diện của khu Đông Bắc như hươu xạ, voọc đầu trắng...

Bảng: Thành phần loài thú, chim, bò sát, ếch nhái và côn trùng ở Vườn quốc gia. Nguồn: Ban quản lí Vườn quốc gia Xuân Sơn

Đa dạng về thành phần loài: về mặt thành phần loài động vật của Vườn quốc gia Xuân Sơn tương đối phong phú, tương đương với các khu rừng đặc dụng lớn ở miền Bắc nước ta như Cát Bà, Tam Đảo, Ba Bể...

Như vậy có thể thấy Vườn quốc gia Xuân Sơn có sự da dạng sinh học rất cao với sự đa dạng về hệ sinh thái, đa dạng về thành phần loài và nguồn gen quý hiếm.

Trong số 30 Vườn quốc gia của cả nước thì Vườn quốc gia Xuân Sơn đứng thứ ba về đa dạng sinh học với những loài mang tính đặc hữu, và cả những loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh mục Sách Đỏ thế giới. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng có giá trị khoa học, giáo dục, giá trị du lịch, vui chơi và giải trí cho con người.

Trong lòng Vườn Quốc gia Xuân Sơn có những dòng suối mát, có thể phát triển du lịch tắm suối mùa hè.

Trong lòng Vườn Quốc gia Xuân Sơn có những dòng suối mát, có thể phát triển du lịch tắm suối mùa hè.

Tác dụng của đa dạng sinh học đến sự hình thành và phát triển các loại hình du lịch ở Vườn quốc gia Xuân Sơn

Du lịch sinh thái

Thế mạnh về đặc điểm tự nhiên của vườn là giá trị cảnh quan, giá trị sinh thái, đặc biệt là sự nguyên sơ của một vùng đất vốn chưa bị tác động nhiều từ bên ngoài. Đến với Xuân Sơn du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh quan độc đáo với sự thay đổi kì thú của các hệ sinh thái. Trong suốt dọc tuyến đường khám phá Xuân Sơn, du khách sẽ thấy sự thay đổi kì thú khi chuyển từ hệ sinh thái này sang hệ sinh thái khác.

Mặt khác, Vườn quốc gia Xuân Sơn được đánh giá là một trong ba vùng đa dạng sinh học cao nhất của Việt Nam với nhiều loài bản địa, đặc hữu được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài Re, Dẻ, Sồi và Mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như: Táu muối, Sao mặt quỷ, Chò chỉ và Kim giao…

Vườn quốc gia Xuân Sơn đặc biệt còn thu hút khách du lịch ở sự đa dạng về các loài động vật. Điều đặc biệt tại Vườn quốc gia này có loài Cá cóc sần (Tylototriton Vietnamensis spn) phân bố ở khe suối thuộc núi Ten trên độ cao 1244m đặc biệt quý hiếm có khả năng tự liền chân, tay và liền đuôi sau một thời gian bị đứt.

Vườn quốc gia Xuân Sơn còn có giống gà bản địa mà mới nghe qua tưởng như chỉ gặp trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh đó chính là giống "Gà chín cựa" mà người dân thường sùng kính gọi với cái tên "Gà chúa". Giống gà này tập trung nhiều nhất ở xóm Cỏi.

Du lịch giải trí, sức khỏe và du lịch nghỉ dưỡng

Do tính chất của loại hình du lịch giải trí, sức khỏe luôn gắn kết với điều kiện khí hậu, cảnh quan môi trường nên có thể nói Vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi có điều kiện khí hậu và cảnh quan khá lí tưởng thuận lợi cho sự phát triển của loại hình du lịch này. Ngoài ra trong vườn còn có nhiều loại dược liệu quý hiếm có chức năng bồi bổ, hồi phục sức khỏe cho du khách càng làm tăng thêm sức hút và tăng thêm lợi thế so sánh với các khu du lịch nghỉ dưỡng xung quanh.

Khí hậu ở vườn trong lành, mát mẻ gần giống với khí hậu mùa hè của vùng ôn đới, lại cộng thêm điều kiện cảnh quan yên tĩnh, đẹp, thơ mộng và vẫn giữ được những nét nguyên sơ nhất chưa chịu tác động từ bên ngoài nên sẽ là điều kiện lí tưởng cho du khách muốn nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.

Điều đặc biệt trong khí hậu của Vườn quốc gia Xuân Sơn là trong một ngày du khách sẽ lần lượt cảm nhận được sự thay đổi thời tiết theo 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Buổi sáng mát mẻ trong lành như mùa xuân, buổi trưa ấm áp như mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se se lạnh. Có thể nói đây cũng là một điều khá thú vị.

Khác với du lịch nghỉ dưỡng ở Vườn quốc gia Tam Đảo là do độ cao địa hình quyết định thì tại Vườn quốc gia Xuân Sơn vi khí hậu vùng thung lũng núi đá vôi đã đem đến cho khu vực những đặc điểm khí hậu hết sức thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Không cần phải leo lên những khu vực núi cao nhưng du khách vẫn có thể cảm nhận được sự thoải mái, thư giãn do khí hậu Vườn quốc gia Xuân Sơn mang lại.

Tại Vườn quốc gia Xuân Sơn có nguồn dược liệu rất phong phú (với 665 loài cây lấy thuốc chiếm 54,6% tổng số loài trong Vườn quốc gia) trong đó có rất nhiều cây thuốc quý hiếm như nhân sâm, ý dĩ,...

Tại bản Lạng ở chân núi Ten có nhiều thầy lang nổi tiếng chữa bệnh bằng thuốc nam, cây thuốc được lấy ngay tại Vườn quốc gia và bản Lạng cũng chính là bản duy nhất có số người sống trên 100 tuổi nhiều nhất Phú Thọ. Đây là điều kiện lí tưởng cho du khách đến nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại Vườn quốc gia này.

Như vậy, loại hình du lịch nghỉ dưỡng có nhiều thuận lợi về mặt tự nhiên để phát triển. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này, Vườn quốc gia Xuân Sơn không chỉ chú ý đến việc khai thác triệt để lợi thế so sánh về mặt khí hậu, cảnh quan, dược liệu mà còn phải kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và duy trì các loại thuốc quý đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu của du khách.

Du lịch thể thao

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này, đặc biệt là đặc điểm địa hình phong phú đa dạng tạo thành hệ thống núi rừng trùng điệp, hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn khá phổ biến, những hang động nằm sâu trong rừng heo hút và bí ẩn.

So với các khu vực địa hình khác ở Tây Bắc thì núi ở Vườn quốc gia Xuân Sơn không phải là hệ thống núi cao, hiểm trở. Tuy nhiên điểm khác biệt của địa hình ở đây chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa các ngọn núi với khung cảnh xung quanh. Khi du khách chinh phục được những ngọn núi này sẽ có cảm giác hưng phấn trước sự kết hợp vô tình nhưng vô cùng giá trị của tự nhiên.

Cụ thể ba đỉnh núi cao trên 1000m là núi Ten, Voi, Cẩn trong vùng tạo thành tam giác thiên nhiên hùng vĩ rất thích hợp phát triển loại hình du lịch leo núi. Nối 3 đỉnh núi này sẽ tạo thành một tam giác cân với những cạnh chừng 4,5 km toàn là rừng nguyên sinh. Điều này làm tăng giá trị khám phá khi du khách chinh phục những đỉnh núi ở đây.

Điều đặc biệt trong du lịch mạo hiểm ở Vườn quốc gia Xuân Sơn là du khách vừa có thể leo núi vừa có thể khám phá hệ thống hang động đẹp hùng vĩ hàng đầu tại Việt Nam. Nếu ai ưa mạo hiểm đi xuyên qua những cánh rừng rậm âm u, khám phá những hang động kì bí, hay để chinh phục những ngọn núi cao thì Xuân Sơn cũng là một điểm đến hấp dẫn.

Đáng chú ý trong hệ thống núi đá vôi của Vườn quốc gia Xuân Sơn đã phát hiện được một hệ thống hang động phong phú, đa dạng và độc đáo do thiên nhiên ban tặng. Trong đó có nhiều hang động đẹp có nét hấp dẫn riêng và độc đáo như: hang Lun, hang Lạng.

Hệ thống sông suối, thác ghềnh đã tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, kì thú cho Vườn quốc gia Xuân Sơn. Một số con suối, thác ghềnh mà du khách có thể chiêm ngưỡng: suối Lấp (bản Lấp), suối Thang, nước trong và lấp lánh, các thác nước như thác lưng trời… nhiều thác có độ cao trên 50m che phủ những hang hốc đá hòa quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Đây cũng là những điểm ngoạn cảnh khá hấp dẫn đối với du khách.

Du lịch chuyên đề

Đối với Vườn quốc gia Xuân Sơn ngoài ưu thế về bản sắc văn hóa của các dân tộc sống trong khu vực vườn thì ưu thế về mặt tự nhiên là ưu thế nổi trội hơn cả. Để phát triển loại hình du lịch này ở vườn có thể kể đến ưu thế về sự đa dạng, quý hiếm của các loài động thực vật, ưu thế về cảnh quan khu vực núi đá vôi, ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, huyền bí,…

Vì vậy, tuy mới được thành lập nhưng loại hình du lịch chuyên đề ở đây hiện nay khá phát triển. Vườn quốc gia Xuân Sơn đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu khoa học, nhất là các nhà khoa học về nông lâm, các nhà nghiên cứu hang động đến đây học tập, khám phá và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ du khách đặc biệt này không chỉ khoanh vùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà bao gồm sinh viên các trường trong miền Bắc, các nhà nghiên cứu trên cả nước, thậm chí là cả nước ngoài.

Du lịch trekking (đi bộ - khám phá)

Ở Vườn quốc gia Xuân Sơn việc xây dựng các tuyến du lịch đi bộ - khám phá dựa trên những giá trị về tự nhiên và xã hội rất thuận lợi và vô cùng có ý nghĩa, nhất là khi kết hợp đồng thời giữa khám phá tự nhiên và tìm hiểu giá trị nhân văn địa bàn tham quan. Khi loại du lịch này phát triển không những giúp bảo tồn các giá trị về mặt cảnh quan tự nhiên mà còn giúp lưu giữ và phát huy những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân bản địa.

Thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Sơn kì vĩ với những cánh rừng nguyên sinh nhiều tầng tán âm u và hoang dã, xen vào đó là bản làng của những dân tộc ít người trong rừng là điều kiện lí thú để du khách có thể đi bộ tham quan khám phá rừng, khám phá tự nhiên lại có thể khám phá tìm hiểu những nét độc đáo trong đời sống của dân cư bản địa. Điều này tạo nên sự khác lạ, kích thích du khách tham quan tìm hiểu Vườn quốc gia.

Thiên nhiên và con người trong Vườn quốc gia Xuân Sơn như hòa làm một tất cả đều như nguyên sơ chưa bị tác động nhiều từ bên ngoài. Núi rừng cây cỏ, chim muông, suối thác, con người hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh hữu tình… Có thể nói Vườn quốc gia Xuân Sơn có nhiều nét độc đáo về tự nhiên như: núi rừng trùng điệp, nhiều suối thác hang động đẹp, hệ sinh thái rừng còn nguyên sinh với cấu trúc tầng tán và những loài động thực vật đặc trưng kết hợp với các bản làng điển hình là ở xóm Cỏi, xóm Dù, xóm Lạng. Văn hóa được kết tinh từ nền văn minh nông nghiệp cổ với những người dân phúc hậu, thân thiện, hiếu khách, còn giữ được nhiều phong tục, tập quán và những kho tàng văn hóa bản địa độc đáo như: tục cạy cửa ngủ thăm của người Dao, những điệu múa độc đáo của dân tộc Mường, dân tộc Dao, tục giật tóc tìm bạn tình ở xóm Cỏi, lễ Lập Tịch, ăn những món ăn mới lạ của đồng bào...

Đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn ban ngày du khách có thể dạo bộ thả mình vào với thiên nhiên để tìm và cảm nhận được cảm giác thư thái do thiên nhiên mang nhiều nét hấp dẫn và kì thú. Ban đêm, du khách được sống với những dân tộc ít người, hòa mình vào những điệu múa, những lễ hội hay phong tục tập quán để có thể cảm nhận rõ nét nhất những giá trị trong đời sống văn hóa của họ.

Hệ thống hang động trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Hệ thống hang động trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Giải pháp khai thác, bảo vệ đa dạng sinh học phục vụ phát triển các loại hình du lịch ở Vườn quốc gia Xuân Sơn

Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ các đặc điểm tự nhiên, ĐDSH, tổ chức tham quan du lịch tại vườn.

Để ngăn chặn những kẻ phá rừng hai hạt kiểm lâm Thanh Sơn và Xuân Sơn đã đặt ba trạm gác rừng ở thế hiểm yếu của đường bộ, đường sông là: trạm Cọ (Minh Đài), trạm Dù, trạm Lạng (Xuân Sơn), trạm Vèo (Kiệt Sơn).

Hiện nay, để tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong vùng lõi và vùng đệm, cần thiết phải tăng cường biên chế, tăng cường đào tạo, đồng thời thu hút lực lượng nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, bảo vệ ĐDSH của vườn. Người dân tham gia nhiều lĩnh vực như hợp đồng bảo vệ rừng, trồng rừng đạt hiệu quả tốt.

Phân chia các phân khu chức năng

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng, cảnh quan và các tài nguyên sinh học, di tích lịch sử của phân khu; Thực hiện các nghiên cứu khoa học về rừng về động thực vật rừng, về địa lý, về cảnh quạn, khí hậu thủy văn, theo các chương trình đã đề ra của Vườn quốc gia; Giáo dục và đào tạo về bảo tồn thiên nhiên; Thực hiện tham quan và du lịch sinh thái.

Phân khu phục hồi sinh thái: Bảo vệ toàn bộ tài nguyên rừng, đất rừng, cảnh quan, các tài nguyên sinh học và di tích lịch sử của phân khu; Phục hồi các diện tích rừng đã bị suy thoái vì tác động của con người bằng biện pháp khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng; Thực hiện nghiên cứu về lâm sinh, động vật, thực vật, địa chất, thủy văn… Tổ chức tham quan du lịch sinh thái.

Phân khu hành chính dịch vụ: Phân khu này đảm bảo đủ chức năng của trụ sở ban quản lý Vườn quốc gia, là trung tâm chỉ đạo các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khoa học, tổ chức dịch vụ du lịch, các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và tuyên truyền giáo dục trong khu vực.

Vùng đệm: Là vành đai bảo vệ, là hàng rào chắn phòng hộ cho Vườn quốc gia; Vùng đệm kết hợp với Vườn quốc gia nâng cao đời sống của nhân dân, sử dụng đất đai và tài nguyên một cách hợp lý và bền vững, phục hồi lại hệ sinh thái, tạo các điều kiện thuận lợi về kinh tế cho địa phương nhằm giảm áp lực vào Vườn quốc gia; Vườn quốc gia có trách nhiệm phối hợp với chính quyền vùng đệm nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, trợ giúp cán bộ kỹ thuật, đào tạo giáo dục về sử dụng đất, bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Vườn quốc gia cần tạo cơ hội thu hút các dự án đầu tư để phát triển kinh tế vùng đệm.

Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các khu dân cư trong Vườn quốc gia nhằm giảm áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên của vườn

Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, dự án phát triển cây lương thực đảm bảo an ninh lương thực cho vùng đệm; dự án trồng cây rau sắng; dự án giao đất giao rừng cho nhân dân, cho phép cộng đồng người dân tham gia vào việc khai thác, sử dụng hợp lý và có trách nhiệm bảo vệ các nguồn lợi của rừng...

Tuy mới được triển khai nhưng các dự án này đã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc xóa đói nghèo cho nhân dân và thu hút người dân vào công tác bảo vệ rừng và các tài nguyên rừng.

Giải pháp xây dựng Vườn quốc gia thành Khu du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ

Tiến hành phân chia các phân khu du lịch trong vườn:

- Khu Du lịch sinh cảnh (Vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn):

- Khu đô thị Du lịch dịch vụ thương mại Thạch Kiệt - Tân Phú:

- Khu đô thị Du lịch văn hóa, thể thao Minh Đài - Văn Luông:

- Khu trang trại và nuôi thả động vật bán hoang dã:

Huy động mọi nguồn vốn từ tích lũy trong tỉnh, vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn đầu tư trong nước thông qua các dự án đầu tư, nguồn vốn từ các doanh nghiệp và trong dân cư để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phục vụ du khách.

Đầu tư phát triển và đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho vườn.

Giải pháp tăng cường tính chất khác biệt tạo sức hấp dẫn cho khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn

Điểm nhấn trọng yếu trong từng khu chức năng: Khu Du lịch sinh cảnh (Vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn); Khu đô thị Du lịch dịch vụ thương mại Thạch Kiệt - Tân Phú; Khu đô thị Du lịch văn hóa, thể thao Minh Đài - Văn Luông; Khu trang trại và nuôi thả động vật bán hoang dã.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Giải pháp liên kết không gian du lịch để tạo ra các tuyến, các tour du lịch hấp dẫn du khách

Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn. Là cửa ngõ giữa Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Phía Tây Nam là Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Canh và thủy điện Hòa Bình. Phía Tây bắc giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa và Thủy điện Sơn La. Phía Đông Bắc là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Phía Đông Nam là Khu du lịch nước khoáng Thanh Thủy.

Như vậy, Xuân Sơn nằm trong vùng phát triển kinh tế, du lịch của khu vực Đông Bắc và Tây Bắc. Ngoài ra Vườn quốc gia Xuân Sơn còn nằm trên tuyến đường quốc lộ 32 từ Hà Nội đi các tỉnh vùng núi Tây Bắc nên khả năng thu hút du khách trên tuyến này rất khả quan.

So với các Vườn quốc gia khác ở phía Bắc: Ba Bể (Bắc Kạn), Hoàng Liên (Lào Cai), Cát Bà (Hải Phòng), Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cúc Phương (Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình), Vườn quốc gia Xuân Sơn có nhiều ưu thế như:

Có những khoảng giãn cách hợp lý đối với các trung tâm đô thị lớn, các khu du lịch; với bán kính tới Thủ đô Hà Nội khoảng 92km, Khu du lịch nước khoáng Thanh Thủy khoảng 32km, Khu du lịch Đồng Mô khoảng 55km, Khu du lịch Suối Hai khoảng 44km, Khu di tích lịch sử Đền Hùng khoảng 47km, Nhà máy thủy điện Hòa Bình khoảng 50km.

Có khả năng kết hợp kết hợp du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa và gắn với du lịch tâm linh của tỉnh Phú Thọ.

Vườn có tính đa dạng cao để phát triển du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển kinh tế dân sinh, kinh tế xã hội văn hóa vùng núi, phát triển du lịch.

Như vậy, có rất nhiều những giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả và bảo vệ tự nhiên phục vụ phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Xuân Sơn. Nếu các giải pháp này được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả sẽ không những giúp bảo vệ tốt các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học mà còn khai thác, phát huy được các giá trị du lịch tại Vườn quốc gia này

Để phát triển, Vườn quốc gia Xuân Sơn cần tập trung vào các giải pháp chính đó là: kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý; phân khu chức năng; giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các khu dân cư trong Vườn quốc gia nhằm giảm áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên của vườn; giải pháp xây dựng Vườn quốc gia Xuân Sơn thành Khu du lịch trọng điểm, thu hút mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; giải pháp tăng cường tính chất khác biệt để tạo sức hấp dẫn cho khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; giải pháp liên kết không gian du lịch để tạo ra các tuyến, các tour du lịch hấp dẫn…

Tất cả các giải pháp trên đều dựa trên quan điểm bền vững vừa bảo vệ đặc điểm tự nhiên và đa dạng sinh học vừa là giải pháp phát triển du lịch có hiệu quả.

Nguồn: Tạp chí Dạy và Học

Ngô Ngọc Tuyên - Vũ Thanh Mai

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vuon-quoc-gia-xuan-son-tiem-nang-phat-trien-du-lich-mua-he-vuot-troi-17924060613020292.htm