Vườn xuân, gái xoan đang xuân

Có lẽ trước năm 1945, Nguyễn Bính vẫn là thi sĩ 'chân quê' có cảm hứng sáng tác về mùa xuân nhiều nhất. Đến nay, ca khúc 'Gái xuân' do Từ Vũ phổ từ thơ của ông, chỉ cần nghe nhắc đến, lập tức vọng về trong trí nhớ những cung réo rắt: 'Em như cô gái hãy còn xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần'. Đây là một ca khúc hay.

Điều này cho thấy, nếu một ca khúc mà giữa người nhạc sĩ và người nghe cùng đồng cảm thì đó là sự thành công. Tâm đắc và đồng cảm ở đây còn là ca từ, nhất là thơ phổ nhạc, ở đó đạt đến hài hòa, ưng ý giữa thơ và nhạc.

Mở đầu ca khúc/ bài thơ "Gái xuân", tác giả cho biết, cô ấy "Trong trắng thân chưa lấm bụi trần". Chọn lấy cách nói này, thông qua "bụi trần" vốn là từ quen thuộc trong thơ cổ điển, ít nhiều cho thấy sự giao thoa, tiếp nối mà Thơ mới không đứt đoạn với truyền thống.

Từ "bụi trần" không những kết vần với "xuân" còn ý nói là trong sạch, tinh khôi chưa hề vấy bụi bẩn trên đời, nghĩa rộng còn là từ dùng để chỉ "cõi đời/ cõi trần" - như ta từng gặp trong câu thơ truyện nôm Quan Âm: "Còn chen vào đám bụi trần làm chi", tức là cô gái còn ngây thơ, trinh tiết, chưa biết mùi đời. Có thể nói, "bụi trần" được sử dụng chỉn chu dành cho Gái xuân khiến ngay lập tức người nghe nghĩ đến cô gái ấy còn mơn mởn xuân xanh, tươi trẻ.

Thế nhưng thật "cao cơ" khi Nguyễn Bính không hề dùng đến từ "trẻ/ trẻ trung" nhưng người nghe/ đọc vẫn biết là trẻ. Nói như thế, hoàn toàn không suy diễn chủ quan mà "nói có sách, mách có chứng". Theo “Hán-Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng, xuân có nhiều nghĩa, trong đó, "Xuân hoa: Hoa nở về mùa xuân. Chỉ người con gái đẹp lúc đang còn tuổi trẻ; Xuân lan: Đóa hoa lan mùa xuân, chỉ vẽ đẹp cao quý rực rỡ của người con gái" v.v…

Vậy xin hỏi hoàn cảnh cụ thể của cô gái này thế nào? Xin thưa, chính là xuân nữ, là "người con gái dậy thì, tới tuổi lấy chồng", do đó, mới có câu "Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng". Đã hiểu xuân theo nhiều nghĩa, vì thế tác giả mới mới nhấn mạnh trong "Gái xuân" cả thẩy 9 từ xuân, kể cả nhan đề của bài thơ.

Tuy nhiên, cũng là xuân nhưng tùy ngữ cảnh, xuân được hiểu sang nghĩa khác, chứ không nhằm chỉ cô gái trẻ. "Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở"; "Đêm xuân cô ngủ có buồn không" thì xuân này lại là mùa xuân - mùa mở đầu trong một năm. Không những thế, "Đôi tám xuân đi trên mái tóc" thì xuân này lại là thời gian, cụ thể "Chỉ về một năm, vì một năm có một mùa xuân" như từ điển nêu trên giải thích. Vì lẽ đó, câu thơ câu thơ nối theo, kết thúc bài thơ mới là câu hỏi: "Đêm xuân cô ngủ có buồn không?".

Có thể nói, các từ xuân trong ca khúc/ bài thơ này gợi mở cho người tiếp nhận nhiều thông tin khác nhau. Và, đó cũng là lý do, ngoài giai điệu, ca từ trong ca khúc “Gái xuân” còn tạo nên mỹ cảm khiến nhiều người yêu thích là vậy. Vì yêu thích, do đó, không phải ngẫu nhiên khi chúng cùng liên tưởng đến câu thơ trong “Truyện Kiều”: "Vườn xuân một cửa để bia muôn đời". Với áng văn trác tuyệt xâu chuỗi 3.254 viên ngọc toàn bích, lúc đọc đến câu thơ này, trăm người như một đều thở phào nhẹ nhõm, mừng cho Thúy Kiều được đoàn tụ, sum họp một nhà. Kết thúc "có hậu" vốn là ước mơ trong truyền thống văn hóa người Việt hàng ngàn năm nay. Cuối cùng, dù thế nào, dù đã trải qua biết bao sóng gió nhưng rồi mọi việc vẫn tốt đẹp, vẹn toàn, vẫn xuân. Không phải ngẫu nhiên, từ xuân trong tiếng Việt dù sử dụng chung với từ khác cũng đều mang sắc thái tích cực tươi vui, mới mẻ, hanh thông v.v…

Với câu thơ Kiều, thử hỏi "vườn xuân" là gì?

Liệu chừng có phải là chỉ khu vườn cụ thể như trong bài thơ "Vườn xuân" của nhà thơ Nguyễn Bính? Lúc ấy: "Vườn tôi đầy cả gió xuân sang", tất nhiên không thể thiếu hoa, do đó, xưa nay mới có "hội hoa xuân" với muôn hồng nghìn tía khoe sắc: "Hoa có bao nhiêu nở hết rồi/ Như đoàn cung nữ hé môi tươi/ Và trong từng cánh, trong từng cánh/ Những hạt mưa hiền lấm tấm rơi...". Ngoài nghĩa này, "vườn xuân" còn là từ dùng để chỉ cảnh gia đình êm ấm, phúc lộc đề huề… Thi hào Nguyễn Du rất chu đáo khi còn dùng từ "cửa/ một cửa", không phải chỉ cánh cửa nhà, nơi mở/ khép lúc ra/ vào nhà mà chính là dùng để chỉ nơi, chốn; "một cửa" là một nhà.

Lúc đang ở "vườn xuân" dù hiểu theo nghĩa nào vừa giải thích thì con người ta dẫu võng lọng xênh xang, dẫu khố rách áo ôm, dẫu giàu nứt đố đổ vách, dẫu nghèo mạt rệp nhưng hễ đến dịp xuân ai ai cũng dào dạt niềm yêu đời: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao niềm vui sống". Ca khúc "Xuân và tuổi trẻ" là một phối hợp tuyệt đẹp giữa Thế Lữ và La Hối, giữa thơ và nhạc. Tất cả hòa quyện nhau để trở thành giai điệu âm vang rạo rực lòng người, luôn đem lại cảm giác tươi mới, khỏe khoắn và lúc nào cất lên tiếng hát, ta cũng phơi phới niềm yêu đời.

Với ca từ "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới", ta có thể phân vân, sao lại là "đời"? Thông thường ta chỉ nói ngày xuân, mùa xuân vì ai cũng biết trong một năm thì xuân có mùa, có tháng tức là nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Vậy, sử dụng từ đời/ đời xuân, e rằng có gì đó không hợp lý chăng? "Đời: Khoảng thời gian tính từ lúc sinh ra đến lúc chết của một sinh vật" (Đại từ điển tiếng Việt, 1999). Hiểu theo nghĩa này, ta thấy đây là một diễn đạt mới mẻ nhằm thoát ra ngoài cách nói đã quen thuộc khiến ca từ mới hẳn lên mà vẫn biểu cảm, rõ nghĩa, càng thấy sự uyển chuyển, tinh tế của tiếng Việt.

Trong ca khúc này, sự tài tình còn là lúc "Ngày muốn luôn luôn cười với hoa". Vô lý quá, "ngày" là chỉ khoảng thời gian từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, thế thì, làm sao nó có thể cười với hoa? Đồ rằng, phải là "người" mới hợp lý chăng? Không đâu, cấu trúc của câu này, khi đọc/ nghe ta đã thấy tác giả cố tình không lặp chủ ngữ lần nữa, bởi câu trước đã là "Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng". Thế thì, ở câu nối tiếp vừa nêu trên đã được ngầm hiểu. Mà, thú vị nữa, "ngày" ở đây do kết nối với "luôn luôn" tức là không chỉ ngày/ một ngày cụ thể mà chính "ngày ngày" luôn được cười với hoa, tức sự việc lặp đi lặp lại.

Thêm ấn tượng nữa, còn là câu "Xuân thắm tươi én tung bay cao tít trời". Từ "tít" rất đắc địa khi nói về mức xa thăm thẳm, hút tầm mắt, nhìn không thấy rõ nữa mà khó có từ nào "cạnh tranh" nổi. Trước đó, Tản Đà đã sử dụng "Cái hạc bay lên vút tận trời" đã cực hay, thế nhưng ở đây Thế Lữ không lặp lại mà chọn cách nói khác.

Trở lại với câu mở đầu, "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới", giải thích như vừa nêu trên là đúng nhưng vẫn chưa đủ. Vẫn còn có thêm một cách hiểu khác nữa, theo tôi mới thật sự độc đáo, đó là từ "xuân" trong "đời xuân mới" còn đóng vai trò tính từ nữa, chứ không chỉ danh từ là nhằm chỉ sắc thái của "đời". Rằng, cuộc đời này từ nay đã xuân là hiểu theo nghĩa tính từ mà “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích: "Nghĩa rộng: nói về lúc trẻ; nghĩa bóng: nói về sự tình ái". Tương tự cách đặt từ "đời" này cũng nằm trong trường hợp của chuỗi từ mà Khái Hưng và Nhất Linh đã chọn cho tiểu thuyết “Đời mưa gió”. Đời có nhiều nghĩa, trong ngữ cảnh này chính là hiểu theo nghĩa "sự sống xã hội của con người: yêu đời, chán đời…" (Đại từ điển tiếng Việt). Chưa hết đâu, vẫn còn có thêm điều hết sức thú vị trong Việt, đôi khi ta vẫn biết là xuân dù hề nhắc đến. Thí dụ, ca dao có câu:

Trai ba mươi tuổi đương xoan

Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

"Xoan" nghĩa là gì? “Việt Nam tự điển” (1931) cho biết, "Xoan: Loài cây gỗ đắng, mùa rét không có lá, thường dùng làm nhà", còn có tên gọi khác là sầu đông, thầu đâu… Lấy lá của nó bỏ vào chum đựng ngũ cốc thì tránh được mọt, hoặc dùng nấu nước tắm chữa ghẻ cho gia súc; hình thù của trái dùng chỉ khuôn mặt thanh tú như "mặt trái xoan". Xoan, còn đồng âm với từ để chỉ mù mù lòa như xẩm xoan… Trong Nam có các từ "quân xoan", "phường xoan" chỉ người mù đi ăn xin. Thế thì, các nghĩa này không thể sử dụng trong trường hợp "trai đương xoan".

Tôi đồ rằng, phải viết "xoang" mới đúng chính tả chăng?

"Xoang" nghĩa là điệu đàn, điệu hát, đánh đàn, gẩy đàn. Ta có thể tìm thấy dấu vết của nó: "Rượu một bầu, thơ một túi, cờ một cuộc, cầm một xoang/ Khi đắc ý ngất trên, lừa cười ha hả" (Nguyễn Công Trứ), "Tiêu đâu rủ phượng véo von/ Một xoang như gọi nước non mấy niềm" (Hoa Tiên)… Ngày trước, trong Nam dùng từ xoang còn có nghĩa như đụng nhằm, tuông nhầm, mắc phải, khi nói xoang bệnh là mắc bệnh, xoang qua là đi gần một bên, xớt qua - “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết. Hiểu "trai đương xoan" theo các nghĩa này cũng vô lý nốt vì làm sao "đối trọng" với gái "đã toan về già"?

Rõ ràng, chỉ có thể là "xoan", chứ không thể "xoang", vậy, có phải là "soan"? Thế nhưng, hỡi ôi, trong từ điển tiếng Việt không có từ soan.

Qua phân tích, ta có thể quả quyết chắc nịch "xoan" chính là "xuân", nếu thế tại sao lại có từ điển không ghi nhận? Đơn giản "xoan" là nói trại của "xuân" có tính cách vùng miền, cụ thể là ở vùng đất Tổ Phú Thọ. Từ năm 1957, khi khảo sát “Hát xoan - dân ca lễ nghi và phong tục” (Viện Âm nhạc và NXB Âm Nhạc - 1997), PGS Tú Ngọc phân tích rành rẽ: "Theo tục lệ xưa, một số đình làng, đền thờ các vị thành hoàng nếu có tên là Xuân như Thánh mẫu Lê Xuân Lan ở Hương Nộn, Thánh mẫu Xuân Dung ở Hữu Bổ… để khỏi phạm húy, trong các lời ca câu hát, tên gọi bài bản từ "xuân" phải đổi thành từ "xoan" (tr.11). Thí dụ: "Xoan thời cách hơi dương đầm ấm/ Lặp thiều quang thời tiết xoay vần/ Mừng thấy tin xoan mới đến/ Oanh én tin truyền…". Lối hát xuân/ ca xuân nói chệch thành hát xoan/ ca xoan được sử dụng trong nghi lễ - phong tục, lễ hội mừng xuân tại đình làng xã ở Bắc Bộ.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/vuon-xuan-gai-xoan-dang-xuan-i756196/