Vướng mặt bằng, cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình phải thi công 'nhảy cóc'
Dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình dài 126km, trên tuyến cơ bản các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để nhà thầu bứt tốc trong mùa khô năm nay.
Nhiều công trình, nhà cửa án ngữ trên tuyến chính
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Tuấn - cán bộ Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh – Cam Lộ) cho biết, dự án Vạn Ninh – Cam Lộ qua địa bàn huyện Lệ Thủy có tổng chiều dài 31km.
Hiện tại, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khoảng 30,8km. Phần còn lại là mặt bằng "xôi đỗ", vướng rất nhiều công trình, nhà cửa của người dân chưa chịu di dời.
"Thời tiết ở Quảng Bình đang bước vào mùa khô. Đây là thời điểm vàng để chúng tôi tăng tốc trước khi mùa mưa kéo đến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trên tuyến chính dự án vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận dẫn đến việc thi công vô cùng khó khăn", ông Tuấn nói.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, đến ngày 13/7, huyện này đã bàn giao cho Ban Quản lý Hồ Chí Minh 31,343km/31,952km đạt 98,09%.
Trong số 609m chưa bàn giao (qua các xã Trường Thủy, Lệ Ninh và Phú Thủy), ngoài các vướng mức do người dân chưa chịu nhận tiền bàn giao mặt bằng, còn có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: đường điện hạ thế, trung thế, trạm BTS, hệ thống cáp viễn thông... chưa được di dời.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy, hầu hết các trường hợp này không đồng ý với đơn giá bồi thường được phê duyệt nên địa phương sẽ tiếp tục vận động, giải thích. Nếu người dân không đồng thuận thì lập kế hoạch bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế.
Tận lực hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân đến mức tối đa
Tại dự án Bùng - Vạn Ninh đoạn qua địa bàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng đang được rốt ráo triển khai hơn bao giờ hết.
Sau một thời gian bế tắc trong công tác mặt bằng, theo các nhà thầu thi công, nhờ sự vào cuộc sát sao, cũng như những chỉ đạo nóng tại hiện trường của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, các địa phương nơi đang có dự án đi qua đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp thôn đến huyện, thị thành lập các tổ công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân di dời đến các khu tái định cư.
Các nút thắt tại dự án trước đây khiến nhà thầu "ngồi trên đống lửa" đã được tháo gỡ như: Cầu vượt QL9E, nhà máy sắn, dự án trang trại bò hộ ông Dụng.
Theo đại diện nhà thầu Cienco4, để hỗ trợ tối đa cho địa phương đối với công tác GPMB, nhà thầu phân công từng người cùng các tổ công tác của địa phương đến từng nhà người dân để vận động; cùng đó, bố trí máy móc sẵn sàng thực hiện công tác giải phóng phần mặt bằng còn lại.
"Cơ bản mặt bằng trên tuyến chính do đơn vị đảm nhận thi công đã được bàn giao. Chỉ còn lại 1 số hộ dân chưa bàn giao vì đang chờ nhà mới ở khu tái định xây xong mới bàn giao" vị này nói.
Lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch cho biết, dự án cao tốc qua địa bàn có khối lượng công việc lớn ảnh hưởng đến 794 hộ, trong đó phải bố trí TĐC cho 205 hộ. Ngoài ra, việc xây dựng 6 khu TĐC và 6 khu nghĩa trang cũng mất khá nhiều thời gian, công sức…
"Trên địa bàn huyện chỉ còn một số hộ dân chưa bàn giao vì đang làm nhà tại khu tái định cư. Nhà thầu có hỗ trợ tiền tạm cư nhưng địa phương thuộc vùng nông thôn không có nơi để thuê nhà ở nên người dân xin tạm chưa bàn giao mặt bằng, chờ nhà mới tại khu TĐC ổn định sẽ di dời, tháo dỡ nhà và bàn giao mặt bằng" vị này thông tin.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn Quảng Bình gồm 3 DA thành phần với tổng chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng-Bùng có chiều dài khoảng 42,95km; đoạn Bùng-Vạn Ninh có chiều dài 49,93km và đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 nút giao.