Vương quốc Anh hướng đến nền an sinh công bằng, bền vững
Là một trong những bước cải cách phúc lợi xã hội lớn nhất kể từ năm 1980, Chính phủ Anh gần đây đã công bố dự thảo Luật Tín dụng phổ quát và trợ cấp độc lập cá nhân nhằm củng cố mạng lưới an sinh cho người dễ tổn thương, đồng thời tạo điều kiện để những người có khả năng làm việc có thể vươn lên một cách bền vững.
Tăng cường bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương
Ngày 18/6/2025, Bộ Việc làm và hưu trí Vương quốc Anh trình Quốc hội một dự luật phúc lợi mới với mục tiêu kép: bảo vệ tốt hơn cho người khuyết tật nặng và đưa hệ thống an sinh trở lại quỹ đạo bền vững. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất của dự luật là cam kết không tái đánh giá điều kiện hưởng tín dụng phổ quát (UC) đối với hơn 200.000 người mắc các bệnh tật vĩnh viễn, không có khả năng hồi phục, nhóm được phân loại theo tiêu chí tình trạng bệnh nghiêm trọng (SCC).

Nguồn: Ebusiness
Những người này sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp y tế cao nhất của UC, trị giá 97 Bảng mỗi tuần, và được bảo đảm không bị gián đoạn hỗ trợ tài chính trong tương lai. Quy định mới này được xem là bước tiến nhân văn trong chính sách an sinh của Anh, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với áp lực ngân sách ngày càng gia tăng.
Một thay đổi quan trọng khác liên quan đến trợ cấp PIP (Personal Independence Payment - khoản thanh toán độc lập cá nhân) là quy định mới về tiêu chí đánh giá hoạt động sống hàng ngày. Theo đó, người nộp đơn sẽ phải đạt ít nhất 4 điểm trong ít nhất một hoạt động hàng ngày mới đủ điều kiện nhận PIP. Biện pháp này nhằm làm rõ hơn tiêu chí xét duyệt và hạn chế các trường hợp tranh cãi trong hệ thống.
Đối với những người bị mất quyền lợi do thay đổi này, Chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính trong vòng 13 tuần, gọi là “giai đoạn chuyển tiếp”. Đây là một trong những chính sách chuyển tiếp hào phóng nhất trong lịch sử cải cách phúc lợi của Anh, gấp ba lần thời gian hỗ trợ khi chuyển từ hệ thống DLA sang PIP trước đây. DLA là trợ cấp sinh hoạt cho người khuyết tật, được thiết kế để hỗ trợ chi phí phát sinh do khuyết tật hoặc tình trạng sức khỏe lâu dài. Đây từng là chế độ hỗ trợ chính cho trẻ em và người lớn gặp khó khăn trong sinh hoạt thường nhật hoặc di chuyển.
Ngoài ra, những người bị ảnh hưởng cũng sẽ được tiếp cận các chương trình việc làm cá nhân hóa, nhằm giúp họ xây dựng lại cuộc sống, thích ứng với thay đổi, và không bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực.
Thay đổi trong tư duy
Dự luật mới không chỉ nhấn mạnh bảo vệ người yếu thế, mà còn thúc đẩy chính sách “quyền được thử sức” (Right to try guarantee). Theo đó, người khuyết tật được khuyến khích thử tham gia lao động mà không lo bị tái đánh giá quyền lợi ngay lập tức. Đây là một sự thay đổi tư duy quan trọng: thay vì nhìn người nhận trợ cấp như “bất khả kháng”, Chính phủ đang chuyển sang mô hình “tiềm năng đóng góp”.
Song hành với dự luật là gói hỗ trợ việc làm trị giá 1 tỷ Bảng, với mục tiêu đưa nhiều người hưởng UC quay lại thị trường lao động. Gói hỗ trợ này triển khai 1.000 cố vấn “Pathways to Work” (Đường hướng tới việc làm) trên toàn quốc, giúp người tham gia xác định mục tiêu, nâng cao kỹ năng và tìm việc phù hợp. Những cải cách này được xây dựng dựa trên Sách Trắng "Get Britain Working" (Đưa nước Anh làm việc trở lại), với mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống trung tâm việc làm, trao thêm quyền cho các thị trưởng và lãnh đạo địa phương trong việc giảm tình trạng thất nghiệp, và triển khai Cam kết Thanh niên, bảo đảm mọi người trẻ đều hoặc đang đi học, hoặc có việc làm. Đây là một phần trong tham vọng của Chính phủ nhằm đạt tỷ lệ việc làm 80% trên toàn quốc. Tính đến giữa năm 2025, đã có hơn 500.000 người được hỗ trợ tìm lại việc làm thông qua các chương trình này, theo số liệu từ Bộ Việc làm và hưu trí.
Dự luật cũng sẽ điều chỉnh lại mức hỗ trợ trong UC, bằng cách giảm khoản trợ cấp sức khỏe xuống còn 50 Bảng/tuần đối với các đơn xin mới kể từ tháng 4/2026. Mục tiêu là khắc phục tình trạng hệ thống hiện nay vô tình khuyến khích người dân nhận trợ cấp bệnh tật, khi khoản này hiện đang cao gấp đôi mức hỗ trợ tiêu chuẩn.
Cải cách để thích nghi
Bối cảnh dẫn đến sự ra đời của dự luật lần này là hệ thống phúc lợi ngày càng quá tải và khó kiểm soát. Theo Viện Nghiên cứu tài chính Anh (IFS), chi tiêu cho trợ cấp khuyết tật và mất khả năng lao động đã tăng thêm 20 tỷ Bảng kể từ đại dịch Covid-19, và con số này dự kiến sẽ tăng thêm gần 20 tỷ Bảng nữa vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội này, nâng tổng mức chi lên tới 70 tỷ Bảng mỗi năm.
Sự gia tăng chóng mặt trong số người nhận trợ cấp là minh chứng rõ ràng: số người được nhận PIP mỗi tháng đã tăng từ 13.000 (năm 2019) lên 34.000 vào năm 2023, tức gần 1.000 người mỗi ngày.
Đáng lưu ý, phần lớn sự gia tăng này đến từ các trường hợp bị trầm cảm và lo âu, tăng từ 2.500 người mỗi tháng (2019) lên 8.200 người mỗi tháng (2023). Theo phân tích của The Guardian, phần lớn người trẻ mắc các rối loạn tâm thần đều gặp khó khăn khi tiếp cận với điều trị kịp thời, dẫn tới tình trạng phụ thuộc lâu dài vào trợ cấp.
Không chỉ vậy, gần 1 trong 10 người trong độ tuổi lao động hiện đang nhận một hình thức trợ cấp khuyết tật hoặc mất khả năng làm việc. Nếu không có cải cách, theo dự báo của DWP, số người trong độ tuổi lao động nhận trợ cấp khuyết tật sẽ vượt quá 4,3 triệu người vào cuối thập kỷ này, gấp đôi con số hiện tại.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Việc làm và hưu trí Liz Kendall khẳng định: “Chúng ta đang ở ngã ba đường của hệ thống an sinh xã hội. Nếu không hành động, không những ngân sách quốc gia bị đe dọa, mà chính những người cần hỗ trợ nhất sẽ bị bỏ rơi”.
Những ý kiến trái chiều
Trong khi Chính phủ coi dự luật là bước ngoặt cần thiết, nhiều tổ chức xã hội và nghiệp đoàn lại bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực đến người có tình trạng sức khỏe tâm thần nhẹ hoặc trung bình. Tổ chức Mind UK cảnh báo: “Việc siết điều kiện PIP có thể khiến hàng chục nghìn người rơi vào cảnh nghèo đói mà không có cơ hội chữa trị đúng cách”.
Trong khi đó, Liên minh sức khỏe tâm thần (Mental Health Alliance) cho rằng, dự luật chưa giải quyết tận gốc vấn đề thiếu hụt dịch vụ trị liệu tâm lý công lập, vốn đang khiến hơn 1,2 triệu người xếp hàng chờ điều trị tại Dịch vụ Y tế quốc gia - NHS, theo số liệu của The Independent vào tháng 6/2025.
Về phía cơ quan lập pháp, phản ứng chia rẽ theo đường lối đảng phái. Trong khi Đảng Bảo thủ ủng hộ mạnh mẽ cải cách để kiểm soát chi tiêu và tái hòa nhập lao động, thì Công đảng và Đảng Dân chủ Tự do nhấn mạnh cần tiếp cận “nhân văn hơn” với người có vấn đề sức khỏe tinh thần.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, dự luật có thể được xem là một trong những cải cách sâu rộng nhất trong chính sách an sinh của Anh kể từ thập niên 1980. Với mục tiêu vừa bảo vệ những người không có khả năng làm việc, vừa thúc đẩy những người có khả năng vươn lên, Chính phủ Anh đang cố gắng xây dựng một hệ thống an sinh “công bằng, nhân đạo và bền vững”.
Trong một xã hội già hóa và đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn cầu, hệ thống an sinh quốc gia không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn là thước đo của văn minh và lòng nhân đạo.