Vượt BIDV, Vingroup thành doanh nghiệp lớn thứ 2 sàn chứng khoán

Cổ phiếu VIC tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp, nâng vốn hóa Vingroup lên gần 266.000 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 sàn chứng khoán.

 Nhóm cổ phiếu liên quan tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục dẫn dắt thị trường. Ảnh: VIC.

Nhóm cổ phiếu liên quan tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục dẫn dắt thị trường. Ảnh: VIC.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tuần với tâm lý thận trọng. Dù được tiếp thêm một số thông tin vĩ mô tích cực xoay quanh chính sách thuế quan từ Mỹ, VN-Index vẫn rơi vào trạng thái giằng co.

Dẫu vậy, tình trạng này không kéo dài lâu và được xóa bỏ hoàn toàn trong phiên chiều. Sự chủ động của dòng tiền nhập cuộc cùng xu hướng thoái lui của nguồn cung giúp chỉ số chính tăng cao dễ dàng mà không gặp quá nhiều trở ngại.

Kết phiên, VN-Index tăng 18,98 điểm (+1,55%) lên 1.241,44 điểm; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,78%) lên 215 điểm; UPCoM-Index ngược chiều giảm 1,49 điểm (-1,6%) xuống 91,76 điểm.

So với các phiên mua bán dồn dập của tuần trước, thanh khoản hôm nay ổn định hơn, đạt 26.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Sắc xanh chiếm sóng với 524 mã tăng (gồm 47 mã tăng trần). Song, tình trạng phân hóa không đồng đều khiến bảng điện tử vẫn lác đác một số mã điều chỉnh.

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng có xu hướng tương tự, ghi nhận 16 mã tăng (gồm VIC, VHM và MWG tăng trần), 3 mã giữ tham chiếu và 11 mã giảm. Chỉ số đại diện rổ hồi về mốc 1.325 điểm.

Ba cổ phiếu tăng trần dẫn đầu nhóm kéo VN-Index đi lên, bên cạnh HPG (+4,3%), HVN (tăng trần), MSN (+5%), GAS (+1,9%), DGC (tăng trần), VRE (+4,6%) và BID (+0,7%).

Các cổ phiếu "họ Vin" tiếp tục trở thành trụ cột chính cho cả thị trường hôm nay. Với VIC của Vingroup, đây cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp. Thị giá VIC đóng cửa ở mốc 69.600 đồng/đơn vị, cao nhất trong vòng 20 tháng qua.

Giữa "cơn bão" bán tháo trong tuần vừa rồi, cổ phiếu VIC thể hiện khả năng chống chịu ấn tượng, trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi không bị cuốn vào đợt bán tháo diện rộng.

 Cổ phiếu VIC tiến lên mức cao nhất 20 tháng. Ảnh: TradingView.

Cổ phiếu VIC tiến lên mức cao nhất 20 tháng. Ảnh: TradingView.

Nhờ đà tăng này, vốn hóa của tập đoàn đa ngành đã mở rộng lên gần 266.000 tỷ đồng, củng cố vị trí doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, đồng thời vượt qua BIDV để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 sàn chứng khoán, chỉ xếp sau Vietcombank.

Theo thống kê của Forbes, tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tiếp tục phá kỷ lục khi tiến lên mốc 8,4 tỷ USD, tăng thêm 1,9 tỷ USD so với năm ngoái.

Ngày 24/4 tới đây, Vingroup tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến trình phương án kinh doanh tham vọng với mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 56% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận ròng cũng hướng tới mốc 10.000 tỷ đồng, tăng 90%.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng dự kiến hoàn tất thương vụ niêm yết Vinpearl trên HoSE trong năm nay. Đây là động thái đáng chú ý sau thời gian dài thị trường thiếu vắng các đợt IPO, niêm yết của doanh nghiệp lớn, quy mô tỷ USD.

Sau đợt phát hành hồi tháng 2, vốn điều lệ của Vinpearl hiện ở mức gần 18.000 tỷ đồng. Vinpearl cũng tự định giá vốn hóa ở mức gần 5 tỷ USD. Nếu Vinpearl được niêm yết trên HoSE, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có thêm một công ty tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Khối ngoại cũng gia nhập "cuộc đua" gom cổ phiếu nhà Vingroup với tổng giá trị mua ròng VIC, VHM đạt 235 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm này cũng mua mạnh HPG (300 tỷ đồng) và ACB (+158 tỷ đồng).

Ở chiều bán, các nhà đầu tư nước ngoài duy trì xu hướng chốt lời FPT (-215 tỷ đồng), HCM (-121 tỷ đồng) và VNM (-118 tỷ đồng).

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vuot-bidv-vingroup-thanh-doanh-nghiep-lon-thu-2-san-chung-khoan-post1545801.html