Vượt 'chướng ngại' nhờ dân vận khéo - Bài 1: Không để điểm nghẽn mặt bằng

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại bằng những công trình hạ tầng lớn mọc lên, nên có yêu cầu mới về nhiệm vụ gìn giữ trật tự đô thị.

Để Hà Nội có những tuyến đường hiện đại như đường vành đai 2 trên cao, có nỗ lực rất lớn của công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Hà.

Để Hà Nội có những tuyến đường hiện đại như đường vành đai 2 trên cao, có nỗ lực rất lớn của công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Hà.

Ở nông thôn, đó là sự chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Nhưng những bước phát triển đó luôn gặp “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng, về huy động nguồn lực hay những khó khăn về thói quen, tập quán sinh hoạt. Đây là vấn đề nan giải trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, dân vận khéo chính là chìa khóa để lòng dân đồng thuận, để mọi người chung sức dựng xây.

Hà Nội là nơi “tấc đất, tấc vàng”. Giải phóng mặt bằng luôn là khâu nan giải nhất khiến không ít dự án chậm tiến độ nhiều năm. Trong bối cảnh ấy, vẫn có nhiều “điểm sáng” về công tác dân vận, khiến người dân tự nguyện, tự giác bàn giao mặt bằng mà không phải cưỡng chế.

Lắng nghe và minh bạch

Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đang được lực lượng chức năng thi công nốt những công đoạn cuối cùng để có thể khánh thành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 sắp tới.

Nếu quay lại cách đây vài năm, dự án đã có những lúc tưởng chừng tắc nghẽn không thể thực hiện. Việc mở rộng tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở phải giải phóng mặt bằng hàng ngàn hộ gia đình tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Quận Hai Bà Trưng có nhiệm vụ nặng nề nhất, với hơn 2.300 hộ. Đã vậy, nhiều thửa đất còn có nguồn gốc phức tạp. Hà Nội là thành phố có giá đất thuộc diện cao nhất cả nước. Mặc dù giá bồi thường đã được điều chỉnh nâng lên nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với giá thị trường. Để người dân chấp nhận đền bù, dời đi nơi ở mới không dễ.

Nhưng rồi, khó khăn đó đã được tháo gỡ dần dần, bằng “chìa khóa” dân vận. Công tác đền bù được thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết chế độ, vận dụng những chính sách một cách thỏa đáng với nguyện vọng của nhân dân. Cùng lúc ấy, Mặt trận và các đoàn thể tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hội viên của mình. Muốn “vận” dân “động” thì phải “ba cùng” nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho rằng thực tế đã chứng minh khi cán bộ bám sát địa bàn, gần dân, sát dân sẽ cho kết quả tốt tại từng khâu, từng bước, đảm bảo chính xác trong công tác giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn có nhiều cán bộ chủ chốt tham gia. Các thành viên được Hội đồng phân công rõ người, rõ việc và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình làm việc. Tinh thần chỉ đạo của Hội đồng là tập trung tuyên truyền, đối thoại từ cấp cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không tạo điểm nóng gây mất trật tự an toàn xã hội”. Mặc dù khối lượng GPMB lớn, song quận Hai Bà Trưng lại có ít khiếu kiện và là địa bàn thực hiện tốt giải phóng mặt bằng của thành phố.

Dự án đường vành đai 2 còn đi qua địa bàn phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Đảng ủy phường coi công tác GPMB phục vụ dự án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Các Tổ dân vận đã đẩy mạnh việc vận động, giúp đỡ nhân dân thực hiện giao đất, di dời đúng tiến độ và ổn định cuộc sống ở nơi tái định cư.

Tại quận Hoàng Mai, nhiều dự án GPMB đã tuyên truyền, vận động thành công mà không phải tổ chức cưỡng chế như: Dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - phường Định Công, Khu đô thị phường Thịnh Liệt, Dự án đường Tam Trinh kéo dài… Một trong những tuyến đường tưởng chừng “gai góc” là tuyến đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến Định Công dài hơn 2km.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hoàng Mai Nguyễn Ngọc Trụ nhớ lại: “Tôi và tổ công tác gõ cửa từng gia đình để vận động. Nhiều hộ gia đình là người trẻ thì tác động qua dòng họ, người có uy tín trong khu dân cư để thuyết phục. Qua quá trình vận động có gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Sơn ở phường Định Công đã hiến 400 m2 đất nông nghiệp, không nhận tiền đền bù”.

Sức mạnh từ dân vận khéo

Hà Nội đang trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ. Nhiều công trình hạ tầng lớn được triển khai, nhất là xây mới, mở rộng các tuyến đường. Các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên… hay các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức là những địa bàn phải thực hiện GPMB phục vụ xây dựng hạ tầng với diện tích đất lớn. “Tấc đất, tấc vàng” luôn là thách thức đặt ra khiến nhiều dự án bị đình trệ năm này sang năm khác. Song, có nhiều địa bàn, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã giúp gỡ khó công tác GPMB.

Kinh nghiệm thực hiện dân vận khéo trong GPMB không chỉ nhờ đi sâu, đi sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng nhân dân mà còn ở công tác tổ chức. Trong đó, nổi bật là sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cũng như việc kiện toàn các Tổ Dân vận ở cơ sở.

Tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), 82 hộ dân khu dân cư số 9 phải bàn giao đất xây dựng Trường Tiểu học Chu Văn An và nhà khách Bộ Quốc phòng nhưng công tác vận động gặp không ít gian nan. Tuy nhiên, Tổ Dân vận khu dân cư số 9 đã tham mưu cho chi bộ, vận động người dân đồng thuận mà không phải cưỡng chế bất kỳ một trường hợp nào. Đó chỉ là một trong nhiều thành công của công tác GPMB nhờ dân vận khéo.

Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường, so với các địa phương khác, Tây Hồ có cách làm riêng khi toàn bộ 92 chi bộ khu dân cư có Bí thư chi bộ là Tổ trưởng Tổ Dân vận. Nhờ đó, trách nhiệm của cán bộ cơ sở với công tác dân vận được nâng cao, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Quận Đống Đa, nơi có tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2 phải thực hiện GPMB với số lượng lớn. Để công việc được tiến hành thuận lợi, Ban Dân vận Quận ủy đã làm tốt công tác kiện toàn, củng cố thành viên các “Tổ dân vận” tại các địa bàn dân cư có thực hiện 2 dự án tại các phường: Cát Linh, Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Láng Thượng, Phương Mai và tại các địa bàn có vụ việc tiềm ẩn phức tạp...

Khẳng định những bước chuyển mình trong công tác dân vận trên địa bàn Thủ đô, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, công tác dân vận của thành phố Hà Nội đang từng bước được đổi mới, khắc phục tình trạng hành chính hóa, đi vào cụ thể hơn. Trong công tác dân vận chính quyền, bên cạnh việc chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Dân vận Thành ủy đẩy mạnh giám sát thông qua hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Tập trung giám sát chuyên đề những vấn đề, nội dung “nóng” dễ phát sinh tiêu cực, trong đó có giải phóng mặt bằng… để có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý.

Bài 2: Đẩy lùi rác thải, tạo vẻ đẹp cảnh quan.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vuot-chuong-ngai-nho-dan-van-kheo--bai-1-khong-de-diem-nghen-mat-bang-504562.html