Vượt 'chướng ngại' nhờ dân vận khéo - Bài cuối: Đánh thức nguồn lực cộng đồng

Mười năm trước, những huyện nghèo của Hà Nội nghe đến 'nông thôn mới' thì không khỏi lo lắng. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đòi hỏi nhiều tiêu chí. Trong đó, hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế là những tiêu chí khó nhất. Câu trả lời chính là ở huy động sức dân, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Sức dân làm thay đổi diện mạo huyện Ba Vì.

Sức dân làm thay đổi diện mạo huyện Ba Vì.

Chung sức xây dựng hạ tầng

Huyện Thạch Thất đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2020 và NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn thấy bất ngờ trước thông tin này. Thạch Thất là một trong những huyện nghèo nhất, “lẹt đẹt” nhất của Hà Nội, đồng thời lại có 3 xã miền núi. Năm 2010, khi bắt tay xây dựng NTM, huyện Thạch Thất thu nhập bình quân đầu người lúc bấy giờ của huyện chỉ đạt 13,1 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện chỉ có 3 xã đạt 7/19 tiêu chí, còn lại, chủ yếu đạt 5-6 tiêu chí.

Nhưng bây giờ, đến Thạch Thất, đập vào mắt mỗi người là những con đường nhựa, đường bê-tông sạch sẽ đi vào những ngõ nhỏ, vươn ra tít những cánh đồng. Cũng như một số địa bàn khác, câu hỏi đầu tiên đặt ra khi xây dựng NTM là đầu tư… từ đâu? Câu trả lời chính là kết hợp các nguồn lực thành phố hỗ trợ và huy động nguồn lực từ trong dân.

Xã Cần Kiệm là một trong số ấy. Còn nhớ cách đây 2 năm, ngày “mất đất mở đường” mà người dân xóm Chiến Thắng, thôn Yên Lạc 2 vui như ngày hội. Mọi người ai nấy đều hăng hái đem cuốc xẻng dỡ tường rào, tháo dỡ công trình phụ như bếp, bể nước, sân để… hiến đất. Dỡ công trình xong, mọi người lại cùng nhau chặt cây, san đất, đào mương… Kết quả là một con đường mới dài 700m ra đời, bề ngang 6m, đủ hai ô tô tránh nhau. Con đường mà trước đây “trong mơ” cũng không dám nghĩ. Ấy vậy mà xóm Chiến Thắng có 24 hộ thực hiện hiến đất, tháo dỡ công trình với diện tích hơn 200m2.

Chỉ sau 3 cuộc họp dân, 100% người dân đã nhất trí. Không chỉ hiến đất, đóng góp ngày công, người dân còn ủng hộ tiền để mua nguyên vật liệu. Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ tự hào cho biết: “Các hộ dân đều nhất trí hỗ trợ kinh phí, ngày công lao động để xây dựng nhà ở, công trình và tường bao cho các hộ hiến đất. Cùng với vận động các cá nhân, tập thể chung tay ủng hộ, các thôn xóm đều kêu gọi người dân hỗ trợ kinh phí trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng và đề cao tinh thần tự nguyện”.

Dân vận khéo đã “đánh thức” nguồn lực cộng đồng. Điều đó giúp nhiều vùng quê của Thạch Thất đạt được những bước tiến vững chắc. Tính chung cả 10 năm xây dựng NTM, Thạch Thất đã huy động được 354 tỷ đồng, 357.465 ngày công; 18.146 m2 đất thổ cư; 106.446 m2 đất nông nghiệp từ nguồn đóng góp của nhân dân.

Ba Vì vốn cũng được xem là “bạn đồng hành” của Thạch Thất vì là huyện nghèo. Hơn nữa, Ba Vì lại có địa hình đồi núi, có tới 7 xã dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao. Nhưng cái khó không bó được cái khôn khi cấp ủy, chính quyền, nhân dân chung sức, chung lòng. Xã Minh Quang có địa bàn rộng, gồm 15 thôn, dân cư trong xã gồm 3 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Mường, Dao, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 50%.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động. Khi được thông tin, giải thích một cách đầy đủ, bà con tin tưởng vào chính sách và cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM. Tại Minh Quang, những gia đình hiến vài trăm mét đất để mở đường không phải chuyện hiếm. Cùng với cải tạo hạ tầng, Minh Quang còn tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế, chăm lo đời sống xã hội. Vốn là một xã nghèo, nhưng Minh Quang đã băng băng về đích NTM.

Minh Quang là hình ảnh thu nhỏ của xây dựng NTM trên địa bàn cùng “vùng đất khó” Ba Vì. Là một huyện nghèo nhưng giờ thu nhập bình quân của người dân đạt 53 triệu đồng/người/năm. Năm 2020 này, Ba Vì phấn đấu có 23/30 xã đạt chuẩn NTM.

Đổi mới cách làm ăn

Huyện Mỹ Đức cũng là một trong những địa bàn khó khăn, vừa xa trung tâm, vừa không có những tuyến giao thông quan trọng chạy qua. Nhưng Mỹ Đức từng bước biến nhược điểm thành ưu điểm bằng phát triển kinh tế trang trại. Ở xã Hương Sơn, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân phát triển mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả các loại như nhãn, vải, na, mơ… Ban đầu, người dân cũng ngần ngại khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhưng cán bộ phải đi trước một bước, giải thích, hỗ trợ cho người dân. Kết quả là các thôn Yến Vỹ, Đục Khê, Phú Yên đã phát triển kinh tế trang trại lên tới gần 100ha.

Từ năm 2017, Hội Nông dân xã đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Rau sắng Chùa Hương” và được cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm. Mỹ Đức là vùng đất trũng nên nhiều xã xây dựng các mô hình nuôi ngan, vịt, kết hợp nuôi lợn. Hiện cả 22 xã trên địa bàn huyện đều phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với diện tích gần 810ha. Các trang trại này cho doanh thu 300-900 triệu đồng/ha/năm.

Ở Ba Vì, dân trí một số xã vùng cao còn chưa cao. “Vận” để bà con “động” không phải chuyện dễ. Bởi thế, nên cấp ủy, chính quyền, các tổ chúc đoàn thể trong giai đoạn đầu còn phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hoặc trực tiếp cùng bà con đổi mới cách làm ăn. Bên cạnh đó, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn chú trọng việc hỗ trợ kiến thức, con giống, cây giống… để bà con yên tâm thực hiện chuyển đổi.

Các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… và nhất là Hội Nông dân được phân công chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động làm ăn của bà con các địa phương. Từ năm 2015-2020, riêng Hội Nông dân huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn cho 102.970 lượt cán bộ, hội viên nông dân, tổ chức hội thảo về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hội Nông dân huyện đang duy trì hoạt động của 31 câu lạc bộ phát triển kinh tế với 1.088 thành viên.

Nhiều nông dân thông qua phong trào đã vượt khó, vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình Phùng Thị Thơ, thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì với mô hình trang trại tổng hợp rộng 12 ha trồng 2.500 cây bưởi, 150 nghìn cây dứa, một nghìn cây nhãn, chưa kể rau xanh, chè. Gia đình bà Thơ nuôi hàng nghìn con gà đồi, 300 con lợn rừng; mô hình chăn nuôi gà đồi quy mô 2,5 ha cho lãi từ khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm của gia đình anh Ngô Trọng Hiển, thôn Đông Cao, xã Thụy An, huyện Ba Vì, tận dụng diện tích đất rộng của vùng đồi gò…

Từ chỗ chỉ biết đến sản xuất nhỏ lẻ, tự sản, tự tiêu, nhiều xã trên địa bàn phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa, các sản phẩm có thương hiệu như chè Ba Trại, mật ong Khánh Thượng, thuốc nam Ba Vì…

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Hoạt động dân vận trải rộng khắp các lĩnh vực, từ vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, cho đến phòng, chống tham nhũng, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… Hà Nội là địa bàn đang phát triển hết sức năng động ở cả khu vực nông thôn lẫn đô thị. Nhưng quá trình phát triển, không ít vướng mắc đặt ra. Trong đó, những vấn đề “nóng” nhất phải kể đến là phát triển hạ tầng, phát triển đô thị, xây dựng NTM ở các huyện nghèo. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã thực hiện dân vận khéo là chìa khóa để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất đó, góp phần đưa Hà Nội phát triển văn minh, giàu đẹp.

Phương Liên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vuot-chuong-ngai-nho-dan-van-kheo--bai-cuoi-danh-thuc-nguon-luc-cong-dong-504828.html