Vượt đường xa ôn miễn phí cho trò
Cứ đến trưa thứ 5, khi hoàn thành công việc trong tuần tại trường, cô Đinh Thị Thái Hà lại xách ba lô lên đường đi đến những trường vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, hỗ trợ học sinh vùng khó ôn tập môn Tiếng Anh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Chẳng quản vất vả, đường xa
Năm học 2021 - 2022, giáo dục Hòa Bình cũng như cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Số lượng giáo viên, học sinh dương tính rất nhiều. Dịch bệnh khiến kết quả học tập của học sinh bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã tổ chức cho học sinh thi thử tốt nghiệp THPT lần 1, kết quả điểm môn Tiếng Anh đạt thấp.
Từng 2 lần mắc Covid-19, lại có con trai chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, cô Đinh Thị Thái Hà, giáo viên Trường THPT Lương Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) thấu hiểu nỗi lo lắng của học sinh, phụ huynh và cả lãnh đạo ngành. Quyết định đi đến các trường xa, khó khăn nhất của tỉnh để hỗ trợ ôn tập Tiếng Anh cho học sinh của cô Hà không phải bất ngờ, mà từ những ngày dài trăn trở với khó khăn của toàn ngành trong một năm học ứng phó với dịch bệnh.
“Tôi trực tiếp nhắn tin xin chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT về việc này và được đồng ý. Gần đến kết thúc năm học, tôi tiếp tục đề nghị lần nữa cùng lời hứa vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trường”. Cô Hà kể lại và cho biết điểm đến đầu tiên của cô là Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc), cách nhà khoảng 135 cây số, sau khi nhận được sự động viên khích lệ, ủng hộ của Giám đốc Sở GD&ĐT và Hiệu trưởng Trường THPT Lương Sơn nơi cô đang công tác.
Ngày 16/5, cô Hà đến Mường Chiềng sau khoảng 4 tiếng vất vả vì say xe. Tối đầu tiên nghỉ trong khu tập thể của nhà trường cùng thấp thỏm vì mưa lũ lớn, nhưng sáng hôm sau cô vẫn tràn đầy năng lượng để đứng lớp.
“Ngày 1, thời khóa biểu 4 ca. Đang dạy ca chiều, cô Hường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng vào hỏi: Chị ơi, giúp em thêm ca tối được không? Mình đồng ý luôn và thế là dạy 5 ca: 2 sáng, 2 chiều và tối. Ở đây, học sinh không học tối bao giờ nên việc 96/156 em đi học tối hôm đó là chuyện lạ”. Cô Hà nhớ lại và không giấu được niềm vui khi học sinh ngoan và ngồi nghe cô dạy như nuốt từng chữ, chăm chỉ làm bài. Cảm xúc thực sự vỡ òa khi cho học sinh làm đề thi thử áp dụng kiến thức rất tốt, làm được ngay các câu hỏi nhận biết. Từ đó, các em tự tin hơn, tin cô hơn.
Sau 2 đợt (2 ngày cuối tuần) tăng cường môn Tiếng Anh cho học sinh THPT Mường Chiềng, cô Hà được nhận một đề nghị khác: Lên THPT Mai Châu B, trường xa nhất của huyện Mai Châu, dạy 5 ca/ngày. Cứ thế, tuần nào cũng từ trưa thứ 5 cô Hà lên đường, tối Chủ nhật về nhà để kịp cho công việc tại trường.
Ở các trường lên hỗ trợ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ với học sinh, cô Hà hướng dẫn thầy cô xây dựng đề tham khảo theo ma trận và đặc tả đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đối với các câu hỏi nhận biết. Chỉ khi giáo viên làm được điều này, cô mới chuyển sang sang trường khác. Càng đi, cô Hà càng thương đồng nghiệp, học trò và thấu hiểu được nỗi lo của các lãnh đạo. Càng dạy, cô càng rút được nhiều kinh nghiệm. Bài dạy ngày càng ngắn gọn, rõ, dễ hiểu hơn.
Người truyền lửa
Trong hành trình của cô giáo dạy Tiếng Anh Trường THPT Lương Sơn đã có tên 7 trường thuộc vùng sâu xa trong tỉnh Hòa Bình. “Tôi tiếp tục đi tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp cho đến khi học sinh thi. Còn hai trường THPT Yên Hòa của Đà Bắc và THPT Lũng Vân của Tân Lạc; chưa đến đó mình vẫn chưa yên tâm”. Cô Hà tâm sự và tự tin thấy mình đã làm đúng. Cô cho rằng, chỉ cần có niềm tin, tình yêu và trái tim luôn hướng về học trò thì bất cứ giáo viên nào cũng làm được việc tương tự.
Thể hiện sự cảm kích trước tâm huyết và sự hỗ trợ của cô Đinh Thị Thái Hà, cô Đinh Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Mường Chiềng, cho biết: Trong thời gian hỗ trợ tại nhà trường, cô Hà đã truyền lửa nhiệt tình, tinh thần phục vụ, yêu nghề và năng lượng tích cực đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Sự hỗ trợ của cô rất hữu ích và bước đầu có chuyển biến tích cực.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường THPT Mường Chiềng có 156 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy học, chất lượng giáo dục của nhà trường. Đóng ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đa số học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo (được hưởng chế độ theo Nghị định 116, Nghị định 86, 81 của Chính phủ), một bộ phận phụ huynh học sinh của trường chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của học sinh rất thấp.
Nhà trường có 3 giáo viên giảng dạy bộ môn Tiếng Anh, nhưng chưa đạt chuẩn C1 theo quy định (1 giáo viên đạt B2 và 2 giáo viên đạt B1). Những khó khăn trên khiến hiệu quả và chất lượng ôn thi môn Tiếng Anh năm học trước còn thấp. Sự hỗ trợ của cô Thái Hà là đáng quý, phản hồi của học sinh sau khi được cô ôn tập cũng rất tốt. Ngoài ôn thi cho học sinh, cô còn hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ôn thi và chuyên môn Tiếng Anh đối với nhóm giáo viên của nhà trường” - cô Đinh Thị Thu Hường chia sẻ.
Là giáo viên tâm huyết với nghề, trong năm 2021, cô Đinh Thị Thái Hà cũng dạy học miễn phí bằng hình thức trực tuyến cho học sinh 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thời điểm 2 địa phương này là tâm dịch, nhiều trường có học sinh F0, thầy cô và học trò phải đi cách ly tập trung.
Nhớ lại việc này, cô Hà cho biết: “Sau khi kết nối được với giáo viên Bắc Giang, Bắc Ninh, tôi đã dành cả buổi để truyền lại phương pháp học đã được ứng dụng thành công từ học sinh của mình. Lúc đầu chỉ là chia sẻ với giáo viên được giới thiệu, nhưng sau đó là kết nối với chuyên viên môn ngoại ngữ của Sở GD&ĐT Bắc Giang”.
Buổi chia sẻ online đã thu hút hơn 100 giáo viên tiếng Anh của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tham gia. Từ sự kết nối đó, các giáo viên đã giới thiệu học sinh của mình tham gia vào lớp học miễn phí do cô Hà trực tiếp hướng dẫn. Do số lượng học sinh đăng ký đông không đủ chỗ trong lớp Zoom, cô đã phân chia thành nhiều lớp trong ngày, 6 ngày trong một tuần cho nhiều học sinh khối lớp 12. Nhiều học sinh không vào được lớp nhắn tin bày tỏ sẵn sàng đợi cô dạy xong để học tiếp. Có học sinh ở khu cách ly tập trung không ngủ được vì trời nóng nên liên lạc với cô để học. Thương học trò, có hôm cô dạy đến 3 - 4 giờ sáng, dù hôm sau vẫn phải lên lớp bình thường.
“Trong tâm mình luôn nghĩ, đi là để giúp học sinh vững tin hơn trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT; đồng thời mong muốn truyền cảm hứng để các đồng nghiệp khác giỏi nghiệp vụ sẵn sàng tình nguyện đi hỗ trợ các trường bạn” - cô Thái Hà bày tỏ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vuot-duong-xa-on-mien-phi-cho-tro-post599610.html