Vượt hiểm nguy cứu dân trong lũ dữ

Suốt 3 ngày 3 đêm, Lê Văn Thành, Lê Văn Công, Phạm Văn Đồng và Đậu Văn Hoàng cùng chiếc xuồng nhỏ tả xung hữu đột giữa biển nước lũ chảy xiết, cứu được hàng trăm người dân đang cận kề sinh tử. Tấm gương dũng cảm của các anh đã được UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen, được người dân địa phương biết ơn, khâm phục và yêu mến.

Chiếc xuồng nhôm, dài khoảng 5m, rộng 0,8m, bây giờ nằm hiền lành bên bờ sông Ngàn Mọ. Nó được buộc vào một gốc cây đã bị nước lũ cuốn bật gốc bằng sợi dây thừng. Nếu không ai kể, làm sao biết nó từng chở hàng trăm người dân băng qua lũ cuốn đến nơi an toàn?

Lê Văn Thành sinh năm 1982, trú tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, làm nghề chài lưới trên sông suốt 12 năm nay. Đêm 18-10-2020, nước lũ lên rất nhanh, cả nhà đang ăn cơm thì nghe nhiều tiếng kêu cứu. Thành buông bát, lập tức gọi mấy anh em: Lê Văn Công (em trai anh Thành), Phạm Văn Đồng và Đậu Văn Hoàng. Họ chạy ra bờ sông, lắp máy đuôi tôm, tháo dây thừng đẩy chiếc xuồng nhôm ra giữa dòng nước lũ đang chảy xiết. Phạm Văn Đồng từng là chiến sĩ hải quân, thủy thủ của Tàu 359, Hải đội 131, Lữ đoàn 172, ngồi ở vị trí mũi xuồng làm hoa tiêu. Đậu Văn Hoàng từng là chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, quan sát phát hiện người dân đang lâm nạn (Đồng và Hoàng hiện giờ là chiến sĩ dân quân xã Cẩm Duệ). Còn Lê Văn Thành cầm lái, điều khiển xuồng.

 Nhóm anh Lê Văn Thành (đứng giữa) gặp lại người dân được cứu trong trận lũ vừa qua.

Nhóm anh Lê Văn Thành (đứng giữa) gặp lại người dân được cứu trong trận lũ vừa qua.

Chúng tôi đề nghị các anh kể cho nghe cụ thể, chi tiết từng chuyến xuồng cứu người trong lũ, nhưng các anh đều nói: “Không nhớ được cụ thể chi tiết mô cả. Thấy dân kêu là tìm cách đưa xuồng vào tận nhà, bồng bế người già, con nít lên xuồng chở đến nơi an toàn, rồi lại lập tức quay vào chuyến khác. Chỉ nhớ được rứa thôi, không rõ bao nhiêu chuyến, bao nhiêu người, nhiều lắm”. Những chuyến xuồng trong ngày đầu tiên, các anh chưa có áo phao. Xuồng chở người ra, rồi lại chở mì tôm, nước, lương khô vào tiếp tế cho người dân. Xuồng xé nước băng băng. Gió lạnh, manh áo mỏng phong phanh ướt đầm nước mưa, nước lũ, cả 4 anh đều tím tái, miệng khô ráp, khản cả giọng vì hét gọi người dân: “Có ai trong nhà không, bầy tui vô cứu đây?”. Lê Văn Thành kể:

- Chỉ một câu đó thôi, mà 4 anh em chúng tôi kêu, hét, gọi đến hàng nghìn lần.

Trong đêm tối, ánh đèn pin đã yếu, chập chờn không đủ quan sát. Cột điện, dây điện, cây cối gãy đổ, chìm trong nước chằng chịt. Nhưng không sao, sinh ra và lớn lên tại đây, các anh đã thuộc địa hình, địa vật. Lại có thêm kinh nghiệm đi biển của nguyên chiến sĩ hải quân Phạm Văn Đồng, kinh nghiệm luồn rừng trinh sát của nguyên chiến sĩ Biên phòng Đậu Văn Hoàng, chỉ cần một dấu hiệu vật chuẩn rất nhỏ là các anh đã xác định được ngay vị trí để cho xuồng lách vào cứu dân.

Chiếc xuồng làm bằng loại nhôm rất tốt, theo anh Thành, đó là loại nhôm ghi sân bay phế liệu chiến tranh, vợ chồng anh gom góp 15 triệu đồng đặt mua từ miền Nam cách nay đã sáu, bảy năm, là phương tiện mưu sinh của cả nhà. Mỗi ngày chài lưới, vợ chồng anh kiếm được mớ tôm cá, bán được vài trăm nghìn đồng, đắp đổi qua ngày. Hôm nào may mắn, bắt được chú cá chình thì bán được bảy, tám trăm nghìn đồng. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tịnh cười vui, rồi sau đó, nét mặt đăm chiêu:

- Nhưng lũ đã cuốn mất 200 vàng lưới nhà tui rồi. Tiền mô mà sắm lại đây chớ?

Xuồng băng qua nước lũ sông Ngàn Mọ cứ dâng lên cao mãi, rồi luồn lách vào từng thôn. Cả xã Cẩm Duệ có 12 thôn, thì 10 thôn bị ngập. Xuồng có lúc lướt qua nóc nhà dân mà không hề biết, chỉ thấy lờ mờ qua màu nước lũ, là mái ngói, mái tôn, có khi luồng nước từ động cơ máy đuôi tôm thổi tung lên một đám rơm lẫn rều rác từ cây rơm của nhà ai đó. Nước dâng lên cách nóc nhà ông Lê Văn Nậy chỉ còn nửa mét. Hai ông bà già 74 tuổi leo lên mái nhà ngồi co ro. Xuồng nhôm tiến vào. Ông Nậy không chịu đi theo: “Tui phải ở lại để giữ nhà, giữ lúa”. “Ông ơi còn người thì còn của. Ông không đi nước dâng ngập chết thì của để mần chi?”. Thuyết phục mãi, rồi vợ chồng ông lão cũng chịu lên xuồng, cùng đứa cháu và bà cố hơn 90 tuổi. Xuồng đi ra một đoạn, quay nhìn lại ngôi nhà xiêu vẹo, sóng lũ đánh dềnh lên phủ lấp cả cây rơm cao nghễu nghện. Ông Nậy giờ mới thấy rõ sự nguy hiểm đó, than lên: “Cả đời tui chưa bao giờ thấy lũ kinh hoàng như ri”.

Ở thôn 10, có bà Đức đã già, sống một mình. Nước lũ dâng cao không ai hay biết bà còn sống? Con gái bà Đức gọi điện thoại cho anh Lê Văn Thành, van xin: “Anh Thành ơi, cứu mẹ tui với, rồi... rồi... bao nhiêu... tiền... em cảm ơn anh!”. Lê Văn Thành chuyển cho em trai Lê Văn Công cầm máy lái xuồng. Trong tiếng động cơ và âm thanh nước lũ réo gào, Thành đứng thẳng trên xuồng, sẵng giọng: “Đừng nói chuyện tiền bạc ở đây! Chị cứ bĩnh tĩnh, tui đi lên thôn 2 rồi vòng xuống đón bà Đức”. Để vào được nhà bà Đức rất khó: Có một dòng nước chảy xiết ngang qua trước nhà, thân cây lao vùn vụt, dây điện và cây cối chằng chịt. Thành động viên anh em: “Đã nói với người ta rồi, phải vào bằng được!”. Phạm Văn Đồng nhảy xuống nước bơi vào, ghìm dây định hướng xuồng. Thành khéo léo điều khiển xuồng luồn lách tiếp cận hiên nhà. Bà Đức đang ngồi trên kèo nhà, thấy xuồng thì mừng rỡ: “Ôi chao ôi, đây rồi, đây rồi. Trời ơi! Tui được cứu sống rồi!”.

Có nhiều người dân khi nghe tiếng động cơ máy đuôi tôm ngang qua, liền dỡ ngói mái nhà, nhoi đầu lên, kêu cứu. Thành cho xuồng ghé vào, quan sát thấy nước ngập cao nhưng chưa quá mức nguy hiểm, các anh trao mì tôm, lương khô, rồi động viên: “Để tụi cháu đi cứu người ở nơi nguy cấp hơn đã, ông bà chịu khó đợi chuyến sau nha!”. “Ừ các cháu đi nhanh đi, cứu bà con trước đi, ông bà ở đây đi sau cũng được”.

Lê Văn Thành cảm động, nói với chúng tôi:

- Người dân quê tui rứa đó, đều nghĩ đến người khác trước đã.

Ngày thứ hai, 4 anh em được các anh công an cho mượn 4 chiếc áo phao và được UBND xã Cẩm Duệ cấp xăng. Cứ chạy đi, hết xăng thì về đổ. Chiếc máy đuôi tôm hiệu Honda, công suất 15 mã lực hoạt động liên tục, đi lại như con thoi. Mỗi chuyến chở được 5-6 người. Không ai ghi chép thống kê được tổng số bao nhiêu chuyến, cứu được bao nhiêu người dân. Theo anh Hoàng Đình Bình, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Cẩm Duệ, là khoảng 300 người.

Đêm thứ hai, Lê Văn Công nói: “Anh Thành ạ. Bây giờ ta về cứu vợ con em. Mấy ngày rồi em chưa qua nhà. Chắc nguy rồi”. Nhưng để vào được nhà Lê Văn Công còn khó hơn cả vào nhà bà Đức.

- Tui nhìn nước chảy xiết là biết không thể vào đón em dâu và các cháu được vì nguy cơ lật thuyền rất cao. Nhưng... mình không cứu thì ai cứu? Còn đứa cháu mới 3 tháng tuổi, nó đáng yêu vô cùng-Anh Thành nói.

Và đúng vậy, dù hết sức cẩn trọng, khi bốn anh em đưa xuồng vào gần đến nhà Lê Văn Công thì bị nước xô lật úp. Động cơ rơi xuống nước. Hì hụi vớt xuồng lên xong, còn động cơ 15 mã lực? Lê Văn Thành nhận định: “Nó chưa trôi xa đâu, phải tìm để sửa mà đi cứu dân”. Các anh lặn hụp giữa nước lũ hàng giờ để vớt bằng được động cơ, rồi mang đến cho người bạn làm nghề sửa xe máy khắc phục. Sau này khi lũ rút, một doanh nghiệp tặng anh Thành 5 triệu đồng để mua máy mới. Chị Tịnh cười, nói vui với chúng tôi: “Như máy đó, bây chừ phải 8 triệu”. Rồi chị kể thêm:

- Anh Thành đi cứu dân, tui gọi điện thoại toàn máy bận. Cha già và con trai lớn thì đã sơ tán ra Trường THCS, chỉ còn tui với con trai út hai tuổi rưỡi ở nhà, nước ngập qua lưng cửa. Tui cho cháu ngồi trên bàn, lo thu gom vật dụng đang trôi thì cháu rơi xuống nước. Tui hoảng hồn chạy lên, may mà mò vớt được, ôm con mà khóc thương chồng, thương con...

Chúng tôi bước vào nhà anh Thành, chị Tịnh. Tất cả đều ngập ướt: 5 tạ lúa, ti-vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt, chăn màn, áo quần... Nước lũ xô cát sông Ngàn Mọ đùn lên phủ lấp gần hết. Bây giờ muốn dọn sạch cát thì phải thuê máy, thuê nhân công tốn bao nhiêu tiền...

Vậy mà, khi nhiều người dân Cẩm Duệ được các anh Thành, Công, Đồng, Hoàng cứu khỏi hiểm nguy, cứ âm thầm dúi tiền vào túi áo, túi quần các anh, thì họ đều từ chối, trả lại. Đùn đẩy mãi, anh Thành phải nói: “Các ông, bà, các cô, các chị nếu kiên quyết đưa tiền, thì tui nhận nhưng xin mời các ông các bà lên xuồng tui chở lại chỗ cũ!”.

Con trai lớn của anh Thành, chị Tịnh là Lê Văn Lợi, học sinh lớp 9, Trường THCS Cẩm Duệ, lúc rảnh theo cha chài lưới nên đã biết nghề sông nước. Ngày 19-10, ông ngoại của anh Phạm Văn Đồng (93 tuổi) sống một mình ở xã Cẩm Quan gọi điện kêu cứu. Không còn xuồng máy, bố còn đi cứu người. Cháu Lợi cùng anh Đồng dùng xuồng nhỏ chèo đi... Quãng đường 5km đến nhà ông ngoại vượt qua nước xiết và gió to. Cháu Lợi tuy nhỏ tuổi nhưng chèo xuồng thạo hơn chú, lại còn động viên chú: “Cháu đi sông với bố đánh cá quen rồi, cứ bình tĩnh tạm nấp vào đợi gió lặng ta đi tiếp chú Đồng ạ”. Và hai chú cháu đã tìm và đưa được ông ngoại đang rét run cầm cập đến nơi an toàn.

Trong đợt lũ từ ngày 18 đến ngày 25-10, thời điểm đỉnh lũ cao nhất vào ngày 19-10, toàn huyện Cẩm Xuyên có 150 thôn trong 19 xã, thị trấn bị ngập. Các lực lượng chức năng và người dân đã di dời được 10.900 hộ, hơn 32.000 người đến nơi an toàn; 29 người bị thương, không có người chết do mưa lũ.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/vuot-hiem-nguy-cuu-dan-trong-lu-du-642585