Vượt khó, giữ đà tăng trưởng English Edition

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành Công Thương tỉnh Long An vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Bước sang năm 2022, ngành sẽ tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thu hút phát triển hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng thương mại, hạ tầng điện và các ngành công nghiệp hỗ trợ,... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Nỗ lực bám sát “mục tiêu kép”

Giám đốc Sở Công Thương -
Nguyễn Tuấn Thanh

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cùng với cả nước, tỉnh tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đó là vừa chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) duy trì, phục hồi hoạt động. Qua đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì hoạt động và đạt mức tăng trưởng 1,2% so cùng kỳ, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng.

Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như thức ăn gia súc - thủy sản, sợi tự nhiên, vải dệt thoi, sắt, thép, gạo, túi xách, giày da, điện tử, dệt may,… vẫn duy trì, phát triển tích cực, đóng vai trò chủ lực, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Tuy khó khăn nhưng nhiều DN vẫn vượt khó, đẩy mạnh sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và nhanh chóng khôi phục sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đến nay, gần như 100% DN trên địa bàn đã khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh và Ban Lãnh đạo Cảng Quốc tế Long An kết nối doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu qua cảng

Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm An Long (CCN Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) chuyên ngành sản xuất dầu ăn các loại phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Trong đợt dịch vừa qua, Cty bị ảnh hưởng nhiều nhưng nhanh chóng phục hồi từ cuối tháng 9. Theo Giám đốc điều hành Cty - Lê Đăng Quang, một trong những yếu tố quan trọng giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất là được lãnh đạo tỉnh, ngành Công Thương “tiếp sức”, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, ổn định sản xuất thông qua hỗ trợ đội ngũ công nhân, lao động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sớm.

Điểm sáng đáng ghi nhận khác trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chính quyền tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Sở Công Thương áp dụng "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Sở Công Thương chủ động làm việc với các DN, các kênh phân phối, địa phương, lên các phương án ứng phó với từng mức độ dịch bệnh để kết nối tiêu thụ, tận dụng chuỗi bán lẻ đang có, tạo điểm buôn bán mới để cung cấp, tiêu thụ hàng hóa cho người dân.

Các hoạt động kết nối hàng hóa, xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến, vừa kết nối trực tiếp và trực tuyến cũng được tạo ra nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản. Qua đó, kết nối được nhiều kênh bán hàng, nhiều đối tác mới, phát triển phương thức kinh doanh mới. Điều trân trọng nhất đó là sự chung tay, đồng hành của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong tỉnh, cộng đồng DN, kể cả các DN vận tải, bưu chính, công nghệ và người dân rất sẵn sàng vào cuộc.

Đây là cơ hội lớn, khi tiếp tục phát huy sẽ tạo ra kênh bán hàng mới, không chồng chéo với các kênh hiện tại, tạo nên một dòng chảy thương mại mới. Đây cũng là điểm tựa vững chắc giúp DN tại Long An giảm đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa, dẫn dắt các ngành sản xuất trọng yếu, qua đó ngành bán lẻ giảm thiệt hại.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ngành Công Thương còn được tiếp sức của thương mại điện tử, ngành bán lẻ trở thành "bệ đỡ" cho cả khu vực dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 88.440 tỉ đồng. Năm 2021, Long An còn ghi nhận điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 6 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng 4,95 tỉ USD.

Phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong năm 2022

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, để giúp DN đẩy mạnh phát triển kinh doanh, nhanh chóng phục hồi sau dịch, năm 2022, ngành Công Thương sẽ tập trung nắm chắc tình hình, chủ động đề xuất, phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, CCN, hạ tầng thương mại, hạ tầng điện, chuyển đổi số giúp các DN tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm cho người dân.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, ngành phấn đấu trong năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7%. Dự kiến, các ngành cơ khí, điện tử, thức ăn gia súc; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 ước đạt 100.000 tỉ đồng.

Đồng thời, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 6,4 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5 tỉ USD. Ngành triển khai kế hoạch, thực hiện các giải pháp khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến nông, lâm, thủy sản sau dịch Covid-19; đồng thời, tăng cường xúc tiến, kết nối các DN của tỉnh xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Quốc tế Long An.

Sở Công Thương phối hợp Công ty TNHH San Hà khai trương điểm bán hàng, trưng bày, quảng bá sản phẩm tiêu biểu tỉnh Long An

Sở Công Thương phối hợp Công ty TNHH San Hà khai trương điểm bán hàng, trưng bày, quảng bá sản phẩm tiêu biểu tỉnh Long An

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình hành động của bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bảo đảm tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho DN trong và ngoài nước.

Qua đó, giúp các DN nhỏ và vừa tham gia thực hiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sở cũng rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các phương án phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng, gắn với quy hoạch phát triển KT - XH của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành lĩnh vực khác phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Công Thương.

Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực thương mại và công nghiệp, tạo sự bứt phá trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn. Ngành sẽ cải cách hành chính hơn nữa theo cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành./.

“Để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh doanh, nhanh chóng phục hồi sau dịch, năm 2022, ngành Công Thương sẽ tập trung nắm chắc tình hình, chủ động đề xuất, phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng điện, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm cho người dân.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh

Ph.Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vuot-kho-giu-da-tang-truong-a128607.html