Vượt khó, hoàn thành năm học đặc biệt
Trong muôn vàn khó khăn, thử thách do tác động của đại dịch Covid-19, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đạt nhiều kết quả phấn khởi.Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, năm học 2021 - 2022 được đánh giá là năm học 'đặc biệt', bởi cùng lúc toàn ngành GD-ĐT nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng GD-ĐT. Những khó khăn, thử thách vừa qua được xem là kinh nghiệm quý báu, để toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà có thể vững tin thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ở các năm học tiếp theo.
* Phóng viên (PV): Đâu là những điểm nhấn quan trọng trong năm học 2021 - 2022 của ngành GD-ĐT Tiền Giang, thưa Tiến sĩ?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2021 - 2022 bắt đầu với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với nhiều tỉnh, thành của cả nước, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phải triển khai dạy học trực tuyến.
Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, UBND tỉnh Tiền Giang cũng như ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã kêu gọi sự chung tay giúp sức của các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh có điều kiện tham gia học trực tuyến với mục tiêu không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, từ tháng 11-2021, ngành GD-ĐT tỉnh đã thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, sau đó mở rộng dần các khối lớp trong toàn tỉnh.
Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên, đánh giá cao. Tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp trong thời gian đầu đạt tỷ lệ cao, trên 95% đối với học sinh THPT, khoảng 90% đối với học sinh THCS và 80% đối với tiểu học, trẻ mầm non.
Sau Tết Nguyên đán 2022, Tiền Giang đã từng bước đồng loạt cho học sinh các khối lớp còn lại trở lại trường, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế của tỉnh thực hiện công tác tiêm chủng cho cán bộ, giáo viên và học sinh theo đúng kế hoạch đề ra.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học trong toàn ngành GD-ĐT đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Toàn ngành có 19.139 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục; trong đó có 16.865 giáo viên và 2.274 nhân viên.
Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn đảm bảo theo Nghị quyết 27 ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh Tiền Giang. Đến tháng 6-2022, số trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc học là 320/516 trường, đạt tỷ lệ 62,02%.
Năm học 2021 - 2022, toàn ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 cho năm học 2022 - 2023. Công tác chọn sách giáo khoa cho học sinh khối lớp 3, 7 và 10 được ngành GD-ĐT tỉnh triển khai khẩn trương, nghiêm túc, khách quan. Toàn ngành tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng bậc học giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tạo nhiều lan tỏa tích cực…
Ở bậc tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đối với các lớp 1, 2 và chuẩn bị các điều kiện triển khai ở khối lớp 3.
Về công tác thi cử, trong tháng 6-2022, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, không để xảy ra các sai sót, đảm bảo khách quan và đúng quy chế. Môn Ngữ văn có 81,2% bài thi trên trung bình; Tiếng Anh có 47,4% bài thi trên trung bình và Toán có 53,7% bài thi trên trung bình; có 7 thủ khoa đạt 50 điểm cho ba môn thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Hiện toàn ngành GD-ĐT tỉnh đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào ngày 7 và 8-7 tới đây.
Trong năm học 2021 - 2022, Tiền Giang có 9 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia, trong đó có 1 giải Nhì môn Sinh học, xếp hạng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
* PV: Thưa Tiến sĩ, trong năm học 2021 - 2022, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã gặp phải những khó khăn như thế nào?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác GD-ĐT của tỉnh vẫn gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể như chất lượng giáo dục tuy có nâng lên song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế. Một số phòng học bán kiên cố xuống cấp chưa kịp thời cải tạo, sữa chữa; vấn đề dạy thêm, học thêm chưa được chấn chỉnh như mong muốn...
* PV: Trong thời gian tới, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ đặt ra những giải pháp nào để nâng cao chất lượng GD-ĐT, thưa Tiến sĩ?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong thời gian tới, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:Thứ nhất, tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở GD-ĐT, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 ở các bước tiếp theo, nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cuối cùng là phát huy tốt các nguồn lực góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT.
* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
ĐỖ PHI (thực hiện)