Vượt khó khăn, hướng tới quốc gia số trong tương lai
'Muốn trở thành quốc gia số thì trước hết phải có công dân số' - Đề án 06 của Chính phủ đã hướng tới nội dung đó và từng bước đi vào đời sống với ngày càng nhiều lợi ích thiết thực...
Hiệu quả thiết thực của một Đề án
Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06) chính thức được phê duyệt và triển khai thí điểm tại Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 3-2022.
Không thể phủ nhận tính hiệu quả của đề án trong lĩnh vực cải cách hành chính phục vụ người dân, đặc biệt là dịch vụ công cấp độ 3, 4 đã được đưa vào thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Với hàng trăm dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính thông thường có kết nối Internet, công dân có thể ngồi ở bất cứ đâu, vào bất kỳ thời gian nào để thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu, khai sinh, khai tử, đăng ký thường trú, tạm trú… Thượng tá Nguyễn Thị Linh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho hay, với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hồ sơ được số hóa sẽ giảm áp lực giấy tờ lên các cơ quan Nhà nước, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, phòng tránh và hạn chế được tiêu cực, phiền hà, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính.
Những vướng mắc đầu tiên
Trong quá trình triển khai thực hiện, với những đề án hoàn toàn mới như Đề án 06 gặp không ít khó khăn về các trường thông tin cập nhật hệ thống. Chỉ huy Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) CATP Hà Nội nhìn nhận, chỉ riêng đối với dịch vụ công trong lĩnh vực đơn vị đảm nhiệm đã gặp không ít khó khăn khi cập nhật thông tin công dân để xác thực định danh điện tử. Chẳng hạn đối với giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp của công dân, tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định: “Giấy tờ, tài liệu chứng minh về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có thông tin về nhà ở”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều giấy tờ nhà đất không thể hiện thông tin về nhà ở. Ví dụ như hợp đồng mua bán nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà để bán, có những nội dung thể hiện việc “cho nợ kinh phí để sở hữu trong thời hạn (5 năm, 10 năm...) nếu không trả đủ sẽ chuyển trạng thái nhà thuê” (các dạng nhà ở tái định cư). Các giấy tờ này chưa được cụ thể trong hướng dẫn tiêu chuẩn nhà đất để đăng ký cư trú, gây lúng túng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ xác định giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp tại thời điểm đăng ký cư trú.
Hay quy định về ý kiến đồng ý của chủ hộ tại khoản 5, Điều 10 Luật Cư trú quy định quyền và trách nhiệm của chủ hộ như sau: “Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật này”. Đồng thời, tại Điều 20, Điều 25 Luật Cư trú quy định các trường hợp đăng ký thường trú, tách hộ cần có ý kiến đồng ý của chủ hộ. Đối với các trường hợp thông thường, ý kiến của chủ hộ không có nhiều ý nghĩa thực tế. Nhưng quy định về ý kiến của chủ hộ lại bị lợi dụng để cản trở nguyện vọng đăng ký cư trú đúng pháp luật của công dân trong một số trường hợp như gia đình có mâu thuẫn, công dân hiểu nhầm việc đăng ký cư trú có liên quan tới quyền sở hữu các tài sản (đặc biệt là nhà, đất).
“Để xác thực định danh điện tử, công dân cần phải có sim điên thoại chính chủ để nhận mã OTP khi đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là một khó khăn bởi đơn cử như các em học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên, hay các trường hợp già yếu, dù họ đã có CCCD gắn chíp, mã số định danh công dân, nhưng không phải ai cũng có điện thoại, hoặc bố mẹ các em cũng chỉ có 1 số điện thoại, đặc biệt là những vùng ngoại thành, giáp ranh nội thành, gây khó khăn trong quá trình lập hồ sơ thực hiện xác thực định danh điện tử” - chỉ huy CAQ Bắc Từ Liêm nhìn nhận.
Từng bước giải quyết khó khăn
Qua 3 tháng triển khai thí điểm thực hiện Đề án 06, nếu như thời gian đầu chỉ có lực lượng công an - cơ quan thường trực thực hiện đề án - “đơn thương độc mã” thì đến nay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã khiến đề án được thực hiện một cách trôi chảy hơn. Từ cấp thành phố đến xã, phường đều đã thành lập tổ công tác tuyên truyền vận động thực hiện Đề án 06. UBND các quận, huyện, thị xã đều tổ chức mời báo cáo viên từ Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tập huấn về 5 nhóm tiện ích của đề án để mỗi tuyên truyền viên nhận thức sâu sắc tầm quan trọng việc đưa công nghệ số vào đời sống hàng ngày. Có đơn vị đã mạnh dạn đề xuất việc giúp đỡ công dân thụ hưởng dịch vụ công trực tuyến bằng việc mua sắm thiết bị có kết nối mạng, phục vụ những người chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin (các trường hợp không có thiết bị kết nối Internet).
Cùng với đó, khi các tổ tuyên truyền, giúp việc của Đề án 06 nắm rõ quy trình một mặt hướng dẫn cho công dân, mặt khác nhìn thấy sự tồn tại trong quá trình thực hiện và hàng tuần đều có giao ban chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tập hợp báo cáo lên cơ quan cấp trên để có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn. Cơ quan thường trực thực hiện đề án là Bộ Công an cũng rất công tâm, cầu thị tiếp thu các ý kiến từ cơ sở, từ đó có đề xuất, kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện.
Xã hội ngày càng phát triển văn minh và hiện đại hơn nên việc thí điểm thực hiện Đề án 06 tại Hà Nội và Quảng Ninh thực sự là bước nhảy vọt về cải cách thủ tục hành chính. Những bước đi đầu tiên dù còn có lúc chưa được thông suốt, nhưng với tinh thần cầu thị, lắng nghe, kiên quyết chỉnh sửa những tồn tại, hạn chế, lực lượng Công an sẽ sớm cùng với các ban, bộ, ngành sớm đưa ra những giải pháp cụ thể để từng người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách tích cực từ công nghệ số.