Vượt khó ở những ngôi trường sau sáp nhập
Sau khi sáp nhập 2 cấp học thành trường liên cấp, dù không tránh khỏi những khó khăn nhưng nhiều trường đã vượt khó, đảm bảo chất lượng dạy và học.
Do quy mô học sinh giảm nên năm 2019, huyện Nga Sơn đã sáp nhập hai trường Tiểu học (TH) Nga Văn và trung học cơ sở (THCS) Nga Văn thành Trường TH&THCS Nga Văn. Hiện Trường TH &THCS Nga Văn có gần 600 học sinh.
Bước sang năm thứ 4 sau sáp nhập, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn đó khó khăn đối với ngôi trường này. Sáp nhập, quy mô trường lớp lớn hơn, giảm được 1 hiệu trưởng, giáo viên dạy môn đặc thù ở THCS sẽ dạy được ở cả TH.
Tuy nhiên, trong công tác chuyên môn còn nhiều bất cập. Nếu chương trình của TH với 35 phút/tiết thì THCS là 45 phút/tiết. TH ra chơi thì THCS đang học và ngược lại. Cấp TH đang thiếu 3 giáo viên văn hóa, trong khi đó cấp THCS đang thừa nhưng cũng không thể hỗ trợ vì 2 cấp với đặc thù chuyên môn khác nhau. Riêng người đứng đầu của nhà trường cũng đối diện với một số khó khăn. Hiệu trưởng Trường TH&THCS Nga Văn là cô giáo Nguyễn Thị Hường cho biết: “Tôi phụ trách bậc THCS nên không có chuyên môn ở bậc TH. Nhìn chung, vẫn còn khó trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ 2 cấp học. Do đó, ngay từ lúc sáp nhập phải học hỏi về chuyên môn, dù không chuyên sâu nhưng cũng phải nắm được chương trình TH thế nào để quản lý”.
Khó nhiều hơn thuận đối với một trường liên cấp. Vấn đề đặt ra, phải linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, đảm bảo chất lượng dạy và học. Sắp xếp về đội ngũ, phát huy sức mạnh của các tổ chuyên môn…, đây là những giải pháp cần thiết mà Trường TH&THCS Nga Văn đã thực hiện ngay sau khi sáp nhập. Sự nỗ lực vượt khó, đã mang lại những quả ngọt cho ngôi trường này. Nói về điều này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hường phấn chấn nói: “Chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn có những biến chuyển tích cực. Riêng trong năm học 2021-2022, về giáo dục mũi nhọn, nhà trường có 11 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện các môn văn hóa lớp 6, 7, 8; có 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 26 học sinh đạt giải cấp huyện trong kỳ thi Trạng nguyên Tiếng việt bậc TH. Trong 3 năm liên tục, nhà trường đạt tập thể lao động tiên tiến…”.
Năm 2000, Trường THCS &THPT Thống Nhất (Yên Định) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trường là THCS Thống Nhất và THPT Yên Định 3 (sau này đổi tên thành THCS&THPT Thống Nhất).
Nhớ lại những khó khăn, thầy giáo Vũ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Thống Nhất cho biết: “Cơ sở vật chất của thời điểm mới sáp nhập rất nghèo nàn, trình độ đội ngũ không đồng đều, học sinh với độ tuổi khác nhau nên tâm sinh lý cũng khác nhau, giáo viên THPT có thể dạy THCS còn giáo viên THCS không thể dạy THPT. Trong khi đó, tuyển sinh đầu cấp đối với khối THPT điểm đầu vào thấp so với các trường trong huyện, tỉnh…”.
Ngổn ngang khó khăn, bộn bề trăn trở, thách thức đặt ra lớn. Dù vậy, tập thể lãnh đạo nhà trường cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực để từng bước tháo gỡ khó khăn. Theo đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng. Nhiều năm liên tục, nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tặng Bằng khen. Riêng trong năm học 2021-2022, có hai học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, hàng trăm em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Hiệu trưởng Vũ Văn Thành cho biết thêm: “Trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 và 2021-2022, nhà trường đã có điểm bình quân tăng so với đầu vào vượt 22, 23 bậc, góp vào thành tích chung của ngành giáo dục tỉnh nhà. Đối với giáo viên, nhà trường đã có hàng chục giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh, hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành được cấp trên ghi nhận, khen thưởng…”.
Sáp nhập trường để thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 136 trường TH, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học. Sở GD&ĐT cũng đã hoàn thành việc tham mưu với UBND tỉnh việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường mầm non, TH, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện học tập của Nhân dân, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn: “Ở Nga Sơn có 2 trường liên cấp. Việc sáp nhập cũng không thể tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sáp nhập trường rất được sự đồng thuận của phụ huynh. Thứ nhất, là trường liên cấp thì học sinh không phải đi học xa vì đang cùng xã. Thứ hai, các khoản đóng góp đều quy định của một địa phương nên đã tạo được tiếng nói chung của Nhân dân...”.