Vượt khó vươn lên ở HTX Trái tim hồng
HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt khi hầu hết các thành viên đều là người khuyết tật, để vươn lên hoạt động kinh doanh hiệu quả. HTX đã tạo ra một môi trường làm việc tích cực cho các thành viên, tư đó có thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.
Vốn là một người khuyết tật vận động, thấu hiểu những khó khăn của những người cùng cảnh ngộ khi tiếp cận, tìm kiếm việc làm cũng như hòa nhập cộng đồng, nhiều năm qua, chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng luôn nỗ lực tạo cơ hội và truyền cảm hứng để động viên người khuyết tật không ngừng vươn lên.
Hành trình vượt khó đi lên
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Nga cho biết, năm 2009, chị lập nhóm "Trái tim hồng", tập hợp các bạn khuyết tật trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác.
Sau nhiều nỗ lực, năm 2015, chị Nga tuyên truyền, vận động một số người, phần lớn là người khuyết tật góp vốn, đề nghị UBND huyện cho phép thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, với mục tiêu: thông qua việc tư vấn, huấn luyện, đào tạo, nhằm hỗ trợ những phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, người khuyết tật trên địa bàn huyện và trong khu vực có công ăn, việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng chính thức ra đời vào tháng 2/2015 tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, mở rộng tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút nhiều người khuyết tật đến làm việc và trở thành một tổ chức kinh tế do chính người khuyết tật làm chủ.
Trong đó, trọng điểm của HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng là “Cơ sở sản xuất của người khuyết tật”. Đến nay, HTX có 10 thành viên và 38 lao động thường xuyên, 40 lao động thời vụ, hầu hết là người khuyết tật tại địa phương và một số tỉnh, TP trên cả nước.
“HTX đã trải qua bao khó khăn, thử thách. Nhiều lúc, tôi cũng thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng với tình yêu thương các em cháy bỏng, tôi tự dặn lòng phải kiên trì dẫn dắt nhóm bước tiếp và ngày một phát triển, nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm để người khuyết tật có thể ổn định cuộc sống”, chị Nga chia sẻ.
Nhịp đập hòa hợp để phát triển
Từ năm 2016 đến nay, phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn, HTX Trái tim hồng đã tổ chức gần 15 khóa đào tạo cho hơn 300 người khuyết tật với các ngành nghề thiết thực, phù hợp với sức khỏe, tình trạng tật, khả năng nhận thức của người khuyết tật như: Kỹ năng kinh doanh vừa và nhỏ cho phụ nữ khuyết tật; mở cửa hàng giải khát, cà phê; kỹ thuật đan lát mây - tre - nứa; kỹ thuật trồng cây phát lộc; kỹ thuật sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ; kỹ thuật đan xâu, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ; kỹ năng photocopy - dịch vụ văn phòng phẩm; kỹ thuật may công nghiệp; kỹ thuật trồng nấm; kỹ năng quản lý, nâng cao nhận thức cho người khuyết tật…
Hầu hết người khuyết tật sau khi trải qua các khóa đào tạo đã có kỹ năng lao động và tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên.
“Sự ra đời của HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng chính là quyết định vô cùng đúng đắn để tôi thực hiện ước mơ được sẻ chia và truyền cảm hứng sống ý nghĩa với người khuyết tật”, chị Nga tự hào nói.
Từ nhiều năm nay, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng đã trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm tình thương của nhiều người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực để sống và lao động. Hơn nữa, HTX đã xây dựng được khu nhà nghỉ cho người lao động có nhu cầu ở lại.
“Khi vào HTX làm việc, tôi được chị Nga dạy việc, lo chỗ ăn ở nên không chỉ có thu nhập mà còn có những người bạn mới cùng nhau làm việc, sinh hoạt và đem lại niềm vui trong cuộc sống”, chị Nguyễn Thị Tươi (26 tuổi, quê Thái Nguyên) kể.
Sức mạnh của nghệ thuật và tình thương trong mô hình kinh doanh
Cùng sự giúp đỡ của xã hội, điều cốt lõi để HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khẳng định mình chính là chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã triển khai 5 ngành hàng chính: Photocopy và dịch vụ văn phòng phẩm; sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ; đan xâu hạt gỗ, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ; trồng nấm; xưởng may công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có hơn 90% là người khuyết tật, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
HTX sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ gồm chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ,… Sản phẩm được gia công với chất lượng tốt, nên được thị trường đón nhận.
Chị Nga cho biết, HTX mua lại những vụn vỗ, gỗ thừa từ các xưởng mộc để về gia công lại thành những hạt vòng, sau đó làm thành các sản phẩm bán ra thị trường. Các sản phẩm của HTX đều tận dụng từ những chất liệu tự nhiên, tái chế để bảo vệ mội trường.
Tính đến nay, HTX có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX sản xuất và tiêu thụ hàng chục nghìn sản phẩm với mức doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, bao gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, may vỏ gối, nấm sò trồng tự nhiên (30 tấn nấm/năm).
Theo ông Trần Văn Vệ - thành viên HTX Trái tim hồng, tình thương là điểm nối liên kết mọi người lại với nhau, là nguồn động viên và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Tình thương ấy không chỉ tồn tại giữa các thành viên mà còn lan tỏa ra xã hội, kết nối mọi người lại với nhau thông qua sự đồng cảm và sự chia sẻ. Những bức tranh, đồ trang sức và các sản phẩm thủ công khác không chỉ là kết quả của sự cống hiến và kiên trì mà còn là dấu ấn của một cộng đồng đoàn kết.
“Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, triển khai thêm đa dạng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng và đem lại thu nhập ổn định cho người khuyết tật”, Giám đốc Đinh Thị Quỳnh Nga chia sẻ.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/vuot-kho-vuon-len-o-htx-trai-tim-hong-1098997.html