Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở đỉnh trời Kỳ Sơn
Phát triển các mô hình kinh tế tập thể đang mang đến luồng gió mới tại mảnh đất được mệnh danh là đỉnh trời Kỳ Sơn (Nghệ An), từ đó giúp một số xã trong huyện từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Kỳ Sơn là huyện tiếp giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi cao với độ dốc lớn, hầu như quanh năm bao phủ sương mù nên được nhiều người gọi là “đỉnh trời”.
Xóa trắng huyện chưa có xã nông thôn mới
Địa hình đồi núi, giáp biên đi liên với tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% chính là lực cản trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động kinh tế tập thể với những mô hình HTX sản xuất dựa vào thế mạnh địa phương đã thúc đẩy người nông dân làm kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới khá hiệu quả.
Tại xã Hữu Kiệm, dù là vùng đất đồi nhưng lại rất màu mỡ, phù hợp với trồng chuối hàng hóa nên người dân đã đưa cây chuối hột rừng và chuối sứ về trồng và từng bước thuần hóa thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật.
Đến nay, tổ hợp tác trồng chuối xã Hữu Kiệm đã được thành lập và phát triển 30ha chuối theo hướng hàng hóa. Điều thuận lợi là cây chuối rất dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại phương lại nhanh cho thu hoạch nên thu hút người dân tham gia. Bên cạnh đó, tất cả các bộ phận từ cây chuối như thân, lá, quả, củ, bắp đều hữu dụng nên giúp người trồng chuối nâng cao thu nhập.
Riêng phần thân chuối được người dân tận dụng để phát triển chăn nuôi lợn. Theo tính toán của các thành viên tổ hợp tác, mỗi buồng chuối có thể bán với giá 100.000 đồng/buồng, cây chuối giống được bán với giá 40.000 đồng/cây, lá chuối được bán với giá 4.000-6.000 đồng/kg . Ngoài ra các bắp chuối khi thu hoạch đều được tiêu thụ thuận lợi cho các quán ăn, nhà hàng. Từ đó trung bình, các thành viên có thể có thu nhập từ 200.000-400.000 đồng/ngày từ cây chuối.
Đặc biệt do tập quán của người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên chuối được trồng khá tự nhiên, ít sử dụng các loại phân bón hóa học. Chính vì vậy, trồng chuỗi được đánh giá là giúp đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập và hỗ trợ người dân nâng cao ý thức sản xuất kinh tế hàng hóa.
Mô hình này cũng đang đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Hữu Kiệm. Tính đến tháng 6/2023, Hữu Kiệm là xã duy nhất của huyện Kỳ Sơn hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Hữu Kiệm về đích cũng xóa trắng huyện chưa có xã nông thôn mới ở Nghệ An.
Theo đánh giá của UBND xã, những chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... có thể lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ nhưng riêng việc nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề khó. Chính vì vậy, việc hỗ trợ người dân liên kết, phát triển kinh tế hàng hóa hiệu quả sẽ hóa giải được bài toán nâng cao thu nhập. Khi nâng cao được thu nhập, xã cũng giải quyết được tiêu chí hộ nghèo, thúc đẩy người dân vươn lên, sáng tạo trong sản xuất. Đây là điều vô cùng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy, ngoài tổ hợp tác trồng chuối, xã Hữu Kiệm còn có HTX trồng rau Khe Nhinh đang tập trung phát triển trồng rau hàng hóa và cây ăn quả, giúp người dân nâng cao thu nhập gấp 4-5 lần trồng lúa.
Nền tảng từ các HTX
Ngoài những mô hình kinh tế hàng hóa ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cũng đã phát triển được những mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp & Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn (xã tà Cạ) đang làm tốt vai trò hỗ trợ người dân trồng và bao tiêu củ gừng dé và gừng trâu. Đặc biệt, HTX hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật vào trồng gừng để tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Đến nay, HTX đã phát triển được 40ha gừng, thu hút gần 150 hộ dân liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. HTX đứng ra bao tiêu với giá cả hợp lý, sau đó sơ chế, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như tinh dầu gừng, gừng tươi đóng gói hút chân không, bột gừng, cao gừng... Sản phẩm của HTX đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Turkmenistan và một số nước châu Âu.
Sự phát triển của HTX Hương Sơn làm nền tảng để huyện Kỳ Sơn tiếp tục nâng cao và phát triển chuỗi giá trị từ cây gừng. Hiện, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích trồng gừng ở 11 xã thuộc vùng núi cao với diện tích gần 1.000 ha, nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển gừng bản địa. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các xã này tiếp tục nâng cao tiêu chí nông thôn mới.
Tiêu biểu như tại xã Cà Tạ đã có bản Cầu Tám đạt danh hiệu thôn bản đạt chuẩn Nông thôn mới. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của thôn là gần 40.000.000 đồng/người/năm. Số hộ nghèo trong xã giảm dần theo các năm. 130/130 hộ đã xây dựng hố rác tại các hộ gia đình. Tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi, trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học và lớp 6 đạt 100%.
Cùng với HTX Hương Sơn, các HTX như: HTX nông nghiệp sản xuất chè hữu cơ Huồi Tụ (xã Huồi Tụ), HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống (xã Mường Lống), HTX Thổ cẩm Na Loi (xã Na Loi)... đang làm nền tảng, thúc đẩy các xã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, các HTX đã và đang xây dựng thành công các sản phẩm OCOP.
Theo thống kê, cả huyện hiện đã có 7 sản phẩm OCOP thì đến 6 sản phẩm là của các HTX. Đây được xem là "đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, góp phần nâng cao thu nhập, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Kết quả còn khiêm tốn
Tuy nhiên, việc đến nay cả huyện mới có một xã là Hữu Kiệm hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới đang cho thấy những khó khăn của Kỳ Sơn trong phát triển kinh tế xã hội.
Một điều không thể phủ nhận là dù đã cố gắng và nỗ lực nhưng Kỳ Sơn vốn là một huyện miền núi, phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bão lũ nên quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư các công trình hạ tầng được đầu tư nhưng lại thường xuyên bị hư hại, xuống cấp. Trong khi địa hình đồi núi khiến việc vận chuyển, phát triển sản xuất của người dân, HTX gặp không ít khó khăn.
Cụ thể như dù có rất nhiều sản phẩm đặc sản có thể phát triển thành các loại hàng hóa trên quy mô lớn nhưng ngay việc xây dựng vùng nguyên liệu của người dân, HTX cũng gặp không ít khó khăn do sản xuất phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Điều này khiến nhiều HTX dù muốn đầu tư chế biến cũng không thuận lợi. Chẳng hạn như HTX Hương Sơn hiện có đầu ra khá thuận lợi nhưng do diện tích gừng chưa thực sự đủ lớn nên khâu chế biến còn gián đoạn.
Những điều trên khiến nhiều xã trong huyện mới chỉ hoàn thành được một số tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Như xã Nậm Cắn hiện mới hoàn thiện 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí chưa đạt gồm nhà ở; thu nhập; hộ nghèo; môi trường và an toàn thực phẩm.
Hay xã Hữu Lập còn đến 7 tiêu chí chưa hoàn thành là giao thông; nhà ở; thu nhập; hộ nghèo; hệ thống tổ chức sản xuất; môi trường và an toàn thực phẩm.
Hay như xã Cà Tạ dù đã có thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới nhưng thời gian qua, thiên tai, lũ quét đã khiến cơ sở hạ tầng, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh nhân dân bị tụt lùi nên xã vẫn còn 7 tiêu chí nông thôn mới nữa chưa hoàn thiện.
Trước thực tế này, có thể thấy xây dựng nông thôn mới ở huyện Kỳ Sơn là cả quá trình và hoàn toàn không dễ dàng. Huyện cũng cần nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường...
Nhìn về tương lai, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết trên địa bàn huyện đang có 12 HTX nông nghiệp, hơn 20 tổ hợp tác, 14 làng nghề truyền thống. Các HTX, tổ hợp tác, làng nghề, gia trại đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài huyện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Để tiếp tục xây dựng nông thôn mới hiệu quả, huyện xác định vẫn coi kinh tế tập thể, HTX là trụ đỡ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Viết Hùng, là một huyện nghèo của tỉnh nên Kỳ Sơn rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực một cách hiệu quả hơn nữa từ tỉnh và Nhà nước để có thể hóa giải những khó khăn và bước nhanh hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tùng Lâm