Vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng giáo dục đại học
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: 'Chính những thách thức lớn sẽ là cơ hội để đáp ứng được, thỏa mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ GDĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng'.
Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024 diễn ra ngày 09/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có phát biểu cho rằng, giáo dục đại học có rất nhiều thách thức lớn đang đặt ra và cần vượt qua.
Theo Bộ trưởng, thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với giáo dục đại học, đó là cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. “Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều đốc thúc chúng ta phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng”.
Thứ hai là thách thức từ sự kỳ vọng, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp, xã hội với giáo dục đại học ngày càng lớn. Bộ trưởng chia sẻ:
“Chúng ta được tin tưởng, xác định và định vị là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng giúp bứt phá về kinh tế - xã hội. Kỳ vọng ngày càng lớn là một áp lực”.
Thứ ba là thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như kinh tế của Việt Nam; thách thức trong cung cấp nhân lực công nghệ cao, gần đây là nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn.
“Năm nay là năm đầu tiên tuyển sinh các ngành trực tiếp liên quan đến công nghệ bán dẫn. Các trường đại học với sự nhạy bén, tinh thần trách nhiệm rất cao đã vào cuộc và các thông tin tuyển sinh năm nay cho thấy rất khả quan” - Bộ trưởng đánh giá, đồng thời cho rằng, nếu giáo dục đại học làm tốt việc cung ứng nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn sẽ xóa được góc nhìn của xã hội là đào tạo không đáp ứng nhu cầu.
Nhắc đến thách thức phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới, gồm đẩy mạnh chiều sâu và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.
Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định: “Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Cùng với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: Tự kiểm soát, tự điều tiết, tinh thần tự lực tự cường, tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động, tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn…”.
Về triển khai tự chủ, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Bộ GDĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này. Các nhà trường cũng cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới, tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan.
Đối với thách thức tuyển sinh, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm, Bộ trưởng chia sẻ: Chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có nhiều đổi mới, các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập.
“Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GDĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”, Bộ trưởng cho biết.
Đặc biệt, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ sớm được ban hành, triển khai thực hiện quy hoạch có thể có những biến động trong sắp xếp hệ thống các trường, Bộ trưởng mong muốn các trường đại học đón nhận với tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội.
“Những thách thức phát sinh trong chính quá trình phát triển, quá trình giáo dục đại học ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Chính những thách thức lớn sẽ là cơ hội để đáp ứng được, thỏa mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ GDĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ./.