Vượt mặt Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khởi động dự án chế tạo tàu ngầm AIP nội địa

Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố khởi động chương trình thiết kế và chế tạo tàu ngầm quốc gia thế hệ mới, được chỉ định là MILDEN (Milli Denizalti/National Submarine).

Tại hội thảo lần thứ 9 về các hệ thống hải quân, Phó Cục trưởng Cục Đóng tàu của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Chuẩn Đô đốc Mehmet Sari đã trình bày về chương trình MILDEN. Theo tuyên bố của ông, quá trình tập hợp đội ngũ nhân sự đầu tiên cho dự án đã diễn ra.

Sau khi hoàn thành đánh giá khả thi đối với dự án, giai đoạn lập kế hoạch xây dựng sẽ bắt đầu. Theo dự kiến, các tàu ngầm thế hệ mới sẽ được thi công tại Nhà máy đóng tàu hải quân Golcuk.Công ty nhà nước Aselsan sẽ cung cấp thiết bị điện tử cho tàu, đi kèm với phương tiện phát hiện và trinh sát, cùng Havelsan - một gói chỉ huy và kiểm soát tích hợp.

Defense News cho biết, theo chương trình MILDEN, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch chế tạo 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện để đưa vào sử dụng trong những năm 2030. Các chuyên gia quân sự nhận định rằng hạm đội tàu ngầm này sẽ được tích hợp động cơ đẩy độc lập với không khí (động cơ AIP), ngư lôi hạng nặng hiện đại và tên lửa dẫn đường.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm năng chế tạo nội địa và hiện đang sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn thứ hai trong khối quân sự NATO, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước này trước đây không thực hiện được việc tự đóng mới tàu ngầm.

Tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 209 của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Defense News.

Tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 209 của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Defense News.

Hiện tại nhà máy đóng tàu Golcuk đang thực hiện chương trình xây dựng 6 tàu ngầm lớp Pirireis dựa trên thiết kế Type 214 của Đức. Theo nhận xét, kinh nghiệm và công nghệ có được thông qua dự án này được Ankara sử dụng cho chương trình MILDEN.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã có được kinh nghiệm cần thiết trong việc hiện đại hóa 3 tàu ngầm tấn công do Pháp chế tạo. Mọi công việc chuẩn bị gần như đã hoàn tất, vì vậy dự đoán rằng chương trình vũ khí đầy tham vọng trên sẽ sớm được Ankara hoàn thành.

Vào thời điểm hiện tại và cả trong tương lai gần, không nhiều quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất tàu ngầm diesel-điện trang bị động cơ AIP mà Nga có thể xem như ví dụ điển hình, khi họ vẫn đang loay hoay với thiết kế lớp Lada và Kalina.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/vuot-mat-nga-tho-nhi-ky-khoi-dong-du-an-che-tao-tau-ngam-aip-noi-dia/20191029034838899