Vượt Nga, Ấn Độ trở thành nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ tư thế giới
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ hiện chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ vừa cho biết tổng dự trữ ngoại hối của nước này tính đến ngày 5/3 đạt giá trị 580,3 tỷ USD.
Tổng dự trữ ngoại hối của Ấn Độ hiện đủ cung cấp nguồn tài chính cho nhập khẩu trong 18 tháng. Mức dự trữ ngoại hối của Ấn Độ tăng mạnh chủ yếu nhờ khoản thặng dư tài khoản vãng lai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán và nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng.
Theo ước tính của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), lượng tài sản dự trữ bằng ngoại tệ là 539,6 tỷ USD. Tỷ lệ dự trữ vàng của Ấn Độ đạt mức 34,2 tỷ USD, tài sản Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) ở mức 1,5 tỷ USD và vị thế nắm giữ tại IMF là 4,9 tỷ USD.
Các nhà phân tích cho rằng, với vị thế quốc gia có mức dự trữ ngoại hối hàng đầu thế giới giúp các công ty xếp hạng tín nhiệm gia tăng kỳ vọng rằng chính phủ Ấn Độ hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ, bất chấp nền kinh tế quốc gia Nam Á này sắp ghi nhận năm suy thoái đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ.
Kaushik Das - nhà kinh tế trưởng về Ấn Độ tại Deutsche Bank, cho biết các chỉ số về mức dự trữ khác nhau của Ấn Độ cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong vài năm gần đây. “Vị thế dự trữ ngoại hối nhiều thứ tư thế giới sẽ giúp RBI đủ sức đối phó với bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào từ bên ngoài trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế Kaushik Das cho hay.
Tại báo cáo mới nhất, Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng khuyến nghị tăng cường hơn nữa mức dự trữ ngoại hối, trong khi Thống đốc Shaktikanta Das nói rằng các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi cần xây dựng nguồn dự trữ ngoài để ngăn chặn bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài.