Vượt nghịch cảnh vào đại học
Sinh ra với những khiếm khuyết bẩm sinh, thế nhưng, những bạn trẻ với nghị lực phi thường đã biến điều không thể thành có thể. Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh đặc biệt đã mở toang cánh cửa vào đại học, thực hiện ước mơ của mình.
Bước qua nỗi sợ bóng tối
Em Bùi Thị Hậu (sinh năm 1998, quê Nam Định) trở thành tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Văn Hiến. Khi mới chào đời, em không có được đôi mắt sáng, không thấy mọi thứ xung quanh. Đi chữa mắt rất nhiều lần, bác sĩ đều nói chưa từng gặp tình trạng bệnh tình như em.
“Nghe được những lời đó em cảm thấy rất buồn và thất vọng. Đôi lúc em ước gì mình có thể nhìn thấy một chút, một chút thôi để biết thế giới quanh mình như thế nào, nhưng đó chỉ là ước mơ. Tuổi thơ chỉ gắn bó với bốn bức tường, với những kỷ niệm vui ít, buồn nhiều cùng với những biến cố xảy đến với em”, Bùi Thị Hậu kể.
Tuổi thơ của Hậu trôi qua một cách lặng lẽ cho đến khi nhận một món quà tinh thần vô cùng lớn và ý nghĩa, đó là lúc em được giới thiệu vào mái ấm Thiên Ân (năm 2008) từ một linh mục. Ở đây, em được học hành, được chơi với các bạn đồng cảnh ngộ. Thời gian trôi qua, nơi đây trở thành gia đình thứ hai, em được truyền cảm hứng, động lực để học tập, theo đuổi ước mơ của mình.
Hậu thích âm nhạc, thích viết văn và học tiếng Anh. Càng học, em càng đam mê môn tiếng Anh, thậm chí tin rằng giỏi tiếng Anh sẽ giúp em có tương lai tươi sáng, vững vàng bước trên đôi chân của mình. Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng em chỉ có thể học hết cấp 1 mà thôi. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, em đã học lên cấp 2, cấp 3 và nay là vào đại học. Năm học 2019-2020, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, em đi gõ cửa từng trường đại học có ngành đào tạo tiếng Anh để đăng ký học nhưng tiếc rằng không có trường nào nhận. Hậu chuyển hướng sang khoa âm nhạc của một trường cao đẳng tại TPHCM và chờ cơ hội. Đến tháng 7-2020, qua chia sẻ từ bạn bè, biết được Trường ĐH Văn Hiến có chính sách tiếp nhận các trường hợp khiếm thị theo học và được cấp học bổng, em quyết định đăng ký chọn ngành ngôn ngữ Anh.
Vào đại học, với Hậu là niềm vui không thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng ngược lại, có biết bao khó khăn đang chờ em phía trước như việc đi lại, tiếp thu bài giảng, tìm kiếm tài liệu… “Nhưng vì niềm đam mê của chính mình, em sẽ cố gắng vượt qua”, Bùi Thị Hậu tự tin bộc bạch.
“Chim cánh cụt” muốn làm kỹ sư
Ở ấp 2, xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai, mọi người đều gọi em Hồ Hữu Hạnh với cái tên rất trìu mến là “chim cánh cụt”. Hạnh không có đôi tay nhưng có nụ cười thật đáng yêu. Sinh ra không được trọn vẹn như bao trẻ khác, “chim cánh cụt” bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ đã tốt nghiệp THPT và chọn ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Lạc Hồng để hoàn thành ước mơ trở thành kỹ sư tin học của mình.
Đầu tháng 9, Hồ Hữu Hạnh đã làm thủ tục nhập học tại trường trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Qua câu chuyện của Hạnh, chúng tôi được biết, đã có một trường đại học tặng em học bổng 100 triệu đồng/4 năm nhưng em đã từ chối và nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Lạc Hồng. Hạnh bộc bạch: “Em ngưỡng mộ các anh chị sinh viên của trường khi tham gia các cuộc thi ở trong nước và quốc tế. Thầy giáo Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng là người đã chu cấp tiền hàng tháng cho em ăn học từ năm 2008 đến nay. Trường là cái nôi để em nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ. Học thật tốt, rèn luyện thật tốt, sống thật lạc quan… là điều mà em đã, đang và tiếp tục làm để xứng đáng”.
Không được lành lặn như các bạn cùng trang lứa về mặt hình thể, nhưng bù lại, “chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh lại có một ý chí và nghị lực tuyệt vời. Hạnh có thể làm tất cả những công việc từ tự chăm sóc và phục vụ bản thân đến phụ giúp gia đình các công việc trong nhà. Hai chân đã thay đôi tay giúp Hạnh làm quen với máy tính khi học lớp 3. Đó là chiếc máy tính Hạnh được nhà hảo tâm tặng. Cũng chính từ khởi đầu ấy, Hạnh đã thích những thứ liên quan đến công nghệ thông tin. Hạnh cũng mày mò, học thêm nhiều thứ từ môi trường học tập mở trên internet. Hiện nay Hạnh cũng thực hiện một số dự án quảng cáo trực tuyến cho doanh nghiệp, vừa có thêm thu nhập vừa thực hành những điều mình tích lũy được.
“Không có tay thì em làm bằng chân. Ban đầu thì có chút khó khăn, nhưng tập dần thì quen và làm được. Ai cũng có lần đầu và gặp chút khó khăn cũng là điều hết sức bình thường. Nghĩ vậy nên mọi thứ với em rất nhẹ nhàng, không bi quan. Em luôn cảm ơn cuộc đời vì mình được sống và được yêu thương. Ai cũng có những khó khăn riêng, chỉ cần chúng ta lạc quan, cố gắng, nhất định may mắn sẽ mỉm cười”, Hạnh chia sẻ. Đến năm 2019, Hạnh được một doanh nghiệp tài trợ chuyến tham quan trụ sở Google châu Á - Thái Bình Dương. Sau chuyến đi ấy, Hạnh hạ quyết tâm học ngành công nghệ thông tin.
Từ chỗ hoài nghi của mọi người, không có đôi tay thì làm sao học hành, Hạnh đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi kết quả học tập loại giỏi và viết chữ đẹp bằng đôi chân. Và nay, tất cả phải thán phục khi em vào đại học và quyết tâm trở thành kỹ sư tin học bằng đôi chân.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vuot-nghich-canh-vao-dai-hoc-689334.html