Vượt qua ám ảnh lừa đảo

Cảnh giác với lừa đảo là chuyện cần thiết nhưng cũng đừng quên rằng xã hội vẫn còn nhiều sự tử tế, người tốt vẫn luôn quanh chúng ta.

Những cuộc gọi giả danh công an, cơ quan điện lực, Tòa án hay được tặng quà, trúng thưởng.... hoặc dẫn dụ người dân bấm vào link đính kèm dẫn tới mất tiền trong tài khoản, mất quyền truy cập điện thoại..... là "kịch bản" được những kẻ lừa đảo sử dụng thường xuyên trong thời gian qua.

Thậm chí gần đây, các đối tượng còn sử dụng công nghệ Deepfake tạo ra những video giả mạo với hình ảnh và giọng nói giống hệt người thật để gọi video ngắn, giả mạo người thân hoặc bạn bè.... để lừa đảo khiến nhiều người luôn trong tâm thế đề phòng với tất cả những cuộc gọi từ số máy lạ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngay cả 1 BTV VOV2 khi dùng số điện thoại của cơ quan liên hệ với thính giả là thân nhân liệt sỹ để cung cấp thông tin tìm mộ liệt sỹ cũng bị coi là lừa đảo, bị dùng những từ ngữ khó nghe. Hay một một nữ sinh quê ở xa đang học tập tại Hà Nội bị ốm phải đi viện, đại diện nhà trường đã liên hệ với gia đình để báo tin song cũng bị từ chối và quy kết nhà trường là "kẻ lừa đảo"....

Những vụ việc này dù chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào nhưng phần nào cho thấy, nhiều người trong xã hội luôn nghi ngờ với lòng tốt của người khác.

Tiến sỹ xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, chiếc điện thoại là vô cùng quan trọng. Đối tượng giúp đỡ và cần giúp đỡ chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể làm được mọi việc. Tuy nhiên, do thời gian qua, nhiều người trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo cũng từ chiếc điện thoại khiến nhiều người luôn nghi ngờ khi nhận được tin báo về bất cứ việc gì, kể cả đó là việc tốt.

"Có những người luôn ám ảnh rằng mình đang bị lừa nên sẵn sàng quát tháo, dùng những từ ngữ không hay đối với những người vừa báo một tin gì đó. Dần dần, người tử tế thui chột ý nghĩ làm việc tốt" - Tiến sỹ Linh bày tỏ.

Chuyên gia tâm lý Trần Văn Hùng nhìn nhận, trước tình trạng lừa đảo ngày càng nhiều với các chiêu trò ngày càng tinh vi, việc đề cao cảnh giác là cần thiết, thế nhưng bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức xã hội, kỹ năng ứng biến trong cuộc sống cũng như trên mạng xã hội để bảo vệ bản thân và cũng tránh làm tổn thương người khác.

“Trong xã hội còn nhiều người tốt, tại sao chỉ vì nỗi sợ hãi trở thành nạn nhân của lừa đảo khiến tâm lý của chúng ta luôn cảnh giác, căng thẳng, áp lực. Xã hội sẽ ra sao khi mọi người nhìn đâu cũng thấy kẻ xấu?", ông Hùng nhận xét.

Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dân cần nâng cao kỹ năng khi đối diện với những tình huống trong xã hội cũng như trên không gian mạng. Đừng vì phòng ngừa quá đà mà quên đi xã hội vẫn còn rất nhiều sự tử tế.

Thu Hà/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/vuot-qua-am-anh-lua-dao-post1188094.vov