Vượt qua nhiều thử thách, doanh nghiệp hàng không hồi phục mạnh mẽ
Khi các đường bay nhộn nhịp trở lại, những doanh nghiệp hàng không và dịch vụ phụ trợ như cung cấp suất ăn, bán hàng miễn thuế, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp hàng không 'chuyển mình' trong thời gian tới...
Tính đến nay, các hãng hàng không và dịch vụ phụ trợ hàng không đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2023 với nhiều điểm sáng khi vận tải hành khách, hàng hóa phục hồi trở lại.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 vừa được công bố, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đạt doanh thu thuần 23.830 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh thu dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines báo lỗ gộp 189,3 tỷ đồng trong quý 4/2023, tuy nhiên con số này đã cải thiện tích cực so với khoản lỗ gộp 1.077 tỷ đồng của quý 4/2022.
Trong kỳ, các chi phí đều được tiết giảm như chi phí tài chính giảm 35,4% còn 747,6 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm 24,9% xuống mức 991 tỷ đồng.
Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 1.982 tỷ đồng trong quý 4/2023, giảm gần một nửa so với khoản lỗ cùng kỳ quý 4/2022 là 3.439 tỷ đồng. Vietnam Airlines cho biết lợi nhuận có chuyển biến tích cực do công ty mẹ Vietnam Airlines và công ty con Pacific Airlines đã giảm lỗ, trong khi các công ty con khác như Suất ăn Hàng không Nội Bài và Suất ăn Hàng không Việt Nam có lãi nhiều hơn. Đây là kết quả bước đầu tương đối khả quan của Vietnam Airlines trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Lũy kế cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận lãi gộp đạt hơn 3.939 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ gộp 2.876 tỷ đồng của năm 2022. Lỗ sau thuế cả năm 2023 là 5.249 tỷ đồng, giảm 5.696 tỷ đồng so với khoản lỗ năm 2022, tương đương giảm lỗ hơn một nửa. Theo ghi nhận, đây là năm thứ tư thua lỗ liên tiếp của hãng.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines là 57.616 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 14.811 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 42.804 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của công ty là 74.561 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 60.608 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế lớn khiến vốn chủ sở hữu của hãng bay này vẫn âm 16.945 tỷ đồng.
Về các giải pháp phục hồi kinh doanh, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành đề án tái cơ cấu lại tổng công ty. Trong năm 2024, hãng sẽ thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Trái ngược với kết quả kinh doanh thua lỗ của Vietnam Airlines, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với nhiều điểm sáng.
Theo đó, trong quý kinh doanh cuối năm 2023, Vietjet mang về gần 18.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 49% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt 18.900 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 46% và đóng góp 40% tổng doanh thu vận chuyển hàng không. Khấu trừ chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 152 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 62.535 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng thu về gần 344 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 2.262 tỷ đồng trong năm 2022.
Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 84.681 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thời điểm đầu năm, do Vietjet đầu tư tàu bay với 3 tàu A321 NEO thế hệ mới. Trong đó, số dư tiền và tương đương tiền đạt 5.021 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tài sản ngắn hạn và dài hạn của Vietjet lần lượt đạt 37.272 và 47.409 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 30% lên trên mức 69.000 tỷ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn là 36.187 và 32.861 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 15.633 tỷ đồng.
Trong năm qua, Vietjet đã khai thác 133 nghìn chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu lượt hành khách (chưa bao gồm Vietjet Thái Lan), trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng tới 183% so với năm 2022.
Hiện tại, Vietjet đã phát triển mạng bay với 33 đường bay quốc tế và quốc nội được mở mới, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 81,5 nghìn tấn, tăng 73% so với cùng kỳ.
Các hãng hàng không phục hồi trở lại cũng khiến các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Theo đó, Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (mã chứng khoán: NCS), doanh nghiệp bán suất ăn và trà sữa trên các chuyến bay báo lãi quý 4/2023 đạt hơn 16 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng, doanh thu của các hãng hàng không tăng trưởng mạnh khi các hãng nối lại đường bay và tăng chuyến sớm hơn dự kiến.
Tương tự, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023 với doanh thu hơn 20.032 tỷ đồng, tăng 45,1% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 18,4%, đạt 8.571 tỷ đồng.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối 2024, trong xu hướng chung của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cơ quan này cho biết, nhu cầu vận chuyển hành khách năm 2024 dự kiến hơn 84 triệu, tăng 15% so với năm 2023 và 6% so với năm 2019, thời điểm trước Covid-19. Trong đó, khách nội địa dự kiến tăng trên 3%, đạt khoảng 41,5 triệu; khách quốc tế gần 43 triệu, tăng 16% so với năm ngoái.